Nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những thử nghiệm ban đầu mang lại thành công, huyện Kbang (Gia Lai) có kế hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, giúp nông dân nâng cao thu nhập và phát triển sản xuất bền vững.
Đầu năm 2018, nhận thấy diện tích mía của gia đình kém hiệu quả, anh Trần Văn Tiếng (làng Jlao, xã Kông Pla) đã chuyển đổi 3 ha sang trồng dâu nuôi tằm. Theo anh Tiếng, 1 ha dâu sau khoảng 6 tháng trồng sẽ nuôi được 9 hộp trứng tằm, sau 20 ngày thu hoạch khoảng 460 kg kén (mỗi hộp cho thu hơn 50 kg kén). Với giá bán trung bình từ 160.000 đồng đến 165.000 đồng/kg, mỗi lứa anh thu về trên 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Mô hình này cho thu nhập cao gấp 7-10 lần so với trồng mía. Mỗi héc ta dâu năm đầu tiên nuôi được 3-4 lứa tằm, từ năm thứ 2 có thể nuôi 8-10 lứa, sau khi trừ chi phí, thu nhập đạt 200-300 triệu đồng/năm. Hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng dâu của gia đình lên hơn 11 ha. Tôi cũng đang mở rộng nhà nuôi tằm quy mô lớn”-anh Tiếng tự tin cho biết.
 Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Văn Tiếng (thôn Jlao, xã Kông Pla, huyện Kbang) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.N
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Văn Tiếng (thôn Jlao, xã Kông Pla, huyện Kbang) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.N
Theo ông Đinh Minh-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Kông Pla: Diện tích mía trên địa bàn xã hiện nay là 2.250 ha, vượt xa so với quy hoạch. Giá mía lại đang ở mức thấp nên mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Tiếng được nhiều người dân ở đây quan tâm và làm theo. Địa phương đã đề xuất với huyện phối hợp cùng Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang tổ chức hội thảo để nông dân có thêm thông tin, kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. “Nhiều người thấy mô hình hiệu quả nên đã liên hệ với Công ty mua giống và đã trồng được 3 ha. Chính quyền xã vận động người dân chỉ nên chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả, hoặc diện tích mía ở những nơi đường sá khó khăn, xe không vào vận chuyển được thì mới chuyển sang trồng dâu nuôi tằm”-ông Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang thì khẳng định: Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một số hộ bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng nhân rộng trên địa bàn. Qua làm việc với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), đơn vị này cho rằng, đầu ra của tơ tằm là rất lớn. Công ty sẽ đầu tư liên kết sản xuất và thu mua hết sản phẩm cho người dân thông qua hợp đồng. Đồng thời khẳng định, nếu huyện Kbang có đủ diện tích đất từ 300 ha trở lên, Công ty sẽ đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy ươm tơ tại địa phương.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, từ năm 2017 đến nay, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang đã trồng thử nghiệm và đầu tư liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 28 ha trên địa bàn 3 huyện: Mang Yang, Kbang, Đak Đoa và thị xã An Khê, trong đó huyện Kbang có 5 ha. Kết quả cho thấy, các địa phương có điều kiện phù hợp để phát triển trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập cao, mỗi năm nuôi đến 7-8 lứa. Năng suất lá dâu thu được bình quân khoảng 30 tấn/ha/năm. Với giá mua là 5.000 đồng/kg lá dâu, thu nhập của người dân khoảng 150 triệu đồng, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Nếu trồng dâu nuôi tằm, bán kén thì lợi nhuận cao hơn, xấp xỉ 300 triệu đồng/ha/năm.
Dự kiến giai đoạn 2019-2021, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang sẽ đầu tư liên kết vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha, riêng huyện Kbang là 600 ha. Đặc biệt, Công ty sẽ lập dự án, triển khai xây dựng nhà máy ươm tơ tại huyện Kbang, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2020. Đến năm 2025, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tại địa phương lên đến 1.000 ha. “Tại buổi làm việc mới đây với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang, UBND huyện xác định, địa phương hiện có đến 3.000 ha đất trồng mía kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó 1.000 ha ở các xã phía Nam có thể chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, huyện thống nhất chủ trương phát triển trồng dâu nuôi tằm tập trung ở các xã phía Nam như: xã Đông, Nghĩa An, Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Tơ Tung, Đak Hlơ và thị trấn Kbang”-ông Tình thông tin. Đặc biệt, khi liên kết sản xuất với hộ nghèo, hộ người Bahnar, Công ty sẽ đầu tư 70% số tiền mua hom giống ban đầu theo hình thức trả chậm. Khi các hộ bán lá dâu hoặc kén, Công ty sẽ trừ dần khoản đầu tư không tính lãi này.
 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.