Nhà vườn lao đao vượt khó - Kỳ 1: Ngập nỗi lo ở 'thủ phủ' trái cây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hạn mặn khốc liệt, rồi dịch bệnh ập đến khiến giá cả nhiều loại trái cây chạm đáy. Bao vườn tược trĩu quả từng là niềm tự hào của miền Tây Nam Bộ, giờ lại thành gánh nặng oằn vai dù thị trường trong nước có phần phục hồi.

Ông Phạm Văn Vị (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) xót xa nhìn vườn sầu riêng chết khô. Ảnh: CHÍ CÔNG
Ông Phạm Văn Vị (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) xót xa nhìn vườn sầu riêng chết khô. Ảnh: CHÍ CÔNG
Phải làm gì để vượt qua cơn bão khó khăn này?
Nhắc chi thêm rầu. Chắc đi Bình Dương bán nước tương"... Những câu chuyện trao đổi qua lại giữa nông dân trên chuyến phà Quới Thiện băng dòng Cổ Chiên.
Mùa xoài năm nay chủ vườn chết đứng vì giá cả rớt đáy. Nhiều người thậm chí còn không muốn hái trái.
Anh Nguyễn Văn Thiệu (nông dân huyện Đức Huệ, Long An)
Sầu riêng thành... sầu chung
Qua phà, chúng tôi đến cù lao Dài gồm hai xã Thanh Bình và Quới Thiện (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), vùng cây ăn trái bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn. Đi dọc theo cù lao là những vườn sầu riêng chết khô cành, trụi lá. Người dân cù lao ngậm ngùi, ví von chúng với hình ảnh những cây "ăngten".
Từ sau tết, nước mặn theo dòng Cổ Chiên len lỏi vào sâu trong từng mảnh vườn của người dân nơi đây. Do chỉ thích ứng với độ mặn thấp nên hầu hết các vườn sầu riêng trên cù lao lần lượt héo úa dần rồi chết khô dù chủ vườn tốn bao nhiêu tiền bạc cứu chữa.
Vườn sầu riêng hơn 100 cây của anh Nguyễn Phi Vân (xã Thanh Bình) đang chờ ngày đốn bỏ. Dù đã chi hơn chục triệu đồng cứu vườn, anh Vân vẫn lắc đầu nhìn về khu vườn của mình. "Không cứu được nữa, chờ vài ngày nữa đốn bỏ rồi trồng cây mới vào thôi" - anh Vân buồn bã cho biết.
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Vị (xã Thanh Bình) đang lúi húi trồng hơn 400 cây mít Thái siêu sớm vào khu vườn sầu riêng đã chết khô. Ông chua xót cho biết thời điểm mặn đến, vườn sầu riêng mang trái sai oằn nên càng thiệt hại nặng. Thương lái ban đầu đặt cọc giá 40.000 đồng/kg nhưng chỉ hái được vài trăm ký thì bỏ cọc, lặn mất tăm. Ông đành bán cho người ta làm kem, làm kẹo với giá 5.000 đồng/kg. 
"Nông dân cả cù lao năm nay đều chết đứng. Cây càng nhiều trái chừng nào chết hung chừng đấy. Tui không dám trồng sầu riêng nữa" - ông Vị chùng giọng chia sẻ.
Không chỉ ở Vĩnh Long mà nhiều người trồng sầu riêng ở Tiền Giang cũng lâm cảnh khó với loại "vua trái cây" từng cho lợi nhuận siêu khủng. Ghé cù lao xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), vùng trồng sầu riêng nức tiếng, đâu đâu cũng nghe những tiếng thở dài của nông dân vì một vụ mùa thất bát. Nếu như vụ mặn năm 2016 chỉ xuất hiện khoảng một, hai tháng rồi chấm dứt thì năm nay hạn mặn kéo dài, nông dân không thể xoay xở nổi.
Anh Trần Minh Phương và chị Nguyễn Thị Rí (xã Ngũ Hiệp) chỉ còn trông vào tiệm tạp hóa của gia đình để kiếm bạc cắc mỗi ngày. Lợi nhuận vài trăm triệu đồng từ mấy công sầu riêng vườn nhà đã là chuyện của vài năm về trước. Dù tận tình "cứu chữa" hết mức, vườn sầu riêng của anh chị vẫn không thể trụ qua mùa hạn mặn.
"Nước mặn xâm nhập khiến tui phải mua nước ngọt tưới vườn với giá 50.000 đồng/m3. Thời gian đầu người ta còn bán lên tới 100.000 đồng/m3 sau đó mới giảm dần. Chi phí mua nước đắt đỏ mà giá sầu riêng thì rẻ bèo. Đợt rồi tui cắt bán cho lái có 22.000 đồng/kg mà họ còn chê không thèm mua" - chị Rí chia sẻ.
Tiền đầu tư phân bón hơn 30 triệu, tiền thuốc đều đặn mỗi 10 ngày tốn hơn 600.000 đồng nên năm nay chị chấp nhận lỗ vốn. Chị Rí từng vay 100 triệu đồng để đầu tư vườn, may mắn nhờ trúng giá nên trả sớm. Năm nay chị đang có ý định vay lại để tái đầu tư nhưng băn khoăn: "Nửa muốn trồng nhưng nửa lo hạn mặn tiếp diễn làm mình đứt vốn" - chị Rí trải lòng.
Ông Đỗ Quốc Khánh - chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) - cho biết đợt hạn mặn vừa qua trên địa bàn diễn ra trong khoảng bốn tháng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Trong hơn 1.500ha sầu riêng toàn xã thì có hơn 150ha bị chết, 60% diện tích sầu riêng suy kiệt, tác động lớn đến sinh kế người dân. 
"Những hộ dân có điều kiện thì người ta sẽ tái đầu tư. Nhiều hộ không có điều kiện thì đi vay ngân hàng để đầu tư lại, rất bấp bênh" - ông Khánh cho biết.

Nhà vườn đốn bỏ sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: CHÍ CÔNG
Nhà vườn đốn bỏ sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: CHÍ CÔNG
Nhiều trái cây khác cũng mất giá
Dọc các xã Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) dễ dàng thấy cảnh người dân thay nhau đốn bỏ chôm chôm. Hạn mặn rồi giá chôm chôm xuống thấp do tình hình xuất khẩu khó khăn vì dịch bệnh buộc người dân phải đốn vườn để chuyển sang các loại cây trồng khác thích nghi tốt hơn.
"Năm tới chắc không còn chôm chôm để đóng thùng xuất bán" - ông Nguyễn Văn Tám (65 tuổi, xã Sơn Định) nói với chúng tôi. Ông đang đốn bỏ hai công chôm chôm do ảnh hưởng hạn mặn. Mọi năm thu nhập từ mảnh vườn trên cũng hơn 50 triệu đồng nhưng năm nay coi như mất trắng. 
Đưa ánh mắt buồn thiu nhìn vườn chôm chôm hơn chục năm tuổi bị đốn hạ, củi nằm la liệt, ông Tám rầu rĩ: "Củi chôm chôm mọi năm hơn 200.000 đồng/thước mà nay 80.000 đồng/thước họ còn không thèm mua".
Ông Nguyễn Huy Tuấn, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại huyện Chợ Lách, cho biết trung bình một công chôm chôm đầu tư phân thuốc khoảng 5 triệu đồng. Mọi năm những chủ đại lý như ông luôn cho nông dân mua trước trả tiền sau nhưng năm nay tình hình hạn mặn khiến nông dân khốn đốn, đại lý nào cũng lo. "Chòm xóm mua phân thuốc mấy năm trời, gặp lúc khó khăn mà mình o ép cũng kỳ" - ông Tuấn chia sẻ.
Đến Đồng Tháp, chúng tôi ghé huyện "thủ phủ" quýt hồng Lai Vung. Đã qua rồi cái thời vui trúng mùa được giá, hốt bạc của nhà vườn. Mấy năm nay do dịch bệnh chết vàng, chết xanh trên cây có múi hoành hành nên nhà vườn đều thất thu. 
Ông Lưu Văn Ràng, nông dân trồng quýt hồng nổi tiếng xứ này, cũng cho biết ông vừa chuyển hai mảnh vườn của mình sang trồng chanh núm, chanh giấy vì không thể cứu vãn tình trạng quýt chết dù đã thử qua nhiều cách khác nhau. "Thôi còn cây nào thì chăm cây đó chứ cũng không còn thiết tha nữa" - ông Ràng tâm sự.
80% - đó là sản lượng quýt hồng giảm do dịch bệnh chết vàng, chết xanh trên cây có múi. Mùa tết 2020, sản lượng quýt hồng tại Lai Vung giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4.000 tấn so với mức từ 20.000-30.000 tấn mọi năm. Diện tích quýt cho trái cũng chỉ còn khoảng 200ha trên khoảng 800ha.
Ông Huỳnh Văn Tồn - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung - cho biết những năm gần đây dịch bệnh, rồi giá cả nông sản xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống nông dân. "Muốn đầu tư lại phải có ngân hàng cùng dự án, đề án hiệu quả. Như quýt hồng có đề án Nhà nước hỗ trợ, dân đối ứng, nhưng cũng có người kiệt quệ tiền bạc thì không biết sao đối ứng" - ông Tồn chia sẻ.
Dịch COVID-19 làm đóng băng thị trường đã đẩy giá nhiều loại trái cây lao dốc thảm hại. Thời điểm hiện tại giá nhãn Thái chỉ dao động từ 12.000-14.000 đồng/kg; chôm chôm 8.000-15.000 đồng/kg; sầu riêng khoảng 30.000 đồng/kg... Hầu hết các mức giá này thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chủ vườn, việc chống dịch bệnh Covid-19 của VN tốt đã giúp thị trường trong nước có phần phục hồi. Tuy nhiên, họ vẫn đang khó khăn do cây trái mất năng suất, giảm chất lượng vì hạn mặn, đồng thời cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài vẫn chưa thể phục hồi.
Nhiều chủ vườn chỉ sau vài tháng đã trĩu gánh nợ vì thiên tai, dịch bệnh. Một ngày có người bị mấy chủ nợ cùng réo đòi...
Kỳ tới: Nhà vườn sa nợ
THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.