Nhà rông qua ảnh tư liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà rông là công trình sáng tạo văn hóa vật chất của những cư dân sinh sống ở phía Bắc Tây Nguyên. Buôn làng cổ truyền của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều có ngôi nhà rông, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ. Nhà rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng làng. Tuy nhiên, công trình kiến trúc này có sự biến đổi nhanh chóng khi đối sánh từ những bức ảnh tư liệu xưa được chụp từ đầu và giữa thế kỷ trước.
Trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Bắc Tây Nguyên, nhà rông là công trình có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Đồng bào khai thác những vật liệu có sẵn trong rừng như gỗ, tranh, tre, nứa, lá, song mây... để tạo nên một ngôi nhà có dáng vóc uy nghi, hoành tráng, mái nhà có hình lưỡi búa vút cao như tạc vào trời xanh. Mái nhà rông chẳng những có hình dáng đẹp mà còn là nơi để nghệ nhân gửi vào đó những nét tài hoa của nghệ thuật trang trí hoa văn, chạm trổ, tạo hình, nhất là trên đỉnh nóc. Với vẻ đẹp về tạo hình, nhà rông là một viên ngọc gây nhiều cảm xúc, hứng thú cho nhiều người, nhất là những ai lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, được chứng kiến sinh hoạt lễ hội trước sân nhà rông. Các nhà nhiếp ảnh, thám hiểm, cha đạo, công sứ người Pháp đã thu vào ống kính nét hoang dã, nguyên sơ của văn hóa Tây Nguyên như: trang phục, trang sức, công cụ, đồ dùng sinh hoạt và sản xuất, săn bắt, nhà ở... Đặc biệt, nhà rông là chủ đề khá nổi trội trong các bức ảnh tư liệu. Những bức ảnh đó chứa đựng nhiều thông tin bổ ích để nhìn nhận, hiểu biết về văn hóa Tây Nguyên.
Các công trình tôn giáo đầu tiên ở Tây Nguyên không phải là nhà thờ, giáo đường bề thế mà chỉ là ngôi nhà của dân làng. Khi chưa kịp xây cất, các nhà thờ Công giáo ở Giáo phận Kon Tum chính là những ngôi nhà rông cổ xưa. Nhà rông được sử dụng làm “nhà nguyện”, tụ họp giáo dân, tiến hành các nghi lễ tôn giáo trang nghiêm. Điều dễ nhận biết là trên mái nhà rông, trên cửa ra vào thường bố trí cây thánh giá. Một số nơi, bên cạnh nhà rông làm “lễ đường”, bà con giáo dân còn dựng thêm một nhà sàn rộng, khang trang có thể chứa được nhiều người để dân làng đến cầu nguyện, học giáo lý, sinh hoạt tôn giáo. Sau này, khi giáo xứ phát triển, giáo đường, nhà thờ được xây dựng rộng lớn, các kiến trúc sư có kế thừa đường nét kiến trúc của nhà rông, nhà sàn Tây Nguyên.
Nhà rông có mái trang trí hoa văn hình học bắt mắt. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Nhà rông có mái trang trí hoa văn hình học bắt mắt. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Những bức ảnh của Jean-Marie Duchange về xứ Thượng được chụp từ năm 1952 đến năm 1955 lưu giữ, tái hiện bức tranh văn hóa tộc người khá đậm nét. Trong 4 năm làm nhân viên y tế ở Tây Nguyên, Jean-Marie Duchange lại đam mê nhiếp ảnh bởi tình yêu văn hóa của các dân tộc bản địa nơi đây. Các kiểu kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỉ mỉ. Trong ảnh của ông có những bức tư liệu quý về kiến trúc nhà ở như nhà trên cây, nhà rông cổ điển, nguyên bản. Tiêu biểu là ngôi nhà rông duyên dáng, cửa ra vào hình ô van dựng theo chiều đứng, mái đầu hồi lợp tranh, toàn bộ mái trước trang trí hoa văn hình học với các cụm hình vuông liên hoàn và đối xứng với nhau, có cảm giác như mái nhà thêm rộng rãi. Trên đỉnh mái nhà là mảng trang trí tinh tế gồm những hình thoi liên tiếp nối nhau mang biểu tượng của núi đồi chập chùng, mênh mang. Ngôi nhà rông khác trong bộ ảnh của Jean-Marie Duchange cũng có cửa ô van cỡ nhỏ, người lớn phải khom lưng để vào trong nhà. Trên mái là bức tranh hội họa bằng hình học sôi động với mô típ quen thuộc như hình sóng nước, hình thoi, hình tam giác, hình vuông, những hình tam giác ghép lại để tạo hình chong chóng. Qua một số bức ảnh cho thấy nhà rông xưa mái lợp tranh, tấm đan bằng tre nứa được buộc, cắt tỉa, trau chuốt rất công phu.
Bộ ảnh nhân học về người Bahnar-Rơngao, một nhóm địa phương thuộc dân tộc Bahnar cư trú ở phía Bắc Tây Nguyên, có giá trị đặc sắc gần đây được nhiều người biết đến, lại được thực hiện bởi một cha lễ tên là Daniel Léger (1915-1980). Đó là những ghi chép bằng ảnh hết sức chân thực và sinh động trong quá trình Daniel Léger làm việc tại Giáo phận Kon Tum những năm 60 của thế kỷ trước. Là một cha cố lo chuyện đạo nhưng ông lại rất quan tâm đến văn hóa của các tộc người ở vùng Kon Tum. Bằng máy ảnh, ông ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường, sinh hoạt tôn giáo tại nơi mình được bổ nhiệm. Qua ảnh, ta được nhìn lại những ngôi làng ngày xưa còn giữ đúng hồn cốt của “buôn làng cổ truyền xứ Thượng” với mái nhà rông cao vút, những ngôi nhà sàn mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, xung quanh làng có hàng rào kiên cố, không xa là rừng xanh núi thẳm, thể hiện rõ nét tập quán cư trú của đồng bào Bahnar. 
Nhà rông xưa được lưu lại trong ảnh tư liệu chụp qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Những bức ảnh đó là “hiện vật” quý hiếm của văn hóa Tây Nguyên. Ngày nay không còn thấy bóng dáng nhà rông “nguyên bản” ở buôn làng như xưa nữa. Nhà rông mang chức năng mới của một thiết chế buôn làng và đứng trước thách thức về vật liệu nên không giữ được hồn cốt ban đầu. Với giá trị to lớn về văn hóa, xã hội nên nhà rông được coi là thiết chế văn hóa quan trọng nhất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vùng thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang vận động bà con giữ gìn, xây dựng, phục hồi nhà rông để có nơi tổ chức sinh hoạt, hội họp, tổ chức các lễ hội truyền thống. Ngay cả các trung tâm huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng xây dựng nhà rông để làm điểm sinh hoạt văn hóa. Đó cũng là địa điểm lý tưởng để tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo đồng bào từ các buôn làng về tham dự.
Do sự phát triển của xã hội hiện đại, nhà rông ngày nay đã mất đi nét dáng vốn có của nó. Kiến trúc và trang trí nhà rông ngày càng đơn giản hóa. Hình ảnh nhà rông xưa trong ảnh tư liệu do đó là viên ngọc quý hiếm. 
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.