Nhà nghèo nuôi cháu mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nào cũng vậy, bà Ngô Thị Hạnh (SN 1950) đều rảo bước trên các con phố nhặt phế liệu để phụ giúp con trai làm nghề phụ hồ lo cho cuộc sống và nuôi 2 cháu ngoại mồ côi. Dù cuộc sống khó khăn nhưng bà Hạnh vẫn quyết tâm lo cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn. 
  Bà Hạnh bên cháu ngoại mồ côi 3 tuổi. Ảnh: Đ.Y
Bà Hạnh bên cháu ngoại mồ côi 3 tuổi. Ảnh: Đ.Y
Căn nhà nhỏ xập xệ ở số 48 Phùng Khắc Khoan (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là nơi sinh sống của gia đình bà Hạnh. Nói về cuộc đời mình, bà Hạnh rơm rớm nước mắt bảo, không biết tại sao số phận hẩm hiu lại đeo bám mình gần như suốt cuộc đời. 12 tuổi, bà Hạnh đã phải đi gánh nước thuê ở chợ để phụ giúp gia đình. Năm 1969, bà lấy chồng. Chồng bà làm nghề chở hàng bằng xe ba gác ở chợ. Từ ngày lấy chồng, bà Hạnh chuyển sang làm nghề nhặt phế liệu và buôn bán ve chai. Rồi lần lượt 7 đứa con chào đời, cuộc sống của gia đình càng trở nên cơ cực. Để lo đủ gạo ăn cho đàn con, mỗi ngày, bà Hạnh phải thức dậy từ 3 giờ sáng đi bộ 30 cây số để nhặt và thu mua phế liệu. Cuộc sống quá khó khăn khiến 4 đứa con đau ốm rồi lần lượt qua đời. Cách đây 2 năm, chồng bà bị ung thư gan cũng bỏ bà mà đi. Hiện trong số 3 người con thì cô con gái lấy chồng xa, cuộc sống khó khăn không giúp gì được cho mẹ; 2 con trai làm thợ hồ, thu nhập không ổn định.
Kể về hoàn cảnh của 2 cháu ngoại, bà Hạnh tâm sự: “Năm 1999, con gái tôi lấy chồng. Năm 2000, cháu Trần Hữu Tiên ra đời. Thấy hoàn cảnh con khổ quá, tôi cho chúng 3 mét ngang đất ở cạnh nhà để dựng tạm căn nhà. Năm 2015, hai vợ chồng sinh thêm đứa thứ 2, đặt tên là Trần Hữu Tiến. Cháu chào đời được 3 ngày thì con gái tôi bị băng huyết, vì không được điều trị kịp thời nên đã qua đời. Bố bọn trẻ thì sau khi vợ chết một thời gian cũng bỏ mặc, đi đâu không thấy liên lạc về. Kể từ đó, một mình tôi nuôi cháu mồ côi trong khốn khó. Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng khi nghĩ đến 2 đứa cháu ngoại, tôi lại phải gượng dậy, vượt qua mọi thứ để kiếm miếng cơm, manh áo cho chúng đi học cùng bạn bè trang lứa”.
Bà Hạnh kể thêm: Gia đình bà may mắn được bà con lối xóm, cán bộ tổ dân phố, UBND phường Yên Đổ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ. Khi con gái bà qua đời, mọi người vận động hỗ trợ cho các cháu của bà được 80 triệu đồng. Số tiền đó đang được Tổ trưởng tổ dân phố gửi tiết kiệm, hàng tháng lấy tiền lãi chăm lo cho các cháu. Nhưng điều bà Hạnh lo lắng nhất lúc này là sức khỏe của bà ngày càng yếu, khó lo cho cháu học hành tới nơi tới chốn.
Mọi sự giúp đỡ bà Hạnh xin liên hệ với Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.