Nguyễn Xuân Thủy và hành trình xoa dịu nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn dai dẳng, trong đó có nỗi đau da cam. Với nỗi đau ấy, không có sự xoa dịu nào ấm áp bằng tình cảm giữa những người đồng đội dành cho nhau. Chính vì thế, những năm qua, thương binh Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài trong hành trình giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
“Với những người từng đi qua khói lửa chiến tranh như tôi, được sống sót đã là vô cùng may mắn. Bởi vậy, tôi dành phần đời còn lại để chia sẻ với những số phận đang mang trong mình di chứng chất độc da cam. Việc này không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý”-ông Thủy mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Từ nỗi đau riêng
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Thủy, bởi ông luôn bận rộn với công việc của Hội. Có theo dõi cách làm việc của ông mới thấy hết nguồn năng lượng dồi dào từ người đàn ông cao lớn, rắn rỏi này. Cầm trên tay tập hồ sơ xác minh đề nghị hưởng chế độ trợ cấp dành cho nạn nhân chất độc da cam, ông bảo: “Tôi phải tranh thủ làm để những trường hợp mới này sớm được hưởng chế độ, để gia đình họ bớt khổ”.
Rắn rỏi là thế, nhưng khi chúng tôi bày tỏ mong muốn được biết cơ duyên nào khiến ông tự nguyện gắn bó hết mình với công việc đầy khó khăn này, ông Thủy im lặng nhìn về phía xa xăm rồi rưng rưng nói: “Có ở trong nỗi đau da cam mới hiểu…”.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cùng 2 con bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Xuân Thủy cùng 2 con bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ảnh: Trần Dung
Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: “Tôi rất xúc động trước những gì ông Nguyễn Xuân Thủy đã làm cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ở ông Thủy, chúng tôi cảm nhận được sự lan tỏa, kết nối và sẻ chia từ hành động đến trái tim chứ không đơn thuần là một người thực hiện công việc theo nghĩa vụ và trách nhiệm”.

Quả thực, nỗi đau ấy hiện hữu trong chính ngôi nhà của ông. Vừa bước vào nhà, cậu con trai út năm nay đã gần 30 tuổi hồ hởi ra đón bố với vẻ mặt và hành động như của một đứa trẻ lên 5. Âu yếm đưa tay sửa lại cổ áo cho con, ông Thủy tâm sự: “Thằng con này bao nhiêu tuổi là ngần ấy thời gian vợ chồng tôi phải rơi nước mắt. Chúng tôi ở nhà thì ít, ở bệnh viện thì nhiều”.

Ông kể, năm 1972, khi vừa tròn 17 tuổi, ông hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc vào chiến trường Nam Trung Bộ. Trải qua biết bao mưa bom bão đạn, ông vẫn là người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Nhưng điều ông không thể ngờ rằng, bước ra khỏi chiến tranh, ngoài việc mất sức lao động 61% thì ông còn bị nhiễm chất độc da cam do kẻ thù rải xuống chiến trường. Ông Thủy nhìn sang các con rồi nghẹn ngào: “Mãi đến sau này, khi thấy 3 đứa con sinh ra đều không được khỏe mạnh, lành lặn như con người ta, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và đau đớn khi biết rõ nguyên do”.

Và có lẽ người đau khổ nhất khi ấy chính là vợ ông-bà Trần Thị Thanh. Bà chia sẻ, không chỉ ông Thủy phải mang trên mình những vết thương của chiến tranh mà cô con gái đầu cũng bị ảnh hưởng về thị lực, 2 người con sau bị di chứng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vợ chồng bà đã không đầu hàng số phận mà động viên nhau vượt qua nỗi đau ấy để bù đắp cho các con và cả những gia đình có hoàn cảnh như mình.  

Vừa là một người lính, vừa là người cha của những đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam, ông Thủy càng thấu hiểu cho đồng đội và những gia đình rơi vào tình cảnh tương tự. Ông nắm bàn tay đưa lên ngực mình, nhắc nhớ: “Từ chính nỗi đau của mình, tôi nhận ra rằng phải biến nó thành hành động xoa dịu nỗi đau của biết bao số phận ngoài kia. Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội nên day dứt và trăn trở làm sao để sẻ chia, giúp đỡ được những hoàn cảnh nhiễm chất độc da cam”. 

Sau 14 năm làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, năm 2002, khi vừa nghỉ hưu, ông Thủy được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê. Đến năm 2006, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê. Từ đây, ông bắt đầu hành trình “xoa dịu nỗi đau da cam”.
Thời điểm ông Thủy bắt tay nhận nhiệm vụ là lúc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê vừa mới được thành lập, mọi thứ đều bắt đầu từ con số không. Ông phải ngày đêm tự mình đi vận động nhân lực, khảo sát, tìm hiểu các trường hợp nhiễm chất độc da cam và lên kế hoạch hoạt động lâu dài cho Hội.
Ông cho rằng: Mỗi nạn nhân chất độc da cam là một nỗi đau khác nhau, chưa kể nỗi đau của hàng ngàn người thân, những người đang từng ngày vật lộn với vô vàn khó khăn đeo bám trong cuộc sống. “Bởi vậy, tôi phải ngày đêm nghĩ cách để giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Mọi thử thách, vất vả tôi không nề hà”-ông Thủy nói.
Đến hành trình không mỏi giúp nạn nhân da cam
Với tâm niệm đó, suốt 14 năm đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, ông Thủy đã “tới từng ngõ, gõ từng nhà” những trường hợp bị nhiễm chất độc da cam. Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Phan Thị Lý (làng U, xã Kông Htok), ông bảo: “Đây là trường hợp mà tôi đã phát hiện cách đây gần 10 năm. Vào chiều 28 tháng Chạp năm đó, tôi tới nhà và thấy chị Lý cùng 2 đứa con tật nguyền co ro trong căn nhà lá xiêu vẹo. Cuộc sống của họ như bước vào đường cùng khi chị Lý bị căn bệnh suy thận mãn tính”.
Ông Nguyễn Xuân Thủy tời thăm hỏi gia đình chị Phan Thị Lý (làng U, xã Kông Htok, huyện Chư Sê). Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Xuân Thủy tới thăm hỏi gia đình chị Phan Thị Lý (làng U, xã Kông Htok, huyện Chư Sê). Ảnh: Trần Dung
Hồi nhớ lại, chị Lý chia sẻ: “Tôi bị di chứng chất độc da cam từ bố mình. Tôi thường xuyên đau ốm, da dẻ bủng beo. Sau khi lấy chồng, tôi sinh 3 đứa con (1 đứa hiện đã mất). Thấy con không được bình thường như chúng bạn và bị bệnh nên vợ chồng tôi ra sức chạy chữa. Gia đình càng kiệt quệ khi tôi phải chạy thận. May sao, trong cơn bĩ cực, chúng tôi được bác Thủy tìm tới giúp đỡ”.
Từ đó, ông Thủy kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình chị Lý vượt qua khó khăn. Ngoài việc thăm hỏi, năm 2016, ông đã kêu gọi được 88 triệu đồng cùng 2 con bò giống tặng vợ chồng chị Lý để phát triển kinh tế, chữa bệnh và nuôi 2 con tật nguyền. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện còn nhận nuôi 1 đứa con chị Lý với số tiền 400 ngàn đồng/tháng.
Nắm chặt bàn tay co quắp của cô con gái út chị Lý, ông Thủy xót xa thở dài: “Đời mình dù sao cũng đến tuổi xế chiều rồi, nhưng đời chúng nó còn dài, biết bao giờ mới hết khổ. Bù đắp bao nhiêu cho vơi được nỗi bất hạnh này!”.
Những lần đến thăm hỏi các nạn nhân chất độc da cam, lòng ông Thủy đều day dứt như thế. Để họ có thêm động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, ông thấy cần phải giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông ngày đêm tìm cách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam theo từng hoàn cảnh khác nhau. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của ông Thủy.
Ông Lê Văn Kỳ (làng Tnung, xã Hbông) xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, có 2 con bị bệnh bại não do di chứng chất độc da cam. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, đặc biệt là ông Thủy trao tặng 2 con bò để làm ăn, hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, mua được 5 sào rẫy nên không phải đi làm thuê làm mướn nữa. Hội cũng giúp đỡ để gia đình xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi thấy tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều”.
Đó là 2 trong hàng trăm trường hợp được ông Thủy quan tâm giúp đỡ. Hiện nay, huyện Chư Sê có khoảng 1.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; 485 gia đình với trên 600 người là nạn nhân; có 192 nạn nhân là con đẻ và cháu nội, ngoại bị di chứng bẩm sinh khuyết tật nặng.
Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Thủy đã dốc hết sức mình cho công tác chăm lo các nạn nhân da cam. Trong 14 năm qua, ông cùng các thành viên của Hội đã vận động ủng hộ quỹ hơn 7 tỷ đồng. Ngoài việc tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, Hội còn hỗ trợ bò sinh sản cho 60 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Trong số này, có 10 gia đình đã thoát nghèo bền vững, thu nhập hàng năm từ sản xuất chăn nuôi đạt 70-80 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn nhận nuôi 60 trẻ nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 400 ngàn đồng/tháng/cháu; hỗ trợ xây dựng gần 20 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở…
Mặc dù mang trong mình những nỗi đau do chiến tranh để lại nhưng ông Thủy vẫn luôn vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống lẫn công việc. Với những nỗ lực không mỏi mệt, ông Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra, ông còn nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng bằng khen. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với ông là được các gia đình nạn nhân chất độc da cam coi như người nhà, được nhìn thấy họ vui vẻ, lạc quan vươn lên trong cuộc sống.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.