Nguyễn Ngọc Hòa: Người kể chuyện bằng ảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Kể chuyện bằng hình ảnh là cách mà tôi chọn để đối thoại với người xem. Làm sao để tạo nên những khung hình độc đáo, đầy sáng tạo nhưng vẫn gắn bó chặt chẽ với hiện thực cuộc sống, đó luôn là tiêu chí hàng đầu trong mỗi tác phẩm của tôi”- nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa (Hòa Carol) quan niệm.
Dù lịch làm việc khá bận rộn, nhưng khi nghe tôi chia sẻ ý định tìm hiểu về những tác phẩm nghệ thuật của anh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa đã sẵn lòng ngồi lại cùng tôi và say sưa nói về hành trình tạo ra những bức ảnh đẹp và ý nghĩa.
Nhiếp ảnh gia “tay ngang”
“Tôi hoàn toàn là “tay ngang” khi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh, bởi trước đó tôi theo học ngành Quản trị-Kinh doanh chứ không qua một trường lớp nào về chụp ảnh. Hiện tại, tôi mới tham gia vào nghệ thuật nhiếp ảnh khoảng 5 năm”-anh Hòa mở đầu câu chuyện bằng một thông tin gây bất ngờ.
Sinh năm 1981, Nguyễn Ngọc Hòa hiện đang kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực tại TP. Pleiku. Anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cũng rất tình cờ. Năm 2013, trong một lần chuyển nhà, người anh họ có để lại cho anh một chiếc máy ảnh nhỏ. Vậy là từ đó, anh bắt đầu mày mò cách chụp, cách chỉnh máy và nghiên cứu góc chụp. Anh Hòa nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi học chụp ảnh rất nhanh. Chắc do tôi có “gen” di truyền từ bố. Lúc ấy tôi cũng chỉ nghĩ chụp ảnh để giải trí thôi, nhưng không ngờ nhiếp ảnh đã ăn sâu vào tâm trí, trở thành niềm vui, niềm đam mê bất tận. Từ đó, nhiếp ảnh đã trở thành một phần cuộc sống của tôi”. Anh bắt đầu tham gia vào các nhóm ảnh, tự mày mò tìm tài liệu, sách báo và học hỏi các nhiếp ảnh gia đi trước…
 Tác phẩm “ Cha và con” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa.
Tác phẩm “ Cha và con” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa.
Nguyễn Ngọc Hòa kể, những ngày mới tập tành chụp ảnh, sau khi sắp xếp xong việc kinh doanh, anh lại rong ruổi xách máy móc về các buôn, làng, những nơi có phong cảnh đẹp để chụp. Theo anh, nghề nhiếp ảnh không dành cho người lười biếng. Phải siêng năng học hỏi, quan sát và đặc biệt là nắm bắt được những khoảnh khắc ý nghĩa. Có những hôm anh phải ở lại làng từ 2 đến 3 ngày chỉ để “bắt” được một khoảnh khắc đẹp cho bức ảnh của mình. Với sự chăm chỉ và góc nhìn rất riêng, năm 2015, anh đã giành được giải thưởng đầu tiên sau 2 năm cầm máy. Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm gửi về tham dự Cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tác phẩm “Úp cá” của anh xuất sắc đạt huy chương bạc. Anh chia sẻ: “Bức ảnh chụp tại xã Hà Tây, huyện Chư Pah. Khi chiều xuống, những đứa trẻ Jrai ngâm mình dưới sông bắt cá. Ký ức tuổi thơ trong tôi ùa về và tôi đã chụp lại những khoảnh khắc sinh động nhất của bọn trẻ. Tôi nhận thấy, cuộc thi này là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những góc nhìn nhiếp ảnh nghệ thuật và cũng là dịp để quảng bá hình ảnh của quê hương, con người ở địa phương mình”. 
Trăn trở lớn nhất của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa là làm thế nào để thực hiện được những bức ảnh phản ánh thực tế một cách chân thật nhất, bởi bản chất của nhiếp ảnh là ghi lại cuộc sống dưới những góc nhìn khác nhau, mang đậm tính nghệ thuật nhưng không tách rời hiện thực. Để làm được điều đó, anh đã phải rong ruổi khắp mọi ngóc ngách trong các thôn, làng, cùng ăn, ở, cùng sinh hoạt với người dân để hiểu và chuyển tải cảm xúc vào bức ảnh một cách trọn vẹn nhất. Với anh, một bức ảnh đẹp hội tụ rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là cảm xúc. “Khi đưa được cảm xúc của nhân vật vào ảnh là mình gần như đã thành công”-anh đúc kết.
Với niềm đam mê ấy, đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Ngọc Hòa đã đạt được 50 giải thưởng về nhiếp ảnh với nhiều chủ đề như: phong cảnh, đời sống, gia đình…, trong đó có khoảng 25 giải vàng, 10 giải bạc. Hiện anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp quê hương
Có lẽ chính vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên Gia Lai đã nuôi dưỡng một tâm hồn nghệ thuật như Nguyễn Ngọc Hòa. Dù không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng chính niềm đam mê cùng với một chút năng khiếu nghệ thuật trong mình, Nguyễn Ngọc Hòa đã hòa mình vào vẻ đẹp của vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên để tạo nên những bức ảnh đầy mê hoặc.
 Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa (bìa phải) trong một lần tác nghiệp (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa (bìa phải) trong một lần tác nghiệp (ảnh do nhân vật cung cấp).

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa: “Sự thật của cuộc sống và nghệ thuật nhiếp ảnh không thể tách rời nhau, bởi nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ là nhiếp ảnh, mà còn là sự kết hợp giữa tâm lý học và nhân học. Tôi vẫn sẽ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này để lưu giữ vẻ đẹp của quê hương mình”.


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa bày tỏ: “Mỗi bộ ảnh giống như một cuốn phim nhỏ kể về cuộc sống thông qua ngôn ngữ hình ảnh đầy sức lôi cuốn. Bởi vậy, nhiếp ảnh gia sẽ lấy nguyên liệu từ thực tế và dựng lại chúng qua lăng kính nghệ thuật của riêng mình. Nhìn vào ảnh, người xem sẽ tự tưởng tượng ra câu chuyện và cảm nhận cái đẹp theo gu thẩm mỹ riêng”. Điều này được Nguyễn Ngọc Hòa minh chứng rõ nét trong các bộ ảnh của anh về phong cảnh và con người Gia Lai. Từ buổi sáng ở núi rừng Gia Lai đẹp nhẹ nhàng trong làn sương sớm đến những ngày sang thu hoa muồng vàng nở rộ, tô điểm một vùng rộng lớn trong sắc vàng rực rỡ hay mùa vàng trên cánh đồng Ngô Sơn… Tất cả hiện được anh kể lại sinh động và ấn tượng qua những bức ảnh. Để ghi lại đủ đầy những vẻ đẹp ấy, Nguyễn Ngọc Hòa đã trải qua một quá trình lao động nghệ thuật hết mình. Có nhiều hôm, chỉ mới 4 giờ sáng, anh đã có mặt tại cánh đồng Ngô Sơn (thuộc xã Chư Jôr, huyện Chư Pah) để nắm bắt thời khắc bình minh đang lên. Có những hôm anh quyết định ngủ lại dưới chân nhà rông để theo dõi và chụp lại hình ảnh sinh hoạt thường nhật của người dân…
Hành trình chinh phục vẻ đẹp của núi rừng Gia Lai luôn tạo ra sức hút khó cưỡng đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa. Một trong những hành trình đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của anh là hành trình chinh phục thác Hang Én (thác 50) nằm giữa Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Thác Hang Én là điểm đến không dễ chinh phục vì đường đi hiểm trở. Cũng chính nét đẹp hoang dã đã mời gọi rất nhiều bước chân khám phá của những người yêu thích thiên nhiên. “Hành trình này đúng nghĩa là “trèo đèo lội suối” bởi giữa rừng chỉ có những con đường mòn len lỏi trong cây lá rậm rạp, buộc phải lội qua nhiều suối, leo qua nhiều dốc cao hiểm trở. Chúng tôi vác ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề leo vào tận nơi. Một hành trình mệt mỏi, phải ăn bốc, ngủ lều giữa rừng để chờ dịp bấm máy. May mắn sao, ngày hôm sau, chúng tôi đã “săn” đủ những góc ảnh đẹp của con thác này”-anh phấn chấn kể. Và rồi từ những bức ảnh ấy, du khách thập phương biết đến thiên nhiên Gia Lai với những hình ảnh đẹp nhất, lung linh nhất, kỳ vĩ nhất.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa say mê với vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây nguyên (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa say mê với vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ngoài chủ đề phong cảnh, con người thì Nguyễn Ngọc Hòa còn là một tay máy giàu cảm xúc ở chủ đề gia đình. Vốn là người giàu tình cảm, mỗi góc nhìn của anh đều mang những cảm xúc rất nhân văn. Với chủ đề này, Nguyễn Ngọc Hòa cũng không ít lần đạt được những giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Lấy cảm hứng từ cô con gái 15 ngày tuổi, anh đã cho ra đời tác phẩm “Vòng tay cha”. Tác phẩm đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng và tham dự nhiều triển lãm. Mới đây, tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế Việt Nam 2019, tác phẩm “Cha và con” của anh đã vinh dự đạt huy chương vàng ở chủ đề “Con người và cuộc sống”. Ngoài ra, anh còn có 5 ảnh với 5 chủ đề khác nhau được chọn triển lãm. Đây là một cuộc thi lớn mà anh rất tâm đắc. Ban tổ chức đã nhận được trên 16.000 tác phẩm của hơn 1.000 tác giả thuộc 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia, với 6 chủ đề: Tự do cho ảnh màu, Tự do cho ảnh đơn sắc, Động vật hoang dã, Con người và cuộc sống, Du lịch, Chuyển động. “Đây là một sân chơi có tiếng vang lớn. Bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam, nhiều tay máy chuyên nghiệp của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Anh… cũng tích cực tham gia. Tôi đã rất xúc động và hạnh phúc vì “đứa con tinh thần” của mình được vinh danh”-nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa tâm sự.
Tác phẩm “Úp cá” của anh xuất sắc đạt Huy chương bạc ở cuộc thi ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2015 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tác phẩm “Úp cá” của anh xuất sắc đạt Huy chương bạc ở cuộc thi ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2015 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Niềm vui khi được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người dân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Niềm vui khi được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người dân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.