Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản: Khó khăn trong quản lý, giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 76 điểm khai thác mỏ khoáng sản nhưng chỉ có 32 mỏ lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Tuy nhiên vấn đề giám sát, quản lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định về kết nối, đội ngũ cán bộ quản lý ít, nhiều điểm mỏ nằm ở nơi không có điện lưới...

Xe chở cát "né" trạm cân

Những năm qua, để quản lý và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác hàng chục điểm mỏ trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, vẫn còn nhiều mỏ khoáng sản tìm cách lách luật để trục lợi.

Đi dọc đường tránh TP.Kon Tum, không khó để bắt gặp những mỏ khai thác cát ven bờ sông Đăk Bla. Đa phần các mỏ này đều được lắp đặt trạm cân điện tử, camera nhưng việc chấp hành cân phương tiện chở khoáng sản trước khi ra khỏi bãi không được chủ mỏ, tài xế thực hiện.

Mỏ cát của Công ty B.S ven bờ sông Đăk Bla. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Mỏ cát của Công ty B.S ven bờ sông Đăk Bla. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại mỏ khai thác cát của Công ty B.S ở khu vực giáp ranh giữa xã Đăk Rơ Wa và xã Đăk Bla (TP.Kon Tum) luôn có một xe tải thùng rỗng nằm chắn trên đường vào trạm cân điện tử nên xe ben khác chở cát đi ra đều "né" trạm cân. Đây là một trong những mỏ cát lớn nhất nhì tại TP.Kon Tum, sản lượng khai thác trên 28.000 m3 cát/năm, nên số lượng cát được vận chuyển không qua trạm cân là rất lớn.

Tại một mỏ cát bên bờ sông Đăk Snghé, đoạn giáp ranh giữa xã Đăk Tơ Lung và xã Đăk Ruồng (H.Kon Rẫy) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Mỏ cát này nằm bên bờ sông và được quây kín bên ngoài bằng tôn. Mỗi ngày có hàng chục xe ben ra vào mỏ để chở khoáng sản. Dù mỏ được lắp đặt trạm cân điện tử nhưng số xe chở cát di chuyển lên trạm cân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lắp camera chỉ để đối phó

Trong năm 2022, nhiều báo phản ánh việc Công ty TNHH 87 tự ý mở tuyến đường dài gần 1.000 m giữa lòng sông Đăk Pxi (xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà, Kon Tum) để phục vụ việc khai thác cát. Sau khi báo chí phản ánh, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã tiến hành thanh tra Công ty TNHH 87 trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường khai thác khoáng sản tại điểm mỏ thuộc thôn 7 (xã Đăk Pxi).

Công ty này có diện tích khu vực khai thác 3,25 ha, thời gian hoạt động hơn 11 năm. Thời gian vận hành khai thác, kinh doanh từ tháng 1.2020 đến tháng 5.2030 và thời gian cải tạo phục hồi môi trường đến tháng 11.2030.

Qua thanh tra, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum xác định Công ty TNHH 87 thực hiện lập một số mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản thực tế theo quy định. Tuy nhiên, công ty không lập đầy đủ các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản thực tế. Công ty này có lắp đặt camera giám sát nhưng chưa gắn thiết bị đo đếm sản lượng khoáng sản nên chưa kiểm soát được toàn bộ khoáng sản khai thác thực tế. Đáng lưu ý, mặc dù đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, camera đang hoạt động, song không được sử dụng vào mục đích thống kê. Do đó, việc báo cáo sản lượng khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ theo quy định.

Xe chở cát tại mỏ khai thác của Công ty B.S "né" trạm cân điện tử. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Xe chở cát tại mỏ khai thác của Công ty B.S "né" trạm cân điện tử. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Khó khăn trong việc quản lý

Thống kê của Sở TN-MT tỉnh Kon Tum cho biết hiện tỉnh có 76 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực, gồm: 49 mỏ khai thác cát, 20 mỏ khai thác đá, 1 mỏ khai thác đá Quartzite, 1 mỏ khai thác đất san lấp, 4 mỏ khai thác đất sét gạch ngói và 1 mỏ khai thác sunfua đa kim. Trong đó, chỉ có 32 mỏ đã được lắp đặt trạm cân và camera giám sát.

Theo ông Võ Thanh Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kon Tum, theo quy định, mỏ khoáng sản phải lắp trạm cân, camera giám sát. Hiện nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ đã thực hiện nhưng chưa có hướng dẫn việc kết nối với cơ quan quản lý. Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ TN-MT có hướng dẫn cụ thể về vấn đề kết nối và chi phí cho việc mua sắm thiết bị kết nối do đơn vị nào chi trả. Bộ TN-MT đã có văn bản trả lời là chưa có quy định việc kết nối với các cơ quan quản lý.

"Đội ngũ cán bộ quản lý ít nên không thể giám sát từ sáng đến chiều. Không thể cử 76 người ra đếm xe tại 76 điểm mỏ. Ngoài ra, nhiều điểm mỏ nằm ở khu vực không có điện lưới, không có mạng internet đã gây khó khăn cho việc kết nối. Một số điểm mỏ nằm sát bờ sông gây khó khăn cho việc xây lắp trạm cân, vì vào mùa mưa bão các trạm cân dễ bị hỏng hóc", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc các xe chở khoáng sản "né" trạm cân là có, nhưng khi cán bộ quản lý đến kiểm tra thì các điểm mỏ này đều chấp hành. Nếu các ngành, địa phương phát hiện doanh nghiệp gian dối trong việc "né" trạm cân, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng, thì sẽ xử lý nghiêm.

Ông Lê Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở một số địa phương trong tỉnh còn chưa hiệu quả; tình trạng một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản kê khai, báo cáo số liệu khai thác thực tế chưa chính xác... Trong khi đó, công tác phối hợp kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế, chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế dẫn đến nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các cơ quan, ban, ngành ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, sở, ban, ngành liên quan phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, đặc biệt các hành vi không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định; khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản...

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh... (còn tiếp)

Mỏ cát tại xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa (Phú Yên) đến ngày 30.6.2023 hết hạn khai thác nhưng phương tiện khai thác vẫn chưa đưa ra khỏi mỏ. Ảnh: MINH HUY

Mỏ cát tại xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa (Phú Yên) đến ngày 30.6.2023 hết hạn khai thác nhưng phương tiện khai thác vẫn chưa đưa ra khỏi mỏ. Ảnh: MINH HUY

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 35 giấy phép, bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực; 8 giấy phép và 2 bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, còn có 8 mỏ do Bộ TN-MT cấp phép còn hiệu lực.

Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, cho biết thời gian qua, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, nhưng chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. "Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản không vận hành trạm cân, camera giám sát; không báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; kê khai thuế, phí không đúng với sản lượng khai thác thực tế", ông Anh cho biết thêm.

Cũng theo ông Anh, tỉnh Phú Yên đã triển khai việc giám sát tại các mỏ thông qua hệ thống camera và trạm cân, nhưng chưa được kết nối với các cơ quan quản lý nên gặp khó khăn trong công tác giám sát. Vì thế, năm 2021, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận chủ trương và phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thuê dịch vụ lưu trữ, quản lý thông tin về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống camera giám sát kết nối với trạm cân và truyền tải dữ liệu trực tiếp về cơ quan quản lý.

Đức Huy

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.