Nguồn gốc và ý nghĩa tục xông đất đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong văn hóa của người Việt, xông nhà đầu năm là một trong những nghi thức quan trọng dịp Tết. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa, “xông đất” đầu năm là tục lệ không thể thiếu, trở thành một nét văn hóa đẹp, với mong ước một năm may mắn, thịnh vượng và phúc lộc thọ toàn.
Phụ kiện trang trí Tết Giáp Thìn 2024 với lời chúc "Vạn sự như ý" trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phụ kiện trang trí Tết Giáp Thìn 2024 với lời chúc "Vạn sự như ý" trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trước và trong Tết nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục, trong số đó có tục “xông đất”. Đây cũng là một trong những phong tục Tết còn lưu truyền đến ngày nay. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mỗi gia đình có một địa vực riêng của mình, người khác đến địa vực đó được gọi là xông đất. Xông là tiến lên, nhập vào, đất là địa vực của gia đình đó. Bởi vậy, ngày Tết là ngày mở đầu cho một năm mới thì những người đến đầu tiên với gia đình đó chính là "xông đất".

Theo tục lệ, “Xông đất” còn gọi là “xông nhà” hay “đạp đất”, diễn ra sau khoảnh khắc giao thừa, khi đất trời vạn vật đã bước sang một năm mới. Trong thời khắc ấy, tất thảy người Việt đều tràn đầy nguyện ước và khát vọng về một năm may mắn, thịnh vượng, phúc lộc thọ toàn. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới.

Người Việt Nam quan niệm nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mùng 1 Tết thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng. Theo đó, chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người xông nhà thường là có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, xởi lởi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới…

Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ mang tính tượng trưng, phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Đó có thể là một chai rượu Tết, một gói trà ngon, một chiếc bánh chưng hay thậm chí chỉ là một cành cây xanh nhỏ tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Người xông đất xong còn mừng tiền (mừng tuổi), chủ yếu là cho trẻ con gia chủ. Sau khi hoan hỉ với nhiều lời chúc tụng tốt đẹp, khách và gia chủ cùng nhâm nhi một chút đồ ăn, thức uống để “lấy may”. Và người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phúc, chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

Người xông nhà chúc Tết thường lưu lại nhà gia chủ trong khoảng 10 - 15 phút. Tùy nhà, tùy người mà có lời chúc riêng. Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc “Bách niên giai lão”, “tăng phúc tăng thọ”; nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát đạt”, gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn”, “học hành đỗ đạt”…

Về phía gia chủ, việc đón tiếp người xông đất cũng được chuẩn bị chu đáo. Thông thường, gia chủ sẽ chúc lại vị khách xông nhà, chuẩn bị đồ ăn nhẹ và thức uống để đón tiếp, đó là các loại bánh mứt ngon, ấm trà nóng. Lúc này, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức hương vị đầu năm mới trong không khí đầm ấm, tràn đầy hy vọng.

Ngày nay, phong tục "xông đất" được đơn giản hóa, khách đến xông nhà chỉ cần mang theo những phong bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho gia chủ, trẻ con trong nhà. Chủ nhà cũng tặng cho vị khách "xông đất" phong bao lì xì để chúc may mắn.

Còn có một cách xông đất khác, đó chính là người trong gia đình tự xông đất. Gia đình sẽ chọn một người khỏe mạnh, vui vẻ trong nhà, người đó sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc giao thừa và qua giao thừa trở về nhà, mang theo những cành lộc xuân đầu năm, tựa như mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình mình.

Tục xông đất đầu năm là mỹ tục của người Việt, ở một khía cạnh nào đó nó mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và hướng thiện. Người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phúc, còn chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn, an khang, thịnh vượng suốt năm.

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.