Người trẻ lên non - Kỳ 3: Làm du lịch từ câu chuyện văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng trái tim thổn thức và niềm đam mê mãnh liệt, chàng trai Mnông mang vẻ đẹp tiềm ẩn văn hóa phong tục truyền thống của người dân tộc bản địa đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Thổn thức

Một sáng mùa khô, không khí trong lành giữa màn mây, mặt trời dát vàng trên mỗi cung đường. Bảng hiệu với dòng chữ trắng Y Sôl House nổi bật trên thanh gỗ ẩn mình dưới những tán lá xanh ngắt. Bước qua cánh cổng gỗ đơn sơ, khung cảnh an lành ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những căn nhà sàn độc đáo theo kiến trúc truyền thống của người Mnông nằm yên bình bên hồ Lắk.

Nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Trên hiên nhà sàn, chàng trai Y Sôl Sruk cười tươi. Đôi mắt đen tròn ẩn dưới hàng mi cong vút, giọng nói trầm ấm vang lên. Dường như đôi mắt ấy, giọng nói ấy tựa như một lời chào mến khách của đồng bào Mnông bao đời nay.

Câu chuyện cuộc đời, cảnh đẹp của rừng núi, cuộc sống bà con người Mnông như cuốn chúng tôi lạc vào vẻ hoang sơ đến mộng mơ của chốn này. Nhiều người hỏi chàng trai Mnông rằng, nơi đây có gì để anh bám buôn làng, gìn giữ những hiện vật và phong tục tập quán của đồng bào mình. Anh trả lời, chỉ có đam mê mãnh liệt và một trái tim nóng luôn thôi thúc. Ước mơ một ngày nào đó thế hệ trẻ như anh vẫn được sống hoà vào những lễ hội buôn làng và được nghe những thanh âm đầy tâm sự của ông cha; tiếng cồng chiêng vang lên khi có dịp mừng nhà mới, lễ rước rể và nhà vợ, cúng sức khỏe cho voi…

Sau năm tháng lăn lộn với cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh, anh quyết định trở về quê nhà buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao, huyện Lắk với khát khao cùng bà con làm giàu trên mảnh đất quê hương. Bởi lẽ, sinh ra và lớn lên nơi vùng đất còn nhiều khó khăn, anh sớm thấu hiểu cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ và người dân nơi đây.

Những tháng năm làm nhân viên cho một công ty du lịch trên địa bàn, chàng trai Mnông nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nơi mình sinh ra. Người dân còn giữ được những phong tục tập quán, văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Mnông. Những đồi cỏ xanh bao la, nơi đàn bò tung tăng gặm cỏ, những dãy núi trải dài, cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ với những biển mây bồng bềnh. Anh muốn giới thiệu cho du khách trong nước cũng như quốc tế biết đến và được trải nghiệm, được hoà mình vào cuộc sống đầy sắc màu của người Mnông ở Lắk.

“Một trái tim không làm lay động được cả cộng đồng, hãy cùng tôi kể lại và chia sẻ vẻ đẹp tiềm ẩn của huyện Lắk, văn hóa phong tục vì chỉ có chính chúng ta - người bản địa mới kể được câu chuyện của chính chúng ta”, anh Y Sôl bộc bạch.

Năm 2020, bắt tay vào thực hiện mơ ước, Y Sôl Sruk cải tạo khu vườn gia đình thành không gian đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa.

Lan tỏa

Khắp không gian trong ngôi nhà được bày trí một cách tinh tế tạo điểm nhấn đặc trưng văn hoá Mnông là những ché rượu cần, bếp lửa, cồng chiêng. Phòng lưu trú phía sau giữ nguyên kiểu truyền thống của đồng bào Mnông nhưng được thiết kế bằng cách chia vách để tiện lợi cho du khách. Cô bạn tôi thốt lên, đến đây được đắm mình trong vẻ hoang sơ này, thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên, như được hòa mình trọn vẹn giữa thiên nhiên, đất trời.

Y Sôl Sruk là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác huyện Lắk năm 2023.

Y Sôl Sruk là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác huyện Lắk năm 2023.

Ngồi trên chiếc xe máy cày thăm thú buôn làng, nhiều du khách tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên bởi một phương tiện “xa lạ” nơi thành thị, đậm chất Tây Nguyên trên cung đường đất đỏ. Câu chuyện của anh hòa vào tiếng máy cày bành bạch. Khởi nghiệp ở thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại, không ít lần có ý định từ bỏ giấc mơ của chính mình. Nhưng trái tim thôi thúc, tinh thần khởi nghiệp không bỏ cuộc trước khó khăn là yếu tố tiên quyết thành công. Thời khắc này, anh tự học cách chế biến món ẩm thực của người Mnông, học chụp ảnh, học đánh cồng chiêng, theo cha đưa voi lên rừng và trải nghiệm cách làm gốm của nghệ nhân trong buôn.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhiều gia đình trong buôn thấy mô hình du lịch của Y Sôl khả thi, họ dần ủng hộ hướng đi của chàng trai. Đến nay Y Sôl đã phối hợp các hộ dân trên địa bàn xã tổ chức các tua du lịch đưa du khách đến các buôn làng trải nghiệm làng nghề truyền thống, khám phá thiên nhiên. Các tua trải nghiệm của Y Sôl được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Du lịch thân thiện với voi, chàng trai gọi là “chuyến đi trị liệu”. Hành trình “chuyến đi trị liệu” bắt đầu vào mỗi buổi chiều. Du khách có thể quan sát, chụp ảnh, ngắm nhìn và nghe những câu chuyện, tiểu sử của mỗi con voi. Tua du lịch thân thiện với voi của Y Sol đã có hơn 1.000 du khách tham gia. Mỗi tua từ 20 đến 25 người.

Bước ra khỏi tán rừng, ráng chiều đỏ rực một góc, hoàng hôn buông mình giữa dòng nước mênh mông, du khách được cảm nhận cuộc sống thường nhật của người Mnông bên hồ Lắk huyền thoại. Hồ Lắk vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất Tây Nguyên, với những cánh đồng lúa xanh ngắt xen lẫn giữa buôn làng của đồng bào Mnông sinh sống bao đời nay.

Sau một ngày trải nghiệm, bên bếp lửa đỏ, nơi ngôi nhà sàn, du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống đậm chất Tây Nguyên. Màn đêm buông xuống, bên bếp lửa ủ, khát vọng của chàng trai trẻ vẫn bừng lên. Để trẻ em không phải lầm lũi đi chăn trâu bò, hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương rẫy, chàng trai Y Sôl Sruk cùng một số thanh niên tình nguyện mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em. Anh mong muốn các em sau này giỏi tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp và có thể nói chuyện với khách du lịch nước ngoài khi đến huyện Lắk.

Không chỉ góp phần thay đổi diện mạo quê hương, mô hình du lịch cộng đồng của anh đã tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên và phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Hiện, anh đang liên kết với nhiều bà con trong buôn để xây dựng những đội văn nghệ truyền thống, nhóm nấu ăn, đón khách.

(Còn nữa)

Anh Phạm Ngọc Thắng - Bí thư Huyện Đoàn Lắk nhận xét, Y Sôl là một thanh niên địa phương trẻ, với tinh thần khởi nghiệp tiêu biểu, bạn ấy nhận thấy tiềm năng tại nơi sinh sống, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt Y Sôl rất chịu khó, mày mò học hỏi từ các nội dung như tiếng Anh, máy tính, kỹ năng quản trị, kế toán.... các kiến thức này Y Sôl từng chia sẻ tại chương trình Gặp mặt sinh viên Dân tộc thiểu số của huyện. Y Sôl được tuyên dương là gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác huyện Lắk năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.