Người trẻ lên non - Kỳ 2: Hương cà phê của thiếu nữ Êđê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không đặt nặng việc kinh doanh, nhiều lần bỏ qua những đơn hàng lớn, cô gái Êđê H Zu Ni Niê quyết giữ phương pháp rang xay thủ công của người Êđê. Người uống sẽ cảm nhận được nét đẹp văn hóa của cà phê truyền thống, tình cảm của bao bàn tay rang đảo, thậm thịch với cối giã.

Bí quyết độc đáo

Cô bạn từ thành Vinh vào du lịch Đắk Lắk, vừa đặt chân tới thành phố Ban Mê, chỉ kịp cất hành lý, cô thủ thỉ, về Tây Nguyên không chỉ muốn được hòa mình vào một không gian huyền thoại mà còn muốn được phiêu trong men say của đất trời qua hương vị đặc biệt của cà phê Êđê. Nói rồi cô dắt tôi vào trải nghiệm tại buôn Ako Dhông, buôn du lịch cộng đồng đầu tiên thành phố Buôn Ma Thuột.

Hít hà khí trời, cô nói, buôn Ako Dhông bây giờ thật “lộng lẫy” nhưng theo một cách rất riêng, pha lẫn sự hoang dã của đại ngàn. Đến đây đủ để ta quên đi những vội vàng, hối hả thường ngày. Giữa không gian mê hoặc ấy, câu chuyện của cô gái Êđê H Zu Ni Niê, Bí thư Chi đoàn Buôn Ako Dhông như đưa mọi người trở về nguồn cội văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê.

Chị H Zu Ni giới thiệu sản phẩm cà phê truyền thống

Chị H Zu Ni giới thiệu sản phẩm cà phê truyền thống

Lớn lên dưới nếp nhà sàn truyền thống của người Êđê, được ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh về không gian thiên nhiên từ khi còn hoang sơ đến khi bắt đầu xuất hiện những mô hình du lịch cộng đồng, H Zu Ni luôn yêu và mong muốn lan toả văn hoá của dân tộc mình tới nhiều người. Vào mỗi sáng tinh mơ, người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, thường nhóm bếp rất sớm trên nhà dài, việc đầu tiên mẹ làm không phải là nấu cơm, mà trên bếp củi rực lửa đó, mẹ đun một ấm nước, ấm nước này dùng để pha cà phê cho cả nhà. Cả gia đình sẽ khởi động một ngày mới bằng những ly cà phê mang hương thơm của vùng đất đỏ.

Sống tại một buôn làng xinh đẹp, du khách bạn bè thường xuyên ghé thăm. Mỗi lần có khách tới nhà, mẹ của H Zu Ni lại tất bật pha cà phê để tiếp đón bằng tất cả tấm chân tình mộc mạc mà đằm thắm. Những ly cà phê ấy được pha từ sự khéo léo, tinh tế cùng công thức độc đáo của người Êđê. Bên bếp lửa dưới mái nhà dài, những bí quyết rang cà phê được người Êđê gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cô gái Êđê H Zu Ni mày mò học cách rang và pha cà phê. Những món quà nhỏ đặc sản từ cà phê được dùng làm quà biếu cho bạn bè. Qua giới thiệu, cà phê rang thủ công của cô được biết đến nhiều hơn. Sau đó nhiều khách ngỏ ý muốn mua với số lượng nhiều.

“Tôi là một người sống rất tích cực, nên tôi hay gọi cà phê của tôi là cà phê tích cực. Tôi đặt tên cho sản phẩm cà phê của mình là H Zu Ni Niê. Bản thân sẽ không mải mê chạy theo kinh doanh, cố gắng tìm cách giữ được phương pháp rang xay thủ công mà cà phê tới tay khách hàng vẫn đầy đủ chất lượng. Hạt cà phê đã hấp thụ tinh hoa của trời đất nên bản thân chúng đã rất thơm ngon.

Với H Zu Ni chỉ có mục đích là chia sẻ những câu chuyện, những giá trị văn hóa, cũng như chia sẻ một thức uống ngon chứ không đặt nặng việc kinh doanh. Theo chị, vì cà phê được chính chị và bà chị rang bằng bếp củi và đảo bằng tay, nên việc cung cấp số lượng lớn cho khách hàng là một điều khó đạt được, đôi khi chị cũng đã bỏ qua những đơn hàng rất lớn.

Chị H Zu Ni (phải) tham gia các hoạt động văn hoá tại xã Ea Tul

Chị H Zu Ni (phải) tham gia các hoạt động văn hoá tại xã Ea Tul

Nhiều lúc nhận những đơn đặt hàng lớn, chị H Zu Ni muốn đầu tư thêm máy móc, nhưng nghĩ lại, ngoài nhận được một hay nhiều kilogam cà phê thì vấn đề quan trọng là làm sao khách hàng sẽ cảm nhận được nét đẹp văn hóa của cà phê truyền thống, tình cảm của mẹ, bà tần tảo rang đảo để cho ra những giọt cà phê thơm ngon.

Truyền lửa văn hoá

Dưới tán cây xanh ngắt nơi vạt rừng cuối buôn, câu chuyện về niềm đam mê của cô gái Êđê dần hé mở. Từ nhỏ, H Zu Ni muốn sau này trở thành một cô giáo, theo đuổi ước mơ, chị thi đậu vào ngành sư phạm Sinh học. Tốt nghiệp ra trường thay vì ở lại thành phố lớn như bao bạn bè để lập nghiệp, thì chị về quê hương. Chị H Zu Ni cho biết, là một trong những người thuộc thế hệ trẻ được đón nhận một nền giáo dục, cuộc sống tốt hơn so với các thế hệ trước. Chị nghĩ không lý do nào mà thế hệ trẻ bây giờ không thực hiện được lý tưởng của mình trong chính mảnh đất Tây Nguyên này.

Khi sống ở buôn Ako Dhông được xem là buôn làng của người Êđê đẹp nhất Đắk Lắk, với 32 ngôi nhà dài truyền thống, cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, các nghệ nhân, đội văn nghệ và các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần…) được người dân trong buôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ.

Chị H Zu Ni được Hội LHTN TP Buôn Ma Thuột tuyên dương gương thanh niên sống đẹp

Chị H Zu Ni được Hội LHTN TP Buôn Ma Thuột tuyên dương gương thanh niên sống đẹp

Những năm trở lại đây, chứng kiến nhiều đoàn du khách đến buôn đông, họ thích thú và hào hứng tìm hiểu văn hoá của người đồng bào dân tộc nơi đây, chị bắt đầu tìm hiểu sâu về du lịch chứ không đơn thuần là nhìn những người khách lần lượt đến rồi đi. Chị từng chứng kiến nhiều nơi du lịch bị “loãng”, không vận dụng tốt nền văn hoá của người bản địa .

“Vì được sinh ra ở đây nên tôi cảm nhận thấm thía được giá trị cốt lõi của vùng đất này. Tôi thấy mảnh đất này có nhiều khía cạnh để thế hệ trẻ có thể phát triển nhất là các bạn trẻ những người có thiên hướng phát triển về mảng du lịch và nông sản”, chị Zu Ni bộc bạch.

Năm 2023, chị H Zu Ni Niê - Bí thư Chi đoàn buôn Ako Dhong (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được Hội LHTN Việt Nam thành phố Buôn Ma Thuột tuyên dương gương thanh niên sống đẹp. Không chỉ truyền lửa tình yêu văn hoá truyền thống, chị còn là nữ Bí thư Chi đoàn năng nổ trong các hoạt động đoàn.

Đầu năm 2023, buôn Ako Dhông được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên. Khi là thành viên của Ban quản lý Du lịch cộng đồng buôn Ako Dhông, Zu Ni nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, khi có các đoàn khách du lịch ghé thăm, chị giới thiệu những nét đẹp độc đáo về không gian nhà sàn, văn hoá cồng chiêng, ẩm thực cũng như những ngành nghề thủ công của người Êđê... qua đó du khách hiểu hơn về nét văn hoá truyền thống của người dân tộc bản địa.

“Tôi cùng du khách trải nghiệm văn hoá tại các hộ dân làm du lịch để cập nhật thêm tình hình du lịch trong buôn. Nếu có vấn đề thì mình kịp thời xử lý, thông qua những chương trình hoạt động đó mình có thể nhận biết được điểm yếu, điểm mạnh của từng loại hình dịch vụ tại các hộ gia đình khác nhau. Từ đó có thể dựa vào đấy để đóng góp ý kiến, nhằm xây dựng một tập thể cộng đồng du lịch ngày càng phát triển hơn”, chị Zu Ni chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.