Người tiên phong thực hành tiết kiệm ở làng Greo Sék

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chị Rah Lan Khăng (42 tuổi) được dân làng Greo Sék (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) quý trọng bởi những năm qua, chị là tấm gương phụ nữ Jrai dám nghĩ, dám làm, thực hành tiết kiệm, đồng thời luôn đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội ở địa phương.

Năm 2002, chị Khăng lấy chồng và lần lượt sinh 2 người con. Không có đất sản xuất, vợ chồng chị hàng ngày đi làm thuê, làm mướn. Không cam chịu cảnh đói nghèo, chị Khăng bàn với chồng cùng nhau tiết kiệm để mua đất sản xuất. Lúc bấy giờ, người dân trong làng chủ yếu đi làm thuê và chưa biết cách tiết kiệm trong chi tiêu. Những hộ có đất sản xuất xưa nay nhờ bố mẹ để lại thì chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Chính vì vậy, với dân làng Greo Sék, việc chị Khăng tiết kiệm tiền để mua đất sản xuất là việc làm “hoang đường”.

Chị kể: “Nhiều người bảo sao không để tiền mua đồ ăn uống và sắm sửa, tiết kiệm đến lúc nào cho đủ. Nhưng mình tự tin sẽ làm được. Vợ chồng mình chăm chỉ làm việc, đến năm 2006 thì mua được 3 sào đất trồng lúa nước 2 vụ. Năm 2016, mình tích góp mua thêm được gần 1 ha cà phê và 2 con bò”.

Nhờ tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, chị Khăng học hỏi và biết cách chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Mỗi năm, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng. Có được thành quả này, chị cho các con theo học con chữ đến nơi đến chốn. Hiện người con đầu của chị đã đi học cao đẳng, người con thứ 2 đang học lớp 8.

Chị Rah Lan Khăng (bìa phải) hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: T.D

Chị Rah Lan Khăng (bìa phải) hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: T.D

Năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dun tập trung tuyên truyền các nội dung của phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”. Thời gian này, chị Khăng được chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, chị Khăng trực tiếp hướng dẫn chị em tham gia tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: bỏ heo đất; tiết kiệm theo mùa vụ (sau mỗi mùa thu hoạch thì trích một số tiền gửi vào Ngân hàng Chính sách Xã hội); tiết kiệm điện, nước... Khi gia đình có việc cần, các chị có thể rút ra để chi tiêu.

Đến nay, CLB đã có 20 thành viên tham gia với số tiền tiết kiệm được trên 400 triệu đồng. Nhìn chung, chị em đã hình thành thói quen, biết cách tiết kiệm chi tiêu và tổ chức sản xuất để tạo nguồn tiết kiệm và sử dụng một cách hợp lý. “Trước đây, gia đình mình thuộc hộ nghèo của làng. Nhưng từ khi được chị Khăng và các chị em trong CLB hướng dẫn cách chi tiêu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2020, gia đình mình đã mua được 3 sào lúa nước, 4 sào cà phê. Mình còn nuôi thêm 9 con bò và một đàn dê. Hiện nay, gia đình mình đã vươn lên thoát nghèo”-chị Rơmah Thơl cho hay.

Chị Khăng cho rằng: Điều hay nhất khi sinh hoạt CLB là các chị em được gần gũi, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, động viên nhau tham gia tiết kiệm và lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp. Các thành viên trong CLB đã ý thức được tiết kiệm để dành lúc ốm đau, hoạn nạn hoặc lúc cần đầu tư vào sản xuất, chi phí cho con cái học tập.

Ngoài ra, với vai trò là đại biểu HĐND xã, chị Khăng còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi. “Nếu như trước đây, mỗi lần gia đình có đám tang phải tổ chức 7-10 ngày thì đến nay chỉ còn 3 ngày. Điều này đã giúp các gia đình tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Muốn làm được điều này, trước tiên, bản thân và gia đình mình phải gương mẫu đi đầu”-chị Khăng khẳng định.

Chị Rah Lan H'Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dun-nhận xét: Chị Rah Lan Khăng là tấm gương phụ nữ Jrai dám nghĩ, dám làm và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội. Vừa qua, chị Khăng vinh dự tham dự hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Tại đây, chị đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tiết kiệm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng các điển hình tiên tiến như chị Khăng trong cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”-chị H'Nhum cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.