Người Tây Nguyên giã gạo chày đôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, người Tây Nguyên làm ra hạt gạo rất lạ.
Cây lúa rẫy dài ngày, có chu kỳ phát triển như các loài cỏ dại. Nghĩa là bắt đầu mùa mưa thì mọc, đến cuối mùa mưa thì già. Quá trình canh tác không cày xới, không gánh gồng, mọi công việc đều dùng rìu và lửa, vận chuyển thì bằng gùi mang trên lưng. Nương rẫy không bao giờ bón phân vì sợ ô uế đất, Yàng lúa bỏ đi. Đất rừng mới khai hoang luôn màu mỡ, khi lúa không tốt nữa thì chuyển sang khu đất khác.
Hết mùa mưa, cả bông lúa chín khô. Người Tây Nguyên tuốt lúa bằng tay, không có công đoạn gặt, đập hoặc trục lúa, phơi lúa khó nhọc như những cư dân làm lúa nước. Họ quan niệm gặt thì đau cây lúa, Yàng lúa bỏ đi gây mất mùa về sau. Lúa rẫy tuốt về thì đổ luôn vào kho giữa rừng. Trong năm, gùi dần lúa về nhà giã lấy gạo mà ăn. Việc giã gạo hầu như là công việc thường xuyên quanh năm.
Để làm ra hạt gạo, người Tây Nguyên dùng cối giã. Cối giã gạo được làm từ một khúc gỗ lớn cỡ người ôm, khoét thành bộng sâu. Cối của người Jrai trên miệng to loe ra, dưới đáy thắt nhỏ chụm. Ngược lại, cối của người Bahnar phần đáy thường nở rộng, phần miệng thu nhỏ dần. Cái chày thường được làm bằng gỗ kơ nia để đảm bảo độ cứng, thớ gỗ mịn chắc không tách, không vỡ, không xơ. Đó là khúc cây kơ nia thẳng đuột có đoạn giữa tầm vừa hai bàn tay nắm chặt, một đầu gốc to hơn, đầu ngọn nhỏ dần tóp lại. Là kiểu chày bất đối xứng. Chiều dài chày giã gạo cao vừa tầm người. Chày sau khi chặt đẽo còn tươi thì ngâm bùn non một thời gian cho thâm đen, vớt lên rửa sạch, dựng bên bếp hoặc gác dưới sàn nhà cho khô, tránh phơi nắng trực tiếp. Chày giã gạo của người Tây Nguyên để luôn cả đoạn cây mang tính tự nhiên, phần giữa không đẽo eo như người Kinh. Giã một thời gian, chày trở nên đen bóng. Vì không có cối xay, không có công đoạn xay lúa nên khi giã gạo, người Tây Nguyên cho luôn hạt lúa vào cối, dùng đầu chày nhỏ giã cho bong vỏ trấu, sau đó trở đầu to để giã bong cám sạch gạo.
Phụ nữ Bahnar giã gạo chày đôi. Ảnh: H.T
Phụ nữ Bahnar giã gạo chày đôi. Ảnh: H.T
Thường thì phụ nữ Tây Nguyên giã gạo chày đôi đổi công vào ban đêm hoặc các buổi sáng tinh mơ ngay trên đám hồi nhà sàn. Các cô gái sẽ cặp đôi xoay vòng giã gạo giữa các gia đình thân cận cũng là chu kỳ cung ứng cái ăn cho từng căn bếp. Chính cái lối giã gạo chày đôi ấy đã tạo ra những nhịp điệu âm thanh theo những đôi tay vung lên hạ xuống nhịp nhàng. Giã chày đôi, hai người phải giữ đúng nhịp nhún người lên xuống kết hợp với đôi tay uyển chuyển nâng lên hạ xuống, tránh đụng nhau. Đó là một kỹ năng, tạo ra sự khớp nhau giữa những cặp đôi giã gạo, như cặp khiêu vũ.
Cách giã cả hạt lúa như vậy, trấu sẽ bong, gạo sẽ trắng. Người Tây Nguyên không dùng dần sàng sảy mà làm gạo bằng cái nia hình lá đề, một đầu to tròn và đầu kia thuôn nhỏ nhọn dần. Đầu to tròn áp sát người, đầu nhỏ nhọn đưa ra ngoài xa.
Bây giờ, máy xát đã vào đến tận làng vùng sâu, việc giã gạo chày đôi cũng biến mất. Có thời kỳ, mỗi vùng người Tây Nguyên thường có hộ người Kinh làm máy xát lưu động. Các gia đình trong làng khi hết gạo, chỉ cần bấm một cuộc gọi điện thoại, xe kéo máy xát sẽ đến xay gạo ngay tại nhà trong phút chốc. Nếu gia đình không nuôi heo gà, không cần cám thì coi như được phục vụ xay xát không trả phí. Hộ xay gạo yêu cầu lấy lại cám thì phải nộp lại một ca gạo cho mỗi gùi lớn lúa đem xay.
Bây giờ, phương tiện đi lại đã thuận tiện, dịch vụ xay xát đã hiện đại, hầu hết các làng đều ăn gạo máy do các cụm xay xát trong vùng làm dịch vụ chuyên nghiệp, chẳng mấy nhà còn phải giã gạo chày tay. Phụ nữ Tây Nguyên được giải phóng khỏi một công việc cực nhọc. Tuy vậy, những cô gái cũng mất đi cơ hội đổi công, giao lưu giã gạo chày đôi. Làng mất đi những âm thanh rộn ràng gắn với những căn nhà sàn như những bản nhạc ấm no vang ngân đêm đêm giữa núi rừng thăm thẳm. 
PHẠM ĐỨC LONG
 

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.