(GLO)- Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu với thổ cẩm. Có người hàng ngày cần mẫn bên khung cửi để tạo nên những hoa văn tinh xảo và cũng có người lại “thổi” vào đó sự khéo léo, biến tấm thổ cẩm thành những bộ trang phục đậm nét truyền thống nhưng vẫn mang dáng dấp hiện đại.
Đam mê sáng tạo
Tôi đến thăm chị Rơ Mah H’Tuyết (tổ 10, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) khi cơn mưa cuối mùa bất chợt trút xuống. Trong căn phòng khách rộng khoảng 40 m2, chị H’Tuyết cần mẫn bên chiếc máy may, hoàn thành công đoạn cuối cùng chiếc áo thổ cẩm cho khách.
Điều khiến tôi ngạc nhiên chính là chị H’Tuyết không biết dệt vải, mặc dù bà Rơ Mah Je (mẹ chị) từng là người dệt vải khéo nhất làng. Bù lại, chị lại sớm bộc lộ năng khiếu may vá, thêu thùa và có niềm đam mê bất tận với đường nét hoa văn trên váy áo của dân tộc.
“Tôi thấy hoa văn trên thổ cẩm thật kỳ diệu. Sự sắp xếp, tính toán của người dệt trên từng sợi chỉ thật tài tình. Từ bông hoa, cái cuốc, chiếc gùi cho đến nhà sàn, nhà rông, cái cây, người biểu diễn múa hát, cồng chiêng, cây nêu… người dệt đều có thể sáng tạo làm thành hoa văn trên thổ cẩm. Sự biến hóa ấy đã thu hút, thôi thúc tôi phải đưa chúng trở thành sản phẩm có tính ứng dụng, đem cái đẹp mà mình nhìn thấy để làm đẹp cho mọi người”-chị H’Tuyết chia sẻ duyên cớ đến với nghề may đồ thổ cẩm.
|
Chị Rơ Mah H’Tuyết gắn với nghề may đồ thổ cẩm đã gần 7 năm. Ảnh: Phương Linh |
Chị H’Tuyết nhớ mãi chiếc áo đầu tiên may cho cha bằng tấm thổ cẩm do mẹ dành gần 2 tháng để dệt. Khi ấy, chị chưa một ngày học cắt may mà tự mày mò, mô phỏng, ước chừng theo một chiếc áo mẫu để hoàn thành. Chị nhớ lại: “Mọi công đoạn gần như suôn sẻ cho tới phần cổ áo. Tôi dùng một cái tô úp lên vị trí xác định là phần cổ áo, căn chỉnh phù hợp, vẽ nét rồi cắt theo”.
Đó là một chiếc áo nam dài tay may theo kiểu truyền thống đặc trưng của người Jrai vùng Phú Thiện với thân sau dài hơn thân trước và có thêm tua rua sợi nhiều màu. Hoa văn chạy dưới gấu áo, tay áo và viền ở cổ. Giữa ngực là một miếng vải đỏ hình chữ nhật tạo điểm nhấn. Đến bây giờ, ông Rơ Lan Cơ (cha chị) vẫn mặc nó mỗi lần đi lễ hay tham dự các sự kiện quan trọng.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Trong quá trình điền dã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, tôi nhận thấy, thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số trong các buôn làng hiện nay có nhiều cách làm hay, sáng tạo không chỉ để khôi phục, gìn giữ mà còn phát huy tối đa giá trị của di sản văn hóa, trong đó có dệt thổ cẩm... Dù không gắn với khung cửi nhưng chị Rơ Mah H’Tuyết làm cho tấm vải thổ cẩm thêm giá trị khi gắn liền giá trị thẩm mỹ với giá trị sử dụng cao nhất, đó là một cách bảo tồn và quảng bá văn hóa rất sáng tạo”. |
Sau sản phẩm đầu tay, năm 2003, chị H’Tuyết quyết tâm đi học nghề rồi nhận may quần áo tại nhà. Năm 2008, chị chuyển sang học ngành Thư viện-Thiết bị trường học (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai). Đến năm 2014, chị được chuyển về làm nhân viên Thư viện Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện.
Năm học đó, nhà trường quyết định may đồ thổ cẩm cho tập thể giáo viên và tất cả học sinh trong trường. Biết chị H’Tuyết có tiệm may đồ thổ cẩm, nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ. Hơn 300 bộ váy, áo là đơn hàng lớn nhất của chị tính đến thời điểm đó.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ vì bắt buộc nên mọi người “đành” mặc đồ thổ cẩm để đi làm. Nhưng rồi, nhiều cô giáo mặc lên thấy đẹp lại đến đặt may thêm bộ nữa để thay đổi. Tôi rất vui và lấy đó làm động lực để may đẹp hơn”-chị H’Tuyết vui vẻ nói.
Lan tỏa tình yêu thổ cẩm
Trên chất liệu vải thổ cẩm truyền thống, chị H’Tuyết có thể sáng tạo thành nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại từ áo khoác, áo kiểu nữ, áo dài, váy liền thân... Song, đa phần khách hàng vẫn ưa chuộng kiểu váy quấn truyền thống với dải tua rua chạy dài bên hông. Chân váy công sở cũng ưa chuộng với đường hoa văn viền thắt lưng hay dưới gấu tạo điểm nhấn đẹp mắt. Nam giới thì đơn giản hơn với dải khố, áo ghi lê hoặc áo dài tay.
Cô Hà Thị Thanh Tâm-giáo viên Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện-chia sẻ: “Ngày 20-11 vừa rồi, tôi được nhà trường tặng cho một bộ đồ thổ cẩm, cũng là sản phẩm của chị H’Tuyết. Tôi rất bất ngờ vì không nghĩ lại đẹp đến vậy và muốn may thêm ngay 1 bộ nữa để thay đổi”.
Tương tự, chị Siu H’Nhơm (buôn Plei Tel, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cũng tìm đến chị H’Tuyết may đồ. “Mình đi lễ nhà thờ, thấy bạn mặc đồ truyền thống đẹp lắm, hỏi ra thì biết ở chỗ chị H’Tuyết. Mình đặt may để cũng có bộ đồ đẹp như thế”-chị H’Nhơm vui vẻ nói.
|
Để may được những bộ đồ đẹp, chị H’Tuyết (bìa trái) tỉ mỉ từ việc lấy số đo của khách hàng. Ảnh: Phương Linh |
Một bộ đồ thổ cẩm có giá từ 400.000 đồng trở lên. Ngoài vải dệt từ sợi công nghiệp may số lượng lớn như đồng phục, chị H’Tuyết còn bỏ không ít công sức để sưu tầm vải dệt thủ công chất lượng, hoa văn đẹp từ nghệ nhân trong tỉnh.
Chị bộc bạch: “Mặc dù vải dệt thủ công đắt hơn, thời gian dệt lâu hơn nhưng tôi vẫn muốn lấy về để khách hàng có thêm lựa chọn, các nghệ nhân có thêm thu nhập cũng như tạo động lực để họ tiếp tục gắn bó với khung cửi, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc”.
Chị Ksor H’Nguin (buôn Ama Đá, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) là bạn hàng lâu năm của tiệm may H’Tuyết. Những sản phẩm của chị H’Nguin luôn “chiều” những khách hàng khó tính bởi đường dệt tinh xảo, tỉ mỉ, bề mặt mịn, hoa văn đẹp mắt.
“Nhờ có H’Tuyết mà mình chăm chỉ dệt vải hơn, cứ lúc nào rảnh lại ngồi vào dệt. Thấy vải được may thành nhiều bộ đồ đẹp, mình vui lắm, cứ muốn dệt mãi thôi”-chị H’Nguin nở nụ cười thật tươi.
Hiện nay, niềm mong mỏi lớn nhất của chị H’Tuyết là được truyền nghề cho những cô gái Jrai. Đó vừa là cách tạo sinh kế vừa để chị H’Tuyết nhóm lên trong họ ngọn lửa đam mê, tình yêu đối với thổ cẩm nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung.
Nhìn sự tận tụy của chị H’Tuyết bên chiếc máy may với tấm vải thổ cẩm, tôi hiểu rằng, bằng cách này hay cách khác, mạch nguồn truyền thống vẫn âm thầm cuộn trào trong mỗi người con Tây Nguyên.
PHƯƠNG LINH
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu