Người ơn của làng chài An Bàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lê Ngọc Thuận, người ơn của làng chài An Bàng. Ảnh: H.V.M
Lê Ngọc Thuận, người ơn của làng chài An Bàng. Ảnh: H.V.M
Gần 8 năm tôi mới quay trở lại An Bàng (Hội An, Quảng Nam) và gần như không tin vào mắt mình khi làng chài nghèo khó, nhếch nhác năm nào bây giờ đã lột xác thành một làng “Homestay An Bàng” nổi tiếng khắp thế giới.
Và công đầu trong sự lột xác này là của Lê Ngọc Thuận – một người con An Bàng đã mày mò xây lên những “ngôi nhà mơ ước” không chỉ cho riêng mình mà vì cả cộng đồng cùng làm giàu bền vững. 
"Bali cũng chỉ thế này thôi"
Thuận hẹn tôi ở Shore Club - một câu lạc bộ, nhà hàng rộng gần 2.000 mét vuông với hai màu xanh trắng chủ đạo nằm sát bờ biển với style chuẩn mực, nhìn chẳng khác gì ở Bali hay Phuket, những “thiên đường du lịch” của thế giới. "Bali cũng chỉ thế này thôi nhưng đắt đỏ hơn nhiều", Margan, một du khách người Úc bắt chuyện.
Đó là một không gian rất lạ, bởi rất sang chảnh nhưng lại không gây cảm giác choáng ngợp mà trái lại rất gần gũi, thân thiện. Chủ nhân, 38 tuổi, cũng không như hình dung khi “hàng hiệu” từ đầu đến chân nhưng vẫn toát lên vẻ tự nhiên, chân chất với nụ cười hiền pha chút xấu hổ với người đối diện.
Chỉ riêng làm chủ cơ ngơi này thôi, cũng khó mà tin được Thuận từng chật vật lắm mới tốt nghiệp được lớp 12 và chưa một ngày ngồi giảng đường đại học vì “ngày ấy nhà nghèo quá, quanh năm đánh vật với biển giã, kiếm ăn thôi cũng đã khó khăn nói chi chuyện học hành cao xa”.
Thuận kể mình “khởi nghiệp” bằng nghề rửa bát thuê cho một nhà hàng ở Hội An. Và trong những năm tháng ấy, duyên số đã cho tôi gặp gỡ, kết bạn với Glenn Mcveigh - một du khách người Úc sau này đã giúp Thuận thay đổi số phận.
Ban đầu, hai người chung vốn mở một nhà hàng nhỏ để phục vụ khách du lịch. Một thời gian, thấy khách du lịch nước ngoài tìm đến Hội An ngày mỗi đông và chỗ lưu trú là một trong những vấn đề đau đầu của chính quyền địa phương. Glenn xui Thuận nên mở dịch vụ homestay ngay trên chính làng chài An Bàng.
Nhưng làm kiểu gì đây khi An Bàng lúc ấy đang là một làng chài nghèo xác xơ, đầy rác, hôi hám và kinh nghiệm về homestay với Thuận là con số không tròn trĩnh? Glenn bảo đại ý đừng lo, tao có biết vụ này và cứ thế, cứ thế...
“Tôi và Glenn cùng thuê một khu đất trong làng rồi dựng lên đó một ngôi nhà tre, mái lá. Nhưng chỉ được 1 năm thì tre bị mọt, cả đêm cứ nghe kêu râm ran. Thời gian nữa thì nhà xuống cấp, tái đầu tư liên tục nhưng không hiệu quả. Chúng tôi dỡ ra, bỏ gỗ vô, lợp ngói theo tỉ lệ khác nhưng vẫn không hiệu quả và phá sản dự án. Tổng cộng, tôi và Glenn mất 300 triệu đồng, một số tiền rất lớn vào năm 2011”.
Là người khởi xướng ý tưởng và bày cho Thuận những bước đi đầu tiên về homestay, tuy nhiên sau đận phá sản ấy, Glenn bỏ cuộc và rời luôn Hội An để về sống tại Úc. Nhưng Thuận thì không bỏ cuộc. Thuận lại thuê đất của người trong làng, rồi lên mạng tìm thông tin, tự mày mò thiết kế homestay tiếp theo với nguyên lý đạt chuẩn quốc tế nhưng phải làm sao ngôi nhà trộng Hội An, đặc biệt An Bàng nhất bằng cách giữ lại gần như nguyên mẫu khung cảnh tự nhiên của ngôi nhà trước đó như những tạp, cây khế, giếng nước, bờ rào... cùng hồn vía của chủ nhân và cả ngôi làng.
Và Thuận đã thành công, ban đầu là một nhà, rồi mở rộng ra hai nhà, ba nhà, sáu nhà, hai mươi nhà... với hình thức “mượn vốn” người dân bằng cách thuê đất, thuê nhà rồi cải tạo, thiết kế lại thành homestay theo ý mình như thế.
Điều đặc biệt là dù chưa một ngày học kiến trúc, nhưng Thuận đã làm được một việc mà không nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp làm được là biết nương theo hồn vía của từng chủ nhà – từng ngôi nhà để tạo nên sự khác biệt, làm cho du khách luôn bất ngờ và thích thú vì không nhà nào giống nhà nào, dù style ở đâu vẫn là "made - in - Thuận"!
Cuối năm 2017, Thuận còn được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải nhất cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” cho thiết kế The Chi Villa với 4 phòng ngủ cũng của Thuận ở An Bàng ở hạng mục không chuyên.
Theo Trưởng ban giám khảo, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì Thuận đã làm nhiều người bất ngờ khi bài thi của anh chỉ có... ảnh chụp chứ không có bản vẽ kỹ thuật. Nhưng đây là một bất ngờ thú vị bởi “Thuận khơi nguồn cho một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên.
Tổ tiên của mình đã làm thế. Kiến trúc mà có thiết kế như mình đang xem là người Tây mới đưa vào hơn trăm năm nay thôi. Lâu rồi không thấy một người tự tạo ra các kiến trúc dân gian như vậy”, ông Thông nói.
Một góc Shore Club của Thuận. Ảnh: H.V.M.
Một góc Shore Club của Thuận. Ảnh: H.V.M.
Ước mơ về những “ngôi nhà mơ ước”
Tôi đã không tin vào những gì mắt mình thấy, tai mình nghe sau khi trở lại An Bàng với khoảng thời gian 8 năm. Không chỉ trở thành một làng homestay sôi động với khoảng 100 hộ dân tham gia (mỗi nhà ít nhất 4 phòng bán với giá từ 30 - 200 USD/ đêm) cùng hơn 200 hộ dân khác tham gia vào mô hình dưới hình thức làm dịch vụ.
An Bàng mới đây còn được Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016 - 2018. Ông Lê Ngọc Kích, một trong những người dân đang tham gia làm homestay ở An Bàng nói: “Trước kia, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, không dám mơ có thu nhập được dăm triệu đồng một năm thì nay nhờ đón khách du lịch đến nhà mình ăn ngủ không thôi mà bình quân mỗi ngày tui kiếm được ít nhất một triệu đồng”.
Những ai không làm homestay thì tham gia vào các dịch vụ ăn theo từ bình dân cho đến cao cấp, tháng cũng kiếm được trên dưới 10 triệu đồng, không nhiều nhưng cũng chưa bao giờ dám mơ tới so với hồi còn ra biển theo đuôi con cá.
Shore Club với hai màu xanh trắng chủ đạo nằm sát bờ biển với style chuẩn mực, nhìn chẳng khác gì ở Bali hay Phuket, những “thiên đường du lịch” của thế giới. Ảnh: H.V.M
Shore Club với hai màu xanh trắng chủ đạo nằm sát bờ biển với style chuẩn mực, nhìn chẳng khác gì ở Bali hay Phuket, những “thiên đường du lịch” của thế giới. Ảnh: H.V.M
Ai và điều gì đã làm cho An Bàng có những thay đổi tích cực như hôm nay? Câu trả lời là Thuận! “Tất cả là nhờ có Thuận” – ông Lê Ngọc Kích nói: “Thuận là người ơn của cả làng An Bàng này”. Ban đầu là người dân cho Thuận thuê đất, thuê nhà rồi bỏ luôn nghề biển để ở nhà phụ cho Thuận các công việc như bảo vệ, dọn phòng, nấu nướng...
Đến năm 2017, sau 5 năm, sau khi những người dân này gần như thuần thục mọi kỹ năng và đường đi nước bước của nghề homestay, Thuận bán lại các homestay mình đã thuê trước đó cho chính chủ nhân với giá ưu đãi để họ tự điều hành.
Cùng thời gian đó, nhiều hộ dân khác trong làng cũng học Thuận cách làm homestay, nhờ anh thiết kế xây dựng, gia nhập vào hệ thống quản lý của Thuận. Ai cần gì là Thuận giúp, vô tư, hết mình, không giấu nghề với duy nhất một tâm niệm: “Làm cho xung quanh mình tốt lên thì tương lai mình sẽ được sống trong môi trường tốt nhất”. Để rồi theo Thuận, “sau hơn 5 năm, An Bàng giờ đây không chỉ được thoát nghèo mà còn làm giàu một cách bền vững với nghề homestay”.
Thuận bảo những gì vừa kể nói thì nhanh thế thôi chứ để làm thì khó, rất khó. Nhưng vẫn không khó bằng việc thay đổi nhận thức của người dân, từ việc học tiếng Anh, dọn rác trong làng; nói năng, ứng xử, phục vụ chuyên nghiệp và văn minh cho đến việc đoàn kết, hỗ trợ nhau kiếm tiền sạch, có tâm thay vì giành giật, chơi xấu nhau chỉ vì những món lợi hay thua thiệt nhỏ trước mắt.
“Thời gian đầu khó khăn vô cùng tận bởi người làng mình văn hóa quá khác lạ với phương Tây, lại quen sống buông thả, tự do nên để có được nề nếp và ý thức làng mình đang làm du lịch như hôm nay, được khách chấp nhận và yêu quý cũng mất gần 5 năm chứ không một sớm một chiều” – Thuận nói.
Làng chài An Bàng đã làm giàu bền vững từ mô hình homestay của Thuận. Ảnh: H.V.M
Làng chài An Bàng đã làm giàu bền vững từ mô hình homestay của Thuận. Ảnh: H.V.M
Bây giờ thì Thuận không còn làm homestay theo kiểu người dân An Bàng đang làm nữa mà chuyển sang làm ông chủ của một chuỗi Club, nhà hàng ven biển An Bàng với hơn trăm nhân viên (phần lớn là người An Bàng, số còn lại là người nước ngoài) sau thời gian đi một vòng khắp các thiên đường du lịch nước ngoài để xem họ làm như thế nào.
Và Thuận đã tách ra, mở một đường đi mới là làm homestay theo kiểu cao cấp với “The Chi Villa” (chủ của mảnh đất này tên là Chi, Thuận thuê trong 10 năm). Villa có 4 phòng ngủ, đẹp và đạt theo tiêu chuẩn “ngôi nhà mơ ước” với giá 10 triệu đồng một đêm. Thế nhưng từ lúc đưa vào vận hành đến nay gần một năm, ngôi nhà chưa một ngày vắng khách.
Hôm dẫn tôi đi tham quan “ngôi nhà mơ ước” The Chi Villa, Thuận bảo mình đang có một mơ ước rất lớn là làm sao những cụm homestay và “ngôi nhà mơ ước” ở An Bàng được nhân rộng ra cho nhiều làng biển tương tự khác ở khắp miền Trung để người dân có cơ hội đổi đời.
“Tới đây sẽ là làng ven biển Cẩm Thanh, làng nước mắm truyền thống Bình Dương của Hội An. Đặc biệt hiện nhiều bạn bè, những người muốn xây dựng homestay ở các làng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, hay Quảng Ngãi cũng đang đặt vấn đề nhờ tôi giúp họ...”, Thuận kể.
Ở dọc miền Trung, khởi nghiệp thành công như Thuận không ít nhưng nghĩ và làm vì cộng đồng bền vững như Thuận thì tôi chưa thấy nhiều. Cũng như chuyện bây giờ đều đặn mỗi tháng gởi giúp đỡ ông bạn Glenn bên Úc 10 triệu đồng để trả ơn cho nhân duyên đã thay đổi đời mình thì không phải ai trong hoàn cảnh của Thuận cũng có thể nghĩ đến...
Hoàng Văn Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.