Người ở AKô Dhông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngôi làng ấy được mệnh danh là giàu mạnh nhất Tây Nguyên, nơi vẫn còn giữ được những nét đặc trưng nhất của cộng đồng, của tộc người, ngay cả bên trong các căn nhà dài đặc trưng của người Ê-Đê giữa cơn lốc đô thị hóa ngập tràn lòng phố núi Ban Mê.

Dựng làng giữa lòng phố thị

Nằm trong lòng TP Buôn Ma Thuột, buôn AKô Dhông (phường Tân Lợi) trở mình mạnh mẽ trong sự phát triển của thời cuộc. Nhưng, ở đó, sau gần 70 năm dựng buôn làng, định hình được bản sắc và bây giờ trở thành trung tâm du lịch cộng đồng đầu tiên của Đắk Lắk. Không chỉ thế, nơi đây được đánh giá một trong những buôn làng giàu đẹp nhất Tây Nguyên.

Gần 70 năm dựng buôn, người trong buôn chẳng bao giờ quên được Ama H’rin, vị già làng đáng kính đã chọn đất lập buôn này từ những năm 1956. Thuở ấy, già Ama H’rin (tên thật là Y Diêm Niê) ở cao nguyên M’Đrắc lấy vợ, theo vợ về vùng đất này. Nhưng, dạo ấy người và đất dường như “không ưng nhau” nên già không khỏi trăn trở khi chứng kiến người thân sống trong cảnh nghèo đói vì đất đai cằn cỗi, cỏ tranh và thú dữ nhiều hơn sông suối. Già đã đeo cung tên lên vai, tay cầm giáo, bạt lau dắt vợ con đi tìm vùng đất mới. Đất dựng buôn ngày ấy phải đi nhiều ngày mới tìm được và nơi này là đầu nguồn con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột khi có 6 con suối khác nhau tụ hội là Ea Nuôl, Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi và Thun M’nung. Buôn Ma Thuột thuở ấy hoang sơ giữa rừng già bao phủ. Buôn Ako D’hong có tên từ đó với nghĩa “làng ở đầu nguồn suối”. Ngày đó, ngoài Akô Dhông, xung quanh khu vực Buôn Ma Thuột chỉ có 3 buôn là Kô Siêr, Păn Lăm và Alê.

Nhà dài của người Ê-Đê với cầu thang đực và cầu thang cái.

Nhà dài của người Ê-Đê với cầu thang đực và cầu thang cái.

Ama H’rin nhìn người Pháp và tìm cách làm quen với người Pháp, học tiếng của họ và học kỹ thuật trồng cà phê, tìm ra những giống cà phê tốt nhất cho vùng đất này. Với sức khỏe cường tráng, lòng gan dạ, lòng quyết tâm sắt đá và trí thông minh, già Ama H’rin đã dạy buôn làng trồng cà phê, quy hoạch buôn, chia đất cho bà con... Ngoài cà phê, Ama H'rin còn chỉ cho dân làng trồng các loại cây điều, bơ, tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống. Nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn đã xảy ra sau này nhưng người Ako D’hông chưa bao giờ bị đói. Họ cùng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ cho nhau từ hạt muối đến bầu nước. Nhưng rồi, sau 82 mùa cúng bến nước, già Ama H'rin đã phải về bên kia núi, nhưng sức sống của buôn làng ngày càng mạnh mẽ. Nhờ tư duy của già, buôn Ako Dhong vẫn giữ nguyên nhiều nét đẹp của đồng bào.

Ở buôn này, từ ngày già Ama H'rin về với ông bà, đã có những người tiếp tục giữ cho tư tưởng của già bấy lâu nay vẫn đau đáu cho văn hóa, cho sự sinh tồn của cộng đồng, cho định hướng phát triển và giữ lại nếp sống Ê-Đê giữa cơn lốc đô thị hóa khiến phong tục dễ bề phai nhạt. Buôn Ako Dhong cũng như nhiều buôn làng Ê-Đê khác trên dải đất bazan nắng đỏ này, vẫn còn nhiều người sống và giữ mạch nguồn trong huyết quản, như gia đình già làng Ama Denny buôn Akô Dhông hiện tại (con rể của già Ama H’rin), là Y Zack, con trai của già Ama H’rin, chàng ca sĩ Ê-Đê trong nhóm Du Ca sôi động của nhạc sĩ Trần Tiến ngày nào đóng khố, ngực vạm vỡ ra Hà Nội biểu diễn. Như Nay Phai, nghệ nhân chỉnh chiêng một đời tâm huyết gìn giữ và truyền dạy văn hóa cồng chiêng. Hay, Ama Nhiên, nghệ nhân kể khan trẻ nhất thế hệ hiện tại, có Y Tis, nghệ nhân trẻ đa tài vừa có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ Tây Nguyên, vừa chế tác nhạc cụ, cũng là học trò xuất sắc của nghệ nhân Nay Phai. Hay, nghệ nhân dệt thổ cẩm H’min Niê và cả Y Thiên, một chàng trai rẽ ngang làm du lịch cộng đồng như được các “Yang giao cho trọng trách lớn” với quê hương, buôn làng của mình.

Du khách thích thú khi trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của người dân.

Du khách thích thú khi trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của người dân.

Giữ buôn, nuôi người

Nằm giữa lòng TP Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông với diện tích hơn 62 ha, 247 hộ và 1.004 nhân khẩu (trong đó người dân tộc Ê-Đê 64 hộ, 317 nhân khẩu) dù mấy mươi năm qua vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng độc đáo của người Ê-Đê như nhà dài, văn hóa cồng chiêng, tượng gỗ, ẩm thực, thổ cẩm... Dọc đường cây xanh, hoa cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Cổ thụ trong buôn được bảo vệ nghiêm ngặt, ai chặt cây lớn sẽ bị phạt rất nặng. Đặc biệt là tài sản vô giá từ những ngôi nhà dài và phong tục tập quán truyền thống lâu đời. Nơi đây vẫn gìn giữ được 32 ngôi nhà dài. Các ngôi nhà dài làm bằng gỗ, lợp ngói, vách nghiêng, mái nhọn nhô ra phía trước đều nằm dọc hai bên đường theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam trong buôn. Đầu nhà quay về phía Bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía Nam cuối nhà dành cho sinh hoạt gia đình. Với người ÊĐê, nhà dài là biểu tượng văn hóa, là trái tim, máu thịt, là điều gần gũi và thiêng liêng của dân tộc. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là không gian văn hóa, địa điểm các nghi lễ cúng được tổ chức.

Già Ama H’rin là một “kiến trúc sư trưởng” tài ba, già đã tạo ra một không gian kiến trúc đặc trưng cho Ako D'hong. Di sản già để lại khiến nơi đây trở thành buôn điển hình của tỉnh Đắk Lắk. Tháng 3/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã công bố Akô Dhông là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Nhờ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đồng bào buôn Akô Dhông có thể tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Theo quy hoạch, điểm du lịch cộng đồng này rộng hơn 55 ha, quy mô dân số khoảng 2.200- 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1/3 số người sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mĩ nghệ và mở dịch vụ giải trí văn hóa, văn nghệ truyền thống, phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, buôn Akô Dhông hiện có 32 ngôi nhà dài, 4 dàn chiêng Knăh, nhiều điệu xoang cổ của dân tộc Ê-Đê, có bến nước cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp được người dân gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn. Khi được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh, các tour du lịch lữ hành Tây Nguyên cũng được triển khai. Từ đó, việc diễn tấu chiêng, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, hát, đàn dân gian trong buôn... được bà con chú trọng. Trong buôn hiện có hai đội chiêng cao tuổi và trẻ tuổi thường xuyên được mời phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là vốn tài nguyên quý giá để giúp điểm du lịch cộng đồng này xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Giữa phố thị sầm uất vẫn còn một ngôi làng bản địa lưu giữ được nét văn hóa của đồng bào Ê-Đê.

Giữa phố thị sầm uất vẫn còn một ngôi làng bản địa lưu giữ được nét văn hóa của đồng bào Ê-Đê.

Chính quyền TP Buôn Ma Thuột cũng đang xúc tiến lập quy hoạch chi tiết cho điểm du lịch cộng đồng này và triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại đây để giúp người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm du lịch kết nối với các hãng lữ hành nội địa và quốc tế đưa đón du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Già làng Ama Denny, con rể của già Ama H’rin cũng mở mô hình kinh doanh, ông vẫn đau đáu với việc giúp người trong buôn giàu lên dựa trên văn hóa của cha ông để lại. “Kinh doanh không chỉ giúp bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của người Ê-Đê đến với nhiều người hơn mà còn mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào”, già làng Ama Denny chia sẻ.

Nhiều người trẻ, như anh Y Thiên, hướng dẫn viên du lịch người Ê-Đê của buôn Akô Dhông tâm sự, anh rẽ ngang sang làm du lịch là vì muốn gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, muốn góp sức xây dựng cho quê hương, cho buôn làng của mình. “Giữ để không làm méo mó giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Tất cả không gian đều mang bản sắc của người bản địa và hơn 90% người làm tại khu du lịch đều là người Ê-Đê. Ẩm thực chúng tôi phục vụ khách cũng là những món ăn, thức uống của người Ê-Đê. Phải đủ thương, đủ đau mới viết được những gì thuộc về bên trong của một sắc dân, cộng đồng, xứ sở, để biết trân quý một cành cây, một con suối, một con thú hoang hay ngay cả cái liếc mắt chứa đựng bao ý nghĩ của Ê-Đê mình”, Y Thiên bộc bạch.

Nhiều du khách ở khắp nơi trong nước khi đến với buôn Akô Dhông đã không khỏi sửng sốt, bởi họ không thể hình dung giữa phố thị sầm uất vẫn còn một ngôi làng bản địa lưu giữ được nét văn hóa của đồng bào người Ê-Đê. Nơi đây vừa hiện đại, vừa cổ xưa, đường làng sạch sẽ. Dọc đường cây xanh, khóm hoa được cắt tỉa đẹp mắt, thoáng đãng. Hệ thống nước sạch đến từng nhà. Những căn nhà sàn truyền thống từ tốn nép mình trong thiên nhiên, thanh thoát như tiếng chiêng, với màu sậm của gỗ và màu đỏ của mái gạch. Chị H’Min Niê, nghệ nhân dệt thổ cẩm chia sẻ, trong buôn có nhiều người gắn bó với nghề dệt truyền thống, do đó họ luôn muốn mang nét văn hóa này giới thiệu với nhiều du khách trong và ngoài nước, quảng bá cũng như góp phần bảo tồn cho thế hệ sau này.

Trong buôn hiện có hai đội chiêng cao tuổi và trẻ tuổi thường xuyên được mời phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Trong buôn hiện có hai đội chiêng cao tuổi và trẻ tuổi thường xuyên được mời phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Buôn Ma Thuột cho biết, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025. Buôn Akô Dhông tại TP Buôn Ma Thuột được chọn thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Từ đó nhân rộng, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tây Nguyên mùa này đang đầy nắng và gió, nơi mà những con người yêu Tây Nguyên, yêu buôn làng, thở với nhịp chiêng, sống với nhạc cụ Tây Nguyên, hãy bước lên cầu thang để nghe kể về khèn, về cồng chiêng, về chiếc cầu thang đực - cầu thang cái trong ngôi nhà sàn và nghe giải thích ý nghĩa của hai bầu vú trên cầu thang cái, để bước vào gian không gian của những huyền thoại chốn bazan này.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.