Người khuyết tật thời 4.0: Start up công nghệ cho từng dạng tật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong thị trường công nghệ 4.0 tại Việt Nam, tuổi đời của các ứng dụng trợ giúp người khuyết tật còn khá non trẻ, nhưng nhiều nhà khởi nghiệp rất kỳ vọng...
Trong thị trường công nghệ 4.0 tại Việt Nam, tuổi đời của các ứng dụng trợ giúp người khuyết tật còn khá non trẻ, nhưng nhiều nhà khởi nghiệp rất kỳ vọng việc nhờ công nghệ mà những rào cản, bất tiện người khuyết tật đối mặt hàng thập kỷ qua sẽ dần bị xóa bỏ.
Cánh tay robot
Cánh tay robot Vulcan được biết đến qua nhiều chương trình đầu tư khởi nghiệp trong nước. Cánh tay này “made in VN” bởi Vulcan Augmetics - một doanh nghiệp (DN) xã hội chuyên phát triển, sản xuất các mô đun (phần có thể tháo lắp, thay đổi) chân tay cho người khuyết tật.
Trịnh Khánh Hạ, một cô gái trẻ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics, cho hay Rafael Masters (người Ấn Độ, đồng sáng lập) có nhiều bạn bè là người khuyết tật, nhưng nhờ công nghệ và hệ thống y tế từ chính phủ, các bạn của anh sống hạnh phúc như bao người. “Rafael Masters và tôi mong muốn mang công nghệ robotics đến với tất cả người khuyết tật tại Việt Nam và các quốc gia đang phát triển”, Hạ nói.

Dmap - bản đồ cung cấp thông tin mức độ tiếp cận các công trình/tòa nhà... dành cho người khuyết tật
Dmap - bản đồ cung cấp thông tin mức độ tiếp cận các công trình/tòa nhà... dành cho người khuyết tật
Phạm Văn Được (25 tuổi, phụ trách phát triển sản phẩm, trải nghiệm người dùng của Vulcan Augmetics) cho hay anh là người khuyết tật vận động, mất cánh tay trái từ nhỏ. Qua người quen giới thiệu về dự án Vulcan, tháng 8.2017, Được có cơ hội trải nghiệm sản phẩm rồi sau đó làm việc tại đây đến nay.
Cánh tay Vulcan có 90% là nhựa, còn 10% là kim loại và sử dụng công nghệ in 3D. Nó có thể thực hiện 2 thao tác cầm và nắm. Theo Được, cánh tay này có thể dùng trong sinh hoạt, lái xe, thể thao... Ngoài ra, còn có những cánh tay tháo lắp được đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính, phục vụ bàn… Được chia sẻ về nguyên lý hoạt động, Vulcan dùng 2 nút điều khiển cảm biến dưới bàn chân, qua hộp điều khiển để truyền tín hiệu lên bàn tay qua sóng bluetooth.
“Làm cách nào để người khuyết tật khó khăn có thể chạm tay đến sản phẩm (khoảng 25 triệu đồng)?”, tôi hỏi. Được nói người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với các kênh, chương trình phi lợi nhuận, quỹ tài trợ. “Vulcan có dự án UpLift, kết hợp cùng các đối tác DN và tổ chức. Tùy vào sự thống nhất với nhà tài trợ, người dân có thể được trợ giá 90%, 75%... hoặc lắp đặt tay miễn phí. Vulcan vừa mới lắp sản phẩm miễn phí cho 4 người và sắp tới là 21 người”, Được cho hay.
Đối với người trải nghiệm “cánh tay robot” đã 2 năm qua như bà Nguyễn Thị Từ Tâm (47 tuổi, ngụ tại Hà Nội, bị mất cánh tay trái do tai nạn từ nhỏ), cánh tay này là sản phẩm “ưu việt nhất tới nay mà tôi sử dụng”.
Bà Tâm nói: “Tôi được lắp tay giả miễn phí từ dự án tài trợ UpLift. Trải qua nhiều sản phẩm, nhưng tôi thấy cánh tay robot này đáp ứng tốt nhất. Đặc biệt là vì thẩm mỹ. Con gái tôi hay nắm tay đó của tôi mỗi tối và khen mẹ có một cánh tay đẹp”.
Trong tương lai, Vulcan Augmetics kỳ vọng với công nghệ đang phát triển, người khuyết tật sẽ không còn “yếu thế”, mà trở thành những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để “nâng cấp” cơ thể con người. “Chúng tôi sẽ có giải pháp thiết bị để bổ trợ cơ thể chúng ta sống cuộc đời năng động, tự tin và trọn vẹn nhất”, nhà sáng lập Trịnh Khánh Hạ chia sẻ.

Anh Phạm Văn Được giới thiệu cách sử dụng cánh tay robot Vulcan. Ảnh: P.T.N
Anh Phạm Văn Được giới thiệu cách sử dụng cánh tay robot Vulcan. Ảnh: P.T.N
Người khiếm thị hết… khiếm thị
Qua một dự án của Tập đoàn tài chính Shinhan về ứng dụng công nghệ từ các công ty khởi nghiệp nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận cho thanh niên, trẻ em vùng nông thôn, người khiếm thị, chúng tôi biết và phỏng vấn anh Kim Sang-eon, CEO của Overflow Biz (Hàn Quốc) - một công ty đang chuyển đổi mô hình sang DN xã hội, chuyên phát triển công nghệ hỗ trợ cho người khiếm thị (gồm người mù hoàn toàn và người có thị lực kém) qua cung cấp bảng chữ nổi Versa Slate và ứng dụng Flowy phóng to hình ảnh. Overflow Biz là một DN cũng rất non trẻ, nhưng các sản phẩm của đơn vị này nhận được phản hồi tốt.
Anh Kim Sang-eon chia sẻ cả hai ứng dụng đã được sử dụng rộng rãi, nhất là tại các trường học ở Hàn Quốc. Đã có hàng ngàn bảng Versa Slate tại 18 nước. Versa Slate giúp rút ngắn thời gian giải toán, làm bài tập; hỗ trợ ghi chép tức thì cho người dùng thành thạo hoặc là nơi tập viết cho người mới học với ưu điểm có thể xóa được chữ mới viết.
Cũng theo nhà phát triển, một bảng đơn lẻ viết được 80 chữ, nhưng sẽ có bảng Versa Note cải thiện diện tích viết lên tới 240 chữ. Tùy theo loại, giá thành của sản phẩm này cũng vừa phải tại Việt Nam. Còn Flowy - một sản phẩm kỹ thuật số mới - có thể sử dụng và kết nối trên các nền tảng máy tính, điện thoại để chia sẻ tài liệu, phóng to hình ảnh đến ngay chỗ ngồi của người khiếm thị có thị lực kém thay cho nhìn kính lúp. Ứng dụng miễn phí hoặc có giá 4,99 USD/tháng, 6,99 USD/tháng. Hiện đã có trên 3.000 người dùng cài đặt.
Overflow Biz đang quảng bá 100 bảng chữ nổi cho các học sinh và 50 tài khoản sử dụng trải nghiệm miễn phí cho người dùng Việt Nam ở một số điểm trường, mái ấm. Anh Kim Sang-eon cũng thành thật chia sẻ rằng dẫu giá thành đã hạ thấp hơn so với nhiều ứng dụng khác trên thị trường, nhưng không phải ai cũng mua được các ứng dụng này. “Hiện công ty đang tìm kiếm giải pháp với kỳ vọng giảm bớt gánh nặng tài chính cho người khiếm thị khó khăn”, anh Kim Sang-eon nói và cho biết thêm định hướng trong tương lai là ở thị trường Việt Nam, nếu có nơi sản xuất để chuyển giao công nghệ thì cũng sẽ góp phần giảm bớt chi phí sản phẩm.
Bà Trần Vân Anh, Giám đốc chương trình của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho hay dự án của Shinhan có nhiều bên tham gia, trong đó MSD là đơn vị điều phối tại Việt Nam. Trong dự án có mô hình xây dựng cộng đồng thông minh, không rào cản, thông qua các sản phẩm để nâng cao sự hòa nhập, kết quả học tập/làm việc của người khiếm thị.
Bà Trần Vân Anh đánh giá bảng chữ nổi Versa Slate của Overflow Biz có thể dùng đi dùng lại được, đảm bảo môi trường; mang tính di động trong cuộc sống hằng ngày, còn Flowy cũng được đánh giá giúp cải thiện, nâng cao được tình hình giáo dục, kết quả học tập của người khiếm thị ở Việt Nam.
Anh Lê Hồng Vũ Minh (người mù hoàn toàn, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM) là người trải nghiệm Versa Slate. Anh cho hay bảng chữ nổi thông thường phải dùng giấy cứng, lắp... rất tốn kém và không hiệu quả nếu cần viết xóa, nhất là khi học sinh học toán, hóa. Versa Slate giải quyết được điều này và tương lai sẽ hỗ trợ rất tốt cho người khuyết tật.
VN có trên 6 triệu người khuyết tật, riêng tại TP.HCM là hơn 58.700 người với các dạng tật khác nhau như khuyết tật vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ...
Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD), cho hay với sự phát triển của công nghệ số, đã có nhiều ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận được thông tin, giáo dục, việc làm; vui chơi, giải trí. Với người khiếm thị, có thể kể các ứng dụng hỗ trợ như trình đọc màn hình (phần mềm JAWS, Microsoft Narrator...); màn hình chữ nổi có thể làm mới (Google BrailleBack, Google TalkBack...), phần mềm phóng đại màn hình (MAGic; Windows Magnifier...); Dmap (bản đồ cung cấp thông tin mức độ tiếp cận các công trình/tòa nhà... dành cho người khuyết tật).
Với người khiếm thính, có ứng dụng máy trợ thính Petralex; phần mềm áp dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phiên âm lời nói. Với người khuyết tật vận động có cánh tay, chân giả robot; ứng dụng LBS Tech để kết nối người khiếm thị sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng dịch vụ... Đa số các ứng dụng này đều miễn phí cho người khuyết tật, dễ sử dụng, chỉ cần có điện thoại thông minh là được. Tuy nhiên, một số ứng dụng phải trả phí trong khi đa số người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, người khuyết tật tại VN còn bị hạn chế về mặt công nghệ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh không nhiều.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.