Người khuyết tật lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chập chững lên ba, cơn sốt bại liệt cướp mất khả năng tự di chuyển của Trần Thị Ngọc Hiếu (39 tuổi), khiến chị phải làm bạn với xe lăn. Năm 2008, chị rời quê nhà Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh học nghề làm tranh đá quý. Tưởng ra nghề, được nhận việc, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Nhưng không, môi trường làm việc thiếu thân thiện khiến chị chạnh lòng, đành xin nghỉ để tìm lối đi riêng.
Người khuyết tật luôn cần những bệ đỡ để có được công việc phù hợp.

Người khuyết tật luôn cần những bệ đỡ để có được công việc phù hợp.

Định kiến bủa vây

Khi ra làm riêng, chị Hiếu đặt mục tiêu sẽ sớm có được nguồn khách hàng ổn định và tạo thêm việc làm cho nhiều người cùng cảnh. Thế nhưng, khởi nghiệp chỉ một thời gian ngắn, năm 2013, chị Hiếu đành phải cầm đơn tiếp tục đi xin việc để kiếm thêm thu nhập nuôi dưỡng ước mơ. Lần này, chị xin vào vị trí chăm sóc khách hàng tại một công ty bảo hiểm có tiếng. Ngày nhận được cái gật đầu của nhà tuyển dụng, dù chỉ là công việc làm thêm thu nhập không quá cao, chị vẫn mừng như vừa tạo ra bước ngoặt cuộc đời. Với chị, đó là sự công nhận từ phía doanh nghiệp và là cơ hội để thể hiện bản thân.

Vậy mà không lâu sau, cô gái đi làm bằng xe lăn một lần nữa rơi vào hụt hẫng. Điều kiện sức khỏe và việc hạn chế về mặt di chuyển khiến chị Hiếu khó thích ứng với nghề mới. Liên tục không thể hoàn thành các nhiệm vụ công ty giao, không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, thậm chí đôi khi còn bị so sánh với những đồng nghiệp khác, chị Hiếu nhận thấy quá nhiều rào cản xuất hiện khiến bản thân không thể tiếp cận, hòa nhập vào môi trường chung, đành chọn cách rút lui. “Thật lòng mà nói, người khuyết tật (NKT) rất khó để kiếm việc. Tôi cứ nghĩ khi đi xin việc sẽ gặp những người sếp tốt bụng. Tôi đã mang trong lòng hoài bão và niềm tin sẽ cố gắng hết mình cống hiến cho công ty. Nhưng thực tế khác xa mong muốn của bản thân. Thậm chí khi được nhận vào làm, NKT cũng khó có được sự công bằng hay quan tâm như kỳ vọng”, chị Hiếu chia sẻ, giọng trầm buồn.

Định kiến xã hội về khả năng thích ứng của NKT cũng tạo ra vô số rào cản, đòi hỏi họ phải vô cùng nỗ lực nếu muốn chứng minh “Tôi nhất định làm được”. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình, di chứng từ cơn sốt bại liệt lúc 13 ngày tuổi khiến chị Phạm Thị Hương (kiểm toán viên Công ty Deloitte Việt Nam) phải gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn. “Ở tất cả các cấp học, tôi đều nhận được lời khuyên từ các thầy, cô là nên đến học tại một trung tâm dành cho NKT. Các thầy, cô cho rằng ở đó có sự hỗ trợ tốt hơn cho người mắc dạng khuyết tật vận động nặng như tôi. Năm lớp 11, giáo viên trong trường còn bố trí cho tôi tham gia tại một lớp làm nghề thủ công vì không nghĩ rằng tôi sẽ vào được đại học. Trong khi đó, tôi nghĩ mình hoàn toàn có khả năng đến trường như những bạn không khuyết tật khác và có thể vào đại học. May mắn có gia đình tin tưởng và tạo mọi điều kiện cho tôi đến trường”, chị Hương kể lại.

Cần được giúp đúng cách

Trước khi đậu vào khoa Kế toán - Kiểm toán của một trường đại học lớn trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, chị Hương đã bị vài trường đại học từ chối vì là NKT. Tại giảng đường, các chính sách học bổng đã mở ra cánh cửa, giúp chị có được vị trí việc làm đầu tiên trong đời ngay sau khi tốt nghiệp tại một công ty kiểm toán lớn. Việc may mắn vào đúng môi trường đã giúp chị thể hiện tốt nhất khả năng, có thêm động lực phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên con đường nghề nghiệp trong suốt 10 năm qua. Tặng xe lăn, hỗ trợ tiền thuê nhà để nhân viên có thể ở gần công ty, tạo môi trường thân thiện là những chính sách đầu tiên mà chị Hương nhận được từ phía doanh nghiệp. Sau thời gian tự nâng cấp bản thân, năm 2019, chị Hương mạnh dạn đề xuất chuyển sang bộ phận kiểm toán để theo đuổi nguyện vọng từ thời sinh viên. Ngay lập tức, đề xuất của chị được ban lãnh đạo công ty thông qua. Thời điểm đó, lần đầu tiên trong lịch sử, công ty này có một kiểm toán viên là NKT.

Ngày được Trưởng phòng kiểm toán công ty dẫn đến trước mặt kế toán trưởng và giới thiệu một cách rất trang trọng “Đây là bạn Hương, kiểm toán viên khuyết tật của Deloitte Việt Nam”, chị Hương rưng rưng hạnh phúc. Chị tràn đầy tự tin vì đằng sau là cả tập thể công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ một cách tối đa. Không chỉ đưa ra chính sách linh hoạt giờ giấc nhằm giảm áp lực di chuyển, công ty còn chủ động bố trí cho chị Hương làm việc với các khách hàng ở Hà Nội, hạn chế đi công tác tỉnh. Trước khi chị đến thực hiện nhiệm vụ, công ty luôn cẩn trọng liên hệ kiểm tra xem cơ sở của khách hàng liệu đã có thang máy chưa và nhà vệ sinh có tối ưu dành cho NKT hay không. Sự hỗ trợ thiết thực của công ty không chỉ tạo môi trường hòa nhập tốt nhất cho chị Hương mà còn tạo động lực để nữ kiểm toán viên này tỏa sáng.

Sau khi gây dựng lại được xưởng làm tranh đá quý và sáng tạo thêm loại hình tranh ốc, chị Hiếu mời thêm hai bạn đồng cảnh cùng về làm việc. Không chỉ mở gian hàng bán trực tiếp, chị Hiếu cùng cộng sự còn nhanh nhẹn đẩy mạnh kênh tiêu thụ trực tuyến thông qua fanpage “Tranh đá quý của Hiếu”. Đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng thủ công của chị được thị trường đón nhận và phản hồi tích cực vì có dấu ấn riêng và đạt tính thẩm mỹ cao. Chị Hiếu cho rằng, nhờ nhận ra thế mạnh thật sự của bản thân và dành trọn tâm huyết để triển khai các kế hoạch, cuối cùng chị đã có thể tự lo cho cuộc sống của mình và nâng đỡ bạn bè đồng cảnh ngộ. Trên thực tế, vẫn rất nhiều cá nhân trong tổng số hơn 7 triệu NKT tại Việt Nam đạt được những thành tích nổi bật khi làm việc, cống hiến cho cộng đồng như chị Hương, chị Hiếu. Tuy nhiên, mặt bằng chung vẫn còn nhiều hạn chế do không có chuyên môn.

TS Võ Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) cho rằng, còn quá nhiều trở ngại trên hành trình tiếp cận thị trường lao động của NKT. Năm 2005, khi bắt đầu đi vào hoạt động, DRD tập trung vào vấn đề làm sao hỗ trợ đồng cảnh, hỗ trợ về mặt tâm lý, tạo điều kiện cho NKT gặp nhau, chia sẻ, trao đổi, thúc đẩy vấn đề nâng cao nhận thức. Nhưng rồi, 100 người đến DRD thì có hơn 90 người muốn tổ chức này giúp họ… tìm việc làm. “Rõ ràng việc làm và thu nhập là mối quan tâm cực kỳ lớn của NKT. Chỉ có việc làm và thu nhập thì họ mới có thể tăng giá trị bản thân và tự tin hòa nhập xã hội. Tôi hôm nay ngồi đây hoàn toàn khác với tôi của những năm trước khi bị từ chối cơ hội việc làm chỉ vì là NKT”, bà Yến trải lòng.

Từ nhu cầu thực tế, sau đó, DRD bắt đầu tìm cách hoạt động hỗ trợ việc làm và thu nhập cho NKT. Làm việc với NKT và doanh nghiệp suốt nhiều năm, bà Yến nhận ra có độ vênh lớn giữa bên yếu thế và phía muốn hỗ trợ. NKT thiếu kỹ năng, chưa được định hướng cách chọn nghề phù hợp nên khó tận dụng cơ hội việc làm. Trong khi đó doanh nghiệp chủ yếu đến với NKT bằng tinh thần từ thiện là chính nên không có đường dài, chủ yếu tập trung hỗ trợ chi phí ăn ở, sinh hoạt. Theo bà Yến, cái khác biệt duy nhất của cộng đồng NKT so với 84% dân số còn lại là khiếm khuyết trên cơ thể làm giới hạn chức năng vận động của họ. Chỉ khi nhận ra điều này thì suy nghĩ của xã hội về vấn đề khuyết tật mới đúng. Lúc đó, các chính sách hay những hoạt động hỗ trợ NKT sẽ đa dạng, bao trùm hơn. Và quan trọng nhất phải biết NKT cần gì để giúp cho đúng.

Diễn đàn “ESG-Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật” vừa được Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm thêm các hoạt động đào tạo và chính sách hỗ trợ tốt hơn khi NKT tham gia vào thị trường lao động. ESG là viết tắt của Môi trường, Xã hội và Quản trị trong tiếng Anh, là khái niệm được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE cho rằng, NKT cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội thay vì là đối tượng ưu tiên. Do vậy, mọi doanh nghiệp đều cần quan tâm thật sự đến tạo việc làm cho NKT để họ được cơ hội làm việc bình đẳng.

Có thể bạn quan tâm

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.