Người giữ bí kíp "thuốc khỏe" ở Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người ở huyện Kbang tin rằng, ông Đinh Phơ (làng La Hách, xã Krong) nắm trong tay một phương thuốc bổ thận tráng dương bí truyền. Lý do thì nhiều nhưng thuyết phục nhất là bởi ông Phơ có 2 vợ, 17 người con, trong đó có cặp con trai sinh đôi khi ông đã ở tuổi… 79.



U80... vẫn có con sinh đôi

Chỉ mới nghe chúng tôi hỏi tên ông Đinh Phơ, Phó Chủ tịch UBND xã Krong Đinh Ble đã nở nụ cười đầy bí hiểm rồi nói: “Hỏi về “thuốc khỏe” phải không?”. Không đợi chúng tôi trả lời, anh kể luôn: “Cách đây hơn năm, tôi cũng được ông ấy tặng “thuốc khỏe”, nhưng lúc đó chỉ mới có 3 loại rễ cây thôi, dặn phải có tất cả 5 loại mới đủ vị thuốc. Tôi còn để đó chưa ngâm rượu vì còn chờ thêm 2 loại rễ cây nữa. Nhưng giờ không biết thế nào. Ông ấy vừa đi viện về, yếu lắm. Đến thăm thì được, chứ giờ các anh không hỏi được gì nhiều đâu. Thôi thì ta cứ đi...”.

Nhà ông Phơ chỉ cách trung tâm xã hơn cây số. Ngay trước cửa ngôi nhà sàn bằng gỗ đã ngả màu thời gian, mái tôn rỉ sét loang lổ, một tốp người đang ngồi trầm lặng. Trong số đó có một phụ nữ áng chừng chưa đến 50 tuổi, dáng người nhỏ, hơi gầy, gương mặt đượm buồn. Nơi góc sân, 2 đứa trẻ đầu tóc vàng hoe chừng 5-6 tuổi đang chơi trò đuổi bắt.

Những người con đều không biết bài “thuốc khỏe” của ông Đinh Phơ gồm những loại rễ cây gì. Ảnh: L.P
Những người con đều không biết bài “thuốc khỏe” của ông Đinh Phơ gồm những loại rễ cây gì. Ảnh: L.P



Sau một vài câu đối thoại bằng tiếng Bahnar, anh Ble đưa mắt về 2 đứa trẻ rồi quay sang chúng tôi: “Đấy là con của ông Phơ, chứ không phải cháu đâu. Một thằng tên Đinh Phá, còn thằng kia tên Đinh Phách. Sinh đôi đấy, chúng mới 6 tuổi thôi”. Lúc chúng tôi còn đang há hốc miệng ngạc nhiên, anh Ble chỉ sang người phụ nữ rồi nói: “Còn đây là mẹ của chúng”. Bà là Đinh Thị Điu-vợ thứ 2 của ông Phơ, còn vợ đầu đã mất cách đây gần 30 năm. Theo anh Ble, ông Phơ sinh năm 1937, nhưng đó là trên giấy tờ. Còn người nhà khẳng định, ông đã bước sang tuổi 85 rồi. Nói đến đây, Ble dừng lại hỏi bà Điu lấy ông Phơ năm nào, bà lắc đầu. Hỏi đến tuổi, bà trả lời “không nhớ”.

Trong số 6 đứa con của ông Phơ có với bà Điu, người con gái đầu năm nay đã 22 tuổi. Từ đó, chúng tôi suy đoán ông Phơ và người vợ 2 này chênh khoảng 40 mùa rẫy. Nếu tính luôn 11 đứa con với người vợ đầu thì ông Phơ có đến 17 người con, cháu chắt thì đếm không xuể. Đặc biệt, từ lúc 2 đứa con sinh đôi chào đời đến nay, dân làng tuyệt đối tin rằng ông có “thuốc khỏe”. Bởi lẽ, một cụ già ở tuổi gần 80 mà vẫn có con, thậm chí là sinh đôi thì quả là điều xưa nay hiếm. Xung quanh chuyện này, người làng La Hách còn thêu dệt hẳn một câu chuyện. Chuyện là, có anh cán bộ công tác ở huyện trong một lần đến thăm nhà được ông Phơ mời mấy ly “rượu khỏe”. Sau khi uống “rượu khỏe”, người anh này cứ rừng rực. Vợ thì công tác ở phố, 1 tuần mới về nhà một lần, “báo hại” anh này tối đó phải đi tắm hơn chục lần để… “giải nhiệt”.

Thực hư phương thuốc bí truyền

Câu chuyện về bài “thuốc khỏe” của ông Phơ đang dở dang thì phía trong vách nhà sàn vang lên tiếng ho sặc sụa. Bà Điu lật đật chạy vào, đỡ lấy đầu người chồng có thân hình gầy nhom đặt lên đùi mình, tay liên tục vuốt ngực. Lúc này, anh Ble cũng bước vào hỏi thăm tình hình sức khỏe ông Phơ. Thấy ông nói chuyện được, chúng tôi đánh bạo đề nghị anh hỏi giúp mấy câu, đại ý là từ đâu ông tìm ra bài “thuốc khỏe” này, công dụng của nó có đúng như lời đồn thổi hay không. Hỏi một lúc, anh Ble kể tóm tắt lại cho chúng tôi: Những lần đi giao liên trong rừng, ông Phơ để ý thấy một bầy heo rừng có 1 con đực và 5-6 con cái. Mỗi lần “gặp gỡ” heo cái xong, con heo đực thường tìm đến gốc cây nơi góc rừng ủi đất, tợp lấy rễ cây rồi nhai lấy nhai để, sau đó tiếp tục đến ve vãn một heo cái khác trong đàn. Một lần khác, ông thấy con heo đực hết đào nhai củ lại chạy đến cắn rễ một cây khác rồi bỗng trở nên “dũng mãnh” khác thường. Nhiều lần như vậy, ông nhẩm chắc rễ cây đó giúp nó “trụ” vững sau những cuộc giao phối với đàn heo cái. Từ chỗ ngạc nhiên, ông Phơ bắt đầu tìm hiểu qua kinh nghiệm tự chữa bệnh bằng cây thuốc hái được trên rừng. Ông đào rễ những cây mà heo nhai đem về ngâm rượu uống thử, thấy người khỏe ra. Cứ thế, ông dần bổ sung hoàn thiện bài “thuốc khỏe” của mình.

Hai cậu con trai sinh đôi của ông Đinh Phơ. Ảnh: L.P
Hai cậu con trai sinh đôi của ông Đinh Phơ. Ảnh: L.P



Ông Võ Tấn Hưng-nguyên Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang: Hướng đi của huyện là tiếp tục lấy mẫu nghiên cứu nhằm bảo tồn và xây dựng thương hiệu của địa phương cho bài thuốc này giống như bài thuốc của “vua voi” Ama Kông bên Đak Lak. Nếu thành công, “thuốc khỏe” sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn, giúp người dân có thêm thu nhập nhờ vào rừng lấy cây thuốc về bán.

Thấy ông Phơ có vẻ hơi mệt, anh Ble bổ sung thêm thông tin: “Lúc trước, tôi có hỏi ông sao lớn tuổi vậy mà vẫn có con sinh đôi? Ông tiết lộ, là do thường xuyên uống rượu ngâm các loại rễ cây rừng. Mỗi ngày uống 2-3 ly thì tuy tuổi già vẫn đi lại bình thường, vẫn đeo gùi đi làm rẫy, “vụ” kia vẫn thấy còn khỏe. Còn cụ thể thế nào thì chưa có ai kiểm chứng bởi đến giờ chỉ có mình ông biết phương thuốc đó thôi. Tự ông đi rừng lấy về ngâm, với con cháu trong nhà cũng không cho ai biết”.

Chúng tôi bước ra ngoài khi câu chuyện vẫn còn dở dang bởi ông Phơ cần nghỉ ngơi. Chắc thấy tôi còn nhiều điều chưa tỏ tường, anh Đinh Hrớ-con rể ông Phơ và bà Điu lại góc nhà xách bình “rượu khỏe” bước theo ra cửa. Chúng tôi dự định sẽ kiểm tra chất lượng có đúng như lời đồn thổi không nhưng nhìn lại bên trong hũ nhựa thấy chỉ còn xác rễ cây mà không còn giọt rượu nào. Đổ một vốc rễ cây từ hũ nhựa ra, chúng tôi hỏi Hrớ có biết loại rễ cây nào trong số này thì anh lắc đầu. Ngay cả anh Tơl (SN 1975, con trai của ông Phơ với người vợ thứ nhất) cũng không biết. Anh Tơl chỉ biết cha mình dùng các loại rễ cây này ngâm rượu uống từ rất lâu rồi. Tự tay ông lên rừng lấy về ngâm và chẳng cho ai biết chúng là loại rễ cây gì. “Ông già mới ngã bệnh mấy ngày nay, chứ tuần trước còn tự vào rừng đào rễ cây về ngâm rượu đấy. Hũ rượu khi nãy là của ông vừa ngâm, nhưng Hrớ với mấy anh em đến thăm bệnh ông uống sạch tối qua”-anh Tơl nói.

Anh Ble cho hay: Trước đây, lãnh đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện có tìm gặp ông Phơ để nghiên cứu về bài thuốc bí truyền này. Họ nhờ anh phiên dịch, dò hỏi rồi liệt kê, ghi chép tên từng loại rễ cây, đặt hàng đầy đủ 5 loại rễ tạo nên bài “thuốc khỏe” như ông Phơ đã ngâm, rồi nhờ ông này lên rừng lấy. Trước những thắc mắc của chúng tôi về kết quả nghiên cứu bài “thuốc khỏe”, ông Võ Tấn Hưng-nguyên Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang-xác nhận: Thấy bài thuốc hay, lãnh đạo huyện có giao đơn vị tìm hiểu để xây dựng bài “thuốc khỏe”. Nhưng do rào cản về ngôn ngữ nên nghiên cứu này chưa được tiến hành đến nơi đến chốn.

Ông Hưng kể, ông Phơ đưa ra nhiều loại rễ cây thuốc, tổng cộng có 5 loại chính trong bài “thuốc khỏe”. Nhưng bảo dẫn vào rừng chỉ cây tươi để đối chiếu thì ông không chịu. Ông Phơ cho rằng, giữa cây thuốc và cây độc rất khó nhận diện, nếu chọn sai chỉ cần đụng lưỡi vào là chết ngay nên ngay cả con mình ông cũng không dám giao đi lấy. Chính vì vậy, đến giờ, Phòng vẫn chưa xác định được đó là những loại rễ cây gì, muốn lấy mẫu xét nghiệm dược tính cũng khó. “Ông Phơ ngâm rượu uống rồi bảo khỏe, còn đẻ được con, chứ về đặc tính, chứng minh khoa học thì chưa nghiên cứu được. Phải đối chiếu rễ cây đó với cây sống thì mới phân tích được nó thuộc họ, chi gì, dược tính như thế nào. Chính trở ngại này khiến cho việc nghiên cứu chưa đi sâu hơn được”-ông Hưng thừa nhận.

 LÊ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.