Người “gánh nghiệp” sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người dân xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) gọi ông Kpă Jiêm là người “gánh nghiệp” trên dòng sông Ba cuộn chảy. Không chỉ là công chức cần mẫn trong công việc, ông còn thường tham gia lặn vớt những người tử vong do đuối nước. Chỉ cần có người gọi điện báo là ông vội xin phép lãnh đạo xã đến giúp gia đình người không may.

Bất chấp hiểm nguy rình rập nơi dòng nước chảy xiết, ông Jiêm đã gắn đời mình với công việc này một cách thầm lặng mà không mong được đáp đền. Bởi ông hiểu rằng mình là hy vọng cuối cùng của những gia đình đang đau đớn tột cùng vì mất người thân.

Mất cả tháng lương… vì việc nghĩa

Chỉ cần nhắc đến tên Kpă Jiêm, người dân ở khu vực dọc bờ sông Ba từ cầu Phú Cần đến cầu Ia Rmok hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, ông nổi tiếng với tài bơi lặn rất giỏi và là tay “sát cá” có hạng. Chỉ với tay không, một hơi lặn dài là ông có thể bắt được cá trốn trong hốc đá nơi nước sâu. Chính vì vậy, mỗi khi trên sông Ba xảy ra sự vụ gì là mọi người ngay lập tức nhớ đến ông. Bất kể ngày hay đêm, mưa gió hay lạnh rét, chỉ cần nghe tiếng khóc than của gia đình người bị nạn là ông có mặt.

Kể về cơ duyên đến với công việc chẳng giống ai của mình, ông Jiêm cho biết: Lần đầu tiên, ông lặn tìm được thi thể người bị đuối nước là năm 2018. Cũng kể từ đó, công việc này như cái “nghiệp” gắn với cuộc đời mình. Ông nhớ lại: Chiều hôm ấy, lúc ông đang làm việc thì có người thông báo có 2 cậu cháu ở thị trấn Phú Túc sau khi nhậu xong bèn rủ nhau ra sông Ba gần khu vực cầu Phú Cần để tắm. Thấy người cháu chới với giữa dòng nước, dù không biết bơi nhưng người cậu vẫn lao ra cứu. Kết cục, cả 2 bị dòng nước nhấn chìm.

Hiện trường các lực lượng tham gia cứu nạn tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước tại vị trí cầu Ia Rmok. Ảnh: Minh Nguyễn

Hiện trường các lực lượng tham gia cứu nạn tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước tại vị trí cầu Ia Rmok. Ảnh: Minh Nguyễn

Sau hơn 1 giờ lặn tìm nhưng thi thể của 2 cậu cháu vẫn “bặt vô âm tín”. Lúc đó, mọi người đều nghĩ thi thể họ đã trôi đi xa. Định bụng sẽ lặn lần cuối rồi lên bờ, đợi sáng mai đến tiếp tục tìm kiếm nhưng đúng lúc này tay ông Jiêm lại quờ trúng người bị nạn. Trồi lên mặt nước hít sâu một hơi dài, ông vội lặn xuống đưa nạn nhân vào bờ. “Lúc đó, người nhà nạn nhân cảm ơn rối rít, còn tôi thì cứ ngồi run cầm cập. Không phải vì lạnh mà vì sợ. Ngồi hút hết điếu thuốc rồi về nhà. Tắm gội xong, tôi lên võng nằm ngủ thiếp mê man, bỏ luôn cả cơm chiều. Người nhà nạn nhân tìm đến năn nỉ lặn tìm xác người cậu, nhưng lúc đó tôi không dám đi nữa vì còn rất sợ. Sau này nghe kể lại, 3 ngày sau, thi thể người cậu mới được tìm thấy, cách hiện trường xảy ra tai nạn hơn 3 km”-ông Jiêm nhớ lại.

Chưa hết, biết chuyện ông “cướp miếng cơm” của Hà Bá, ông ngoại ông bắt phải cúng tẩy uế theo tập tục truyền thống. Ban đầu, tưởng chỉ cúng 1 con ngan bình thường, nhưng nghi lễ yêu cầu phải có đủ 3 ghè rượu và 1 con dê. Vậy là, coi như mất hết tháng lương. “Có người không hiểu chuyện, nói mình được trả công vài chục triệu đồng nên mới có tiền cúng lớn như vậy. Mà mình có lấy tiền của ai đâu, lại còn phải bỏ tiền túi ra mua đồ cúng. Bộ quần áo mặc lúc tham gia lặn cũng bỏ đi. Giúp người mà còn mất tiền, mất dê, mất quần áo”-ông Jiêm chia sẻ.

Sau một hồi trầm ngâm, ông Jiêm tiếp tục câu chuyện: Không phải là ông không biết sợ. Lặn tìm nhiều giờ liền đôi khi đuối sức, rất nguy hiểm, nhưng do thân nhân người gặp nạn cứ nài nỉ nhờ giúp đỡ nên ông cũng đành cố gắng tiếp tục công việc. Hiểu được nỗi đau của những gia đình mất người thân mà chưa tìm được thi thể nên bất kể nắng hay mưa, đêm lạnh hay gió rét, chỉ cần nghe thông tin có người bị đuối nước là ông lại sắp xếp công việc để lao xuống dòng nước chảy xiết.

Như vụ đuối nước trên đoạn sông Ba thuộc xã Ia Rmok mới đây khiến 1 người tử vong. Nạn nhân được xác định là em Kpă H'Tiếp (12 tuổi, trú tại buôn Bluk, xã Phú Cần). Đó là vào giữa tháng 4-2023, có 6 em nhỏ từ 11 đến 15 tuổi trú tại buôn Bluk và Mlah rủ nhau ra đoạn cầu Ia Rmok tắm, chẳng may 4 em bị sảy chân xuống vùng nước sâu. Những người đánh cá gần đó nhìn thấy, cứu được 3 em, riêng Kpă HTiếp bị nước cuốn mất tích. Ông Jiêm kể: Lúc đó, khoảng hơn 16 giờ, vừa học xong lớp đảng viên mới thì lãnh đạo xã gọi điện, ông chạy ngay đến hiện trường hỗ trợ tìm kiếm. Đến gần 20 giờ thì ông và lực lượng cứu nạn mới tìm thấy thi thể em H'Tiếp.

Ông Jiêm cũng không quên nhắc đến những cuộc tìm kiếm trong vô vọng. Trong tháng 4 vừa qua, cũng ở đoạn sông này, một người đàn ông buồn chuyện gia đình đã để xe máy cùng chìa khóa dưới cầu Ia Rmok rồi mất tích. Nghi người đàn ông này tự tử, ông Jiêm tham gia cùng lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm. Sau 2 ngày ròng rã lặn tìm khắp ngóc ngách ở đoạn sông này nhưng vẫn không tìm thấy, điện thoại thì không liên lạc được. “Chúng tôi cứ băn khoăn, thời điểm này nước nông, nếu tự tử thì sẽ tìm thấy thi thể ngay. Sau này mới biết, người đàn ông trên chỉ dựng hiện trường giả để hù dọa gia đình chứ không có chuyện tự tử. Vừa tốn thời gian, công sức, vừa thấy lòng tốt của mình bị mọi người đặt không đúng chỗ”-ông Jiêm cười buồn.

Chỉ mong mình... thất nghiệp

Ông Jiêm chợt bật cười khi chia sẻ: “Tôi chỉ mong mình được… thất nghiệp dài dài đối với công việc chẳng giống ai này”. Ông cho hay, sông Ba mùa mưa nước cuồn cuộn chảy, dòng nước đục ngầu hung hãn. Ai nhìn thấy cảnh này cũng sợ nên mùa mưa thường ít xảy ra đuối nước. Nhưng vào mùa nắng, nước cạn hơn thì lại càng nguy hiểm bởi các cháu nhỏ thường rủ nhau ra đây tắm. Theo ông Jiêm, khi thủy điện chặn dòng thì vùng hạ lưu cạn nước, các bãi cát dưới lòng sông nhô lên. Nhiều người thấy vậy tưởng cạn nhưng chỗ nào có nước thì đó là dòng chảy, thường rất sâu. Cũng có trường hợp nhiều người lặn rất giỏi, nhưng cứ nhậu xong nổi hứng đi lặn bắt cá thì cũng bị đuối nước.

Ông Kpă Jiêm chia sẻ, ông chỉ mong mình... thất nghiệp dài dài đối với công việc lặn vớt những người tử vong do đuối nước. Ảnh: M.N

Ông Kpă Jiêm chia sẻ, ông chỉ mong mình... thất nghiệp dài dài đối với công việc lặn vớt những người tử vong do đuối nước. Ảnh: M.N

Nhiều năm tham gia vớt người tử vong do đuối nước, ông Jiêm tâm niệm: Đã xác định giúp dân là giúp đến nơi, đến chốn, không nghĩ đến chuyện người ta hỗ trợ gì. Chỉ mong với chút ít công sức của mình giúp cho gia đình người bị nạn vơi bớt đau buồn khi mất đi người thân. “Tôi xác định làm việc nghĩa là tự nguyện, chỉ mong cơ quan tạo điều kiện để có thời gian tham gia tìm kiếm, hỗ trợ gia đình nạn nhân. Tất cả là do lương tâm mách bảo. Đôi khi chỉ là chai nước ngọt hay bì bánh của gia đình họ mỗi lần nhớ đến là tôi cũng cảm thấy vui rồi”-ông Jiêm bộc bạch.

Bà Võ Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok: “Cấp ủy, chính quyền hoan nghênh tinh thần nhiệt tình, tích cực của ông Kpă Jiêm trong việc hỗ trợ người dân tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa. Xã cũng đã đề xuất huyện kịp thời khen thưởng đối với ông Jiêm. Ông còn là tấm gương quý khi luôn nỗ lực trau dồi năng lực chuyên môn. Dù đã ở tuổi 45 nhưng ông vẫn cố gắng vừa học vừa làm, tốt nghiệp đại học năm 2019, được kết nạp vào Đảng đầu năm 2023”.

Điều khiến ông Jiêm cảm thấy đau lòng nhất là khi tham gia vớt xác những đứa trẻ. Ông trăn trở: Phần lớn các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số thường gắn với việc nương rẫy, ít chăm lo việc học hành cũng như quản lý con cái. Trong khi đó, trẻ con thường tò mò, thích khám phá. Sau giờ học, nhiều em thường rủ nhau tắm sông mà không lường được mức độ hiểm nguy. Như vụ đuối nước của 6 em nhỏ nêu trên, các em nói với gia đình là đi mót lá thuốc nhưng khi thấy trời nóng thì bèn rủ nhau ra sông tắm, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Do vậy, theo ông Jiêm, cần phải tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm đến từng người dân, từng thôn làng thì mới giảm thiểu, ngăn ngừa tai nạn đuối nước xảy ra.

Trao đổi với P.V, bà Võ Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok-thông tin: Trên sông Ba đoạn qua xã, giáp ranh với xã Phú Cần và Chư Drăng, thường xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Trong 3 năm trở lại đây, trong xã xảy ra 1 vụ đuối nước khiến 1 người tử vong. Bên cạnh việc tuyên truyền phòng tránh đuối nước, xã thường xuyên rà soát các vị trí nguy hiểm ở ao hồ, sông suối để cắm biển cảnh báo, tổ chức dạy bơi cho học sinh tại một số trường học trên địa bàn, từ đó ngăn ngừa những vụ tai nạn thương tâm.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.