Người dân trông chờ vaccine Covid-19 sản xuất trong nước: An toàn trên hết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với hơn 811.000 liều vaccine Covid-19 của COVAX Facility về Việt Nam ngày 1-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax do công ty trong nước nghiên cứu, phát triển. Những động thái này càng tạo thêm niềm tin chiến thắng Covid-19 tại Việt Nam.

Tiêm vaccine Covid-19 cho quân nhân tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: HỒ QUANG
Tiêm vaccine Covid-19 cho quân nhân tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: HỒ QUANG


Cuộc đua về đích

Ngày 26-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu và đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm trên người. Theo GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Nano Covax rất an toàn, tạo kháng thể tốt, khả năng trung hòa virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (B117). Giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1 (với 560 tình nguyện viên), tiếp tục làm thử nghiệm đôi, đa trung tâm nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể. Dự kiến cuối tháng 4-2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thứ 2 của giai đoạn 2.

Với tiến độ này, các chuyên gia kỳ vọng đến cuối tháng 6, đầu tháng 7-2021, vaccine Nano Covax được thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn với khoảng 10.000 người. Cùng với Nano Covax, Việt Nam đang tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 thứ 2 có tên Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển. Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covivac được nghiên cứu từ tháng 5-2020. Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Vaccine Covivac cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài.

Đảm bảo hiệu quả, an toàn

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong nước đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine và đây là vấn đề an ninh sức khỏe của người dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, IVAC hiện có lợi thế là thực hiện nghiên cứu vaccine ở đa trung tâm quốc tế, được đánh giá tiền lâm sàng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ, kết quả đến thời điểm này đều có tính đồng nhất. Khi đánh giá tiền lâm sàng thử nghiệm, hiệu lực bảo vệ vaccine Covivac hiện nay khá tốt.

Để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, các dự án nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 trong nước được thúc đẩy, rút ngắn thời gian (thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ 6 tháng xuống 3 tháng; giai đoạn 3 dự kiến tiếp tục rút ngắn). Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), đến nay thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, an toàn.

Theo các chuyên gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vaccine trên nguyên tắc so sánh với các vaccine đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 của Việt Nam. “Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới chúng ta sẽ có vaccine của Việt Nam”, một chuyên gia Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cho biết. Các chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh, “chống dịch như chống giặc” nhưng hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 của Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào.

 

* Bao giờ có vaccine made in Việt Nam?

Theo Bộ Y tế, hiện vaccine vẫn đang được thử nghiệm, vì thế không thể nói chắc chắn được là bao giờ Việt Nam có vaccine. Nhưng nếu các điều kiện thuận lợi thì cũng phải hết quý 3, đầu quý 4-2021 mới chính thức có vaccine. Vì vậy, trước mắt vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như từ trước đến nay vẫn làm. Đó là thông điệp 5K + vaccine.


Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?