Người đàn ông kỳ dị: Cuộc rình mò người ném hài nhi xuống sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngồi ở sông Tiêu câu cá, tưởng cá to dính lưỡi, ai dè kéo lên bọc nilon màu đen, bên trong toàn xác hài nhi có đầy đủ tóc, tai như những con chuột.
Kỳ 2: Duyên nợ với xác hài nhi
Ông Vũ Xuân Bao sinh năm 1949, năm nay 70 tuổi, nhưng từ khi ngoài 50 tuổi, râu tóc chẳng còn sợi nào màu đen. Ông bảo, không rõ có phải làm công việc kỳ quái này, mà tóc tai bỗng dưng trắng như cước.
Không sợ Hà Bá
Sinh ra ở vùng đất ven biển Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định), cũng như bao chàng trai khác, ông Bao sống bằng nghề đi biển. Ông Bao nổi tiếng với nghề câu cá vược ở các vùng cửa sông. Không rõ có phải ông có duyên nợ với cõi âm không, mà hầu như năm nào ông cũng câu được xác chết.
Cửa Đáy rộng mênh mông, là một nhánh của sông Hồng chảy từ Ninh Bình về. Những xác chết trên hành trình từ thượng nguồn đổ ra biển thi thoảng lại móc vào lưỡi câu hoặc lưới của ông. Ngư dân gặp xác chết thường sợ xui xẻo, mang tiếng cướp cơm của Hà Bá, nên thường thả cho xác chết trôi tiếp. Riêng ông Bao không sợ Hà Bá. Gặp xác chết ông liền vớt lên bờ, gọi công an đến khám nghiệm, rồi tự tay ông mai táng cho người ta đàng hoàng, theo đúng thủ tục.
 
Hiện giờ, ở bãi cát ven cửa Đáy, vẫn còn vài chục nấm mồ hoang, toàn là xác chết trôi do ông vớt được. Những vật dụng đi theo nạn nhân như ví, giấy tờ, móc khóa xe ông giữ… đầy tủ. Cái nào có thông tin rõ ràng, thì ông thông báo cho người nhà đến nhận, cái nào không rõ thì ông cứ cất trong tủ, phòng khi có người đến hỏi, nếu trùng khớp thì ông chỉ mộ cho họ cải táng về.
Duyên nợ với xác chết
Nghề đi biển mỗi ngày một khó, cá mú mỗi ngày một cạn, không có tàu đi xa thì chỉ có nước lên bờ cày cấy. Cách đây 30 năm, ông Bao cũng bỏ thuyền lên bờ lấy vợ, vui vẻ với mấy sào ruộng. Mặc dù vậy, nếu có xác chết trôi nổi ngoài sông, có người gọi, ông đều ra tay nghĩa hiệp. Tất nhiên, công việc này là thiện tâm, chẳng được lợi lộc gì.
Là người bạo dạn trước cái chết, nên cha xứ vời ông giúp nhà thờ làm công việc của một thủ hối (còn gọi là trùm kẻ liệt) ở giáo xứ Quần Vinh. Mỗi khi có người lâm trọng bệnh, có thể không qua khỏi, ông lại xuất hiện bên họ để đọc kinh, trò chuyện, giúp người sắp ra đi được an lành, thanh thản.
Trùm kẻ liệt được giáo xứ bầu ra theo nhiệm kỳ 5 năm một lần, làm việc hoàn toàn thiện nguyện. Tuy nhiên, con chiên xứ đạo thấy ông làm tốt, nên đã 6 lần bầu thì 6 lần ông trúng cử với số phiếu 100%. Ông bảo: “Dân tín nhiệm bầu mình vì đặt niềm tin vào mình trong việc chăm sóc phần hồn cho dân chúng, mà mình không làm thì còn ra thể thống gì nữa. Chắc mình phải làm cái công việc này cho đến lúc về với Chúa thôi”.
Bà Vũ Thị Hiên, vợ ông Bao có khuôn mặt tươi vui, đôi mắt như biết nói, rất hay cười. Bà bảo, chồng bà như bóng ma trong nhà. Lắm lúc ở bên chồng mà không rõ có phải chồng mình không, hay người nhà giời phái xuống nhập vào xác hành ông ấy làm những công việc không rõ của thiên đàng hay địa phủ. Ông Bao làm việc tối ngày, chẳng kể giờ giấc, đông hè, mưa nắng. Hễ có người gọi là ông lóc cóc đạp xe lên đường. Lúc thì đi vớt xác, an táng cho người chết trôi ngoài sông, ngoài biển, nửa đêm lọ mọ dậy bảo đi bốc mộ, rồi vắng nhà có khi cả tháng để đi chăm sóc người sắp chết. Có những cụ già nằm liệt giường cả năm trời, thi thoảng lại lên cơn như sắp chết, ông Bao buộc phải ở cạnh để an ủi họ. Trước lúc họ chết, con cháu có thể vắng, nhưng người chăm sóc phần hồn, đưa họ về với Chúa thì không thể thiếu được.
Từ công việc trùm kẻ liệt này, ông tiện tay giúp luôn gia chủ làm các công việc liên quan đến “hậu cái chết” như khâm liệm, mai táng, rồi công đoạn cuối cùng là sang cát cho toàn bộ giáo xứ Quần Vinh cũng như vùng lân cận. Điều đặc biệt nhất là ông Bao không bao giờ nhận một đồng, một trinh tiền công hoặc tiền bồi dưỡng. Toàn bộ việc làm này đều xuất phát từ cái tâm. Bà Hiên, vợ ông thì gọi cái việc ông làm là “giời đày”. Bà nói vui: “Chắc kiếp trước ông ấy làm nhiều điều xấu, nên kiếp này giời hành để trả nợ ấy mà”. Còn ông thì cười bảo: “Giời nào đày được ta đây. Ta làm việc thiện là để tích đức cho con cháu!”.
Kể về công việc kỳ quặc là thu gom, làm tang lễ cho các hài nhi xấu số, ông Bao bắt đầu câu chuyện từ cái ngày cách nay 4 năm: “Hôm ấy rỗi rãi, tôi ra bờ sông Tiêu câu cá rô cho vui. Tưởng cá to dính lưỡi, ai ngờ kéo lên bịch nilon màu đen to tướng. Nhìn bịch nilon buộc chặt, rất cẩn thận, không biết là cái gì, tôi tò mò mở ra, thì lạnh cả sống lưng. Nói thật, cả đời tôi tiếp xúc với xác chết, thậm chí thối rữa, rồi xương cốt dính nguyên thịt, nhưng tôi không sợ bằng cái lần ấy. Một bọc nilon toàn là xác hài nhi. Những đứa bé có đầy đủ tay chân, tóc tai, chả khác gì những con chuột con, lợn con. Đứa to dễ đến hơn cân, đứa bé bằng ngón tay cái. Người theo đạo chúng tôi tuyệt đối cấm chuyện phá thai, coi đó là tội lỗi tày trời, là giết người man rợ, nên trông thấy cảnh đó tôi hãi lắm”.
Với người công giáo, khi mầm sống hình thành trong bụng, thì đã là một con người. Con người chết đi, thì đều được khâm liệm đúng thủ tục, linh hồn mới siêu thoát, mới về với Chúa được. Chính vì thế, ông Bao đã làm lễ khâm liệm, mai táng đàng hoàng cho những thai nhi bị bỏ trôi sông ấy.
Vụ việc vớt được một bọc hài nhi cứ ám ảnh ông Bao mãi. Suy nghĩ về những hài nhi bị thả trôi sông không thể dứt ra khỏi đầu ông. Ông Bao quyết định làm một việc kì quặc, ấy là cứ sáng sớm, ông lại đi bộ dọc bờ sông, bắt đầu từ hạ nguồn lên. Điều kì lạ là ngày nào ông cũng vớt được ít nhất một bọc nilon đen chứa hài nhi nhỏ xíu. Phạm vi tìm kiếm cứ ngược thượng nguồn kéo dần về phía thị trấn Đông Bình.
Quyết tâm thức trọn một đêm ở ven sông đoạn giáp thị trấn, và cuối cùng ông đã biết được “thủ phạm” trút những hài nhi này xuống sông, đó là bà H. Bà H. vốn là bác sĩ khoa sản của bệnh viện huyện Nghĩa Hưng. Sau khi về hưu, bà mở một trung tâm chữa bệnh riêng. Tuy nhiên, công việc chủ yếu của bà là nạo hút thai. Làm thủ công, giá rẻ, nhanh chóng, tuyệt đối bí mật, nên chị em khắp huyện kéo về nhờ bà phá bỏ thai nhi.
Mỗi ngày bà H. đều loại bỏ vài thai nhi xấu số. Bà ta không làm thủ tục chôn cất, mà cho vào túi nilon đen, rồi chờ đêm xuống ném thẳng ra sông Tiêu. Các hài nhi xấu số không làm mồi cho cá sông, cá biển, thì cũng làm mồi cho chuột bọ, chó mèo. Ngẫm đến thân phận những hài nhi xấu số, lòng ông Bao quặn thắt, ông quyết tâm giúp linh hồn những sinh linh bé bỏng được siêu thoát.
Còn tiếp…
Kiến Thức (Theo PV/ VTC)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.