Người dân Chư Bồ 1 khốn khổ vì ô nhiễm từ lò sấy cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cứ vào vụ thu hoạch cà phê, nhiều hộ dân tại thôn Chư Bồ 1 (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lại khốn khổ vì phải hứng chịu khói bụi và tiếng ồn từ 2 lò sấy cà phê trên địa bàn.

Theo ghi nhận của P.V, tại thôn Chư Bồ 1 có 2 lò sấy cà phê nằm giữa khu vực đông dân cư. Các lò sấy hoạt động liên tục, khói bụi nghi ngút, gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của các hộ dân xung quanh. Ông Lê Văn Hùng bức xúc cho biết: Hai lò sấy cà phê này hoạt động từ năm 2017 đến nay. Mỗi lần hoạt động đều thải ra lượng khói rất lớn bao trùm khu vực dân cư. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên HĐND, UBND xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Gần 1 tháng nay, lò sấy cà phê hoạt động liên tục gây ô nhiễm khu dân cư. Nhất là vào ban đêm, máy sấy phát tiếng ồn khiến bà con mất ngủ. Mặt khác, khói bụi cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”-ông Hùng cho hay.

 Lò sấy nông sản nằm trong khu đông dân cư thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ. Ảnh: H.P
Lò sấy nông sản nằm trong khu đông dân cư thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Phương


Còn chị Đ.T.T.X. thì cho biết, khói bụi và tiếng ồn đã khiến gia đình chị ăn không ngon, ngủ không yên. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường xuyên ho, quấy khóc; đồ đạc trong nhà bị bụi bám dày đặc. Mùi hôi từ lò sấy rất khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. “Năm ngoái, chúng tôi làm đơn khiếu nại, phản ánh với chính quyền địa phương cũng như nêu ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến giờ chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra xử lý dứt điểm”-chị X. chia sẻ.

Theo ông Tô Nguyên Hùng-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chư Bồ 1: Xã và thôn đã nhiều lần xuống làm việc với chủ lò sấy cà phê là bà Nguyễn Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Đoàn thì họ nói không ảnh hưởng nên tình trạng này vẫn cứ tái diễn. Đặc biệt, vào ban đêm sương xuống, khói cứ quẩn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây. “Vừa rồi họp thôn, nhiều người ý kiến về việc này và ký vào đơn kiến nghị gửi lên huyện để có biện pháp xử lý”-ông Hùng cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Kre-Chủ tịch UBND xã Ia Kla-xác nhận: Qua kiểm tra, 2 cơ sở này đều có giấy phép hoạt động mua bán cà phê, hồ tiêu, điều, mì, đậu; phơi, sấy cà phê, hồ tiêu, điều. Xã đã yêu cầu 2 cơ sở này che chắn nhằm đảm bảo môi trường, nhưng họ vẫn chưa triển khai thực hiện nên dẫn đến tình trạng khói, bụi lan ra khu dân cư. Tuy nhiên, việc di dời lò sấy đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, các lò sấy hoạt động mang tính thời vụ nên rất khó khăn để xử lý.

Liên quan đến sự việc, ông Trần Minh Phúc-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ-cho rằng: Phòng chưa nhận được văn bản báo cáo của UBND xã về việc này, cũng chưa nghe thông tin phản ánh từ người dân về tình trạng ô nhiễm do hoạt động của 2 cơ sở sấy cà phê nói trên. “Hàng năm, Phòng có kế hoạch kiểm tra, xử lý về vấn đề môi trường. Vừa rồi, chúng tôi cũng có văn bản gửi Thanh tra huyện để phối hợp tổ chức kiểm tra các cơ sở xay xát cà phê về ô nhiễm môi trường và lĩnh vực đất đai. Vướng mắc ở đây là việc xử lý ô nhiễm môi trường phải có thiết bị quan trắc để phát hiện khí thải. Tuy nhiên, Phòng hiện không có thiết bị đo quan trắc”-ông Phúc thông tin.

 

HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.