'Tôi để sẵn quả lựu đạn trong túi áo ngực, nếu bị bắt là cho nổ luôn. Mình chết nó cũng phải đổi mạng. Quyết không làm tù binh', Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân nhớ lại.
Anh hùng LLVTND Lê Khắc Xuân (thứ 4, từ phải qua, hàng đứng thứ 2) trong lễ báo công cuối tháng 12.1979. Ảnh: BĐBP
Ông vào gian buồng ở căn nhà cấp 4 nằm ven con đường liên xã Thiệu Vận (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tìm mãi mới thấy tấm bằng ghi nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, rồi bảo: “Hồi sửa nhà, phải cất vào đây” và trầm giọng: “Mấy chục anh em hy sinh, nhường sự sống, cho tôi được làm anh hùng”.
“Cho tôi ở lại với anh em bảo vệ biên giới”
Năm 1970, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Khắc Xuân vào làm công nhân tại Công ty cầu đường lâm nghiệp Thanh Hóa. Năm 1972, xung phong đi bộ đội, nhưng bị cản lại do “đi thì ai làm thống kê”.
Mãi đến tháng 2.1975, ông mới được nhập ngũ. Huấn luyện chưa xong thì đất nước thống nhất, cả Trung đoàn 14 đóng ở Lang Chánh hết ước mơ “tăng cường cho chiến trường miền Nam”. Riêng ông và 250 tân binh khác được chuyển sang CAND vũ trang (nay là bộ đội biên phòng - BĐBP), hành quân xuống TX.Thanh Hóa lên tàu ra Bắc, bổ sung cho BĐBP Lai Châu và Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).
Ông Lê Khắc Xuân lau lại tấm bằng ghi nhận Anh hùng LLVTND. Ảnh: M.T.H
Lại thêm 3 tháng huấn luyện nghiệp vụ và 1 năm đi lao động ở các đồn, cuối năm 1976, Lê Khắc Xuân mới chính thức được biên chế về Đồn BP Pha Long ở biên giới Mường Khương, Lào Cai. “Ngồi trên thùng xe tải chở gạo gần 2 ngày mới tới nơi. Ở Pha Long, mùa đông lạnh giá tuyết bám dày cả gang trên mái nhà, nhiều anh em bị thấp khớp nặng, phải ra quân”, ông Xuân nhớ lại.
Do có trình độ văn hóa, hạ sĩ Lê Khắc Xuân được chỉ huy đồn giao cho mọi việc, từ viết báo cáo, lập biên bản đến thống kê số liệu. Năm 1976, cấp trên có chủ trương trả các chiến sĩ nhập ngũ từ các cơ quan, nhà trường về nơi đi, hạ sĩ Xuân cương quyết: “Cho tôi ở lại với anh em, cùng đơn vị bảo vệ biên giới”.
Giữ từng sải nước sông Xanh
Từ năm 1977, tình hình biên giới phía bắc bắt đầu căng thẳng. Tại khu vực Pha Long, phía Trung Quốc cho người lấn chiếm 2 bãi soi dưới sông Xanh để trồng ngô và xâm nhập bờ sông bên phía Việt Nam đào dòng chảy sâu để gây sạt lở. Là đội phó vận động quần chúng, trung sĩ Lê Khắc Xuân cùng người dân biên giới liên tục bám sông Xanh làm công tác vận động, đẩy đuổi đối tượng vi phạm.
Đỉnh điểm của xung đột là đêm cuối tháng 10.1978, tổ công tác của Đại đội 117 Mường Khương đang tuần tra ven bờ sông thì bị lính Trung Quốc tấn công. Hai chiến sĩ Quân và Thực hy sinh ngay tại chỗ, cán bộ tên Ấm bị bắt cóc.
“Mãi chúng tôi mới lấy được thi hài 2 đồng chí hy sinh. Kiểm tra thấy chúng nó bắn rất gần, lỗ đạn như chiếc đũa xuyên qua người”, ông Xuân trầm giọng và kể: “Sau đấy mình cũng tổ chức biểu tình phản đối ở trung tâm xã Pha Long, khẩu hiệu là: “Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây tội ác”.
Những ngày trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, phía Trung Quốc tập trung cài cắm người, mua chuộc cán bộ - bộ đội làm cơ sở cho chúng để trinh sát, nắm tình hình và làm mọi chiêu trò phá hoại. Có thời điểm, BĐBP Pha Long bắt hàng chục đối tượng tình nghi. Ông Xuân nhớ lại, cuối năm 1978, hôm ấy ông đang trực ban đơn vị, tiếp nhận đối tượng thám báo Trung Quốc. Khi bộ đội mang cơm cho ăn, tên này hất xuống đất. “Mình thì thiếu thốn, dành từng vốc gạo nấu cháo. Thương nó cho ăn mà nó còn ngạo mạn”, ông Xuân nói.
Những ngày trước tháng 2.1979 là thời điểm cơ cực nhất của BĐBP phía bắc. Ở Pha Long, bộ đội phải túc trực canh cột mốc 24/24. Khát nước thì bẻ thân cây ngô. Đói thì chỉ có món bí xanh luộc. Đêm lạnh cóng, anh em tìm chỗ khuất gió, ôm súng tựa vào nhau ngồi ngủ, cả tháng trời không biết đến chăn màn.
Hồn ở lại Pha Long
5 giờ ngày 17.2.1979, đạn pháo Trung Quốc ầm ầm dội xuống Đồn BP Pha Long. Trung sĩ Lê Khắc Xuân chỉ huy 1 tổ chốt chặn địch và bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng. Chiến đấu từ sáng 17.2 đến tối 20.2, ai cũng cầm chắc cái chết. Đến ngày thứ 4, bị lính Trung Quốc bao vây, Chính trị viên Trần Ngọc hô quyết tử, bổ nhiệm ông Xuân làm đồn phó thay trung úy Nguyễn Anh Đức mới hy sinh và tuyên bố kết nạp Đảng cho các chiến sĩ đang bám trận địa.
“Tôi với cậu Phương đang chiến đấu thì Phương trúng đạn, cậu ấy bảo “Anh ơi em sắp chết rồi. Em giao lại súng cho anh”. Đau đớn lắm mà không kịp nghe trăn trối và vuốt mắt cho nó, vừa khóc vừa bắn kẻo lính Trung Quốc tràn lên giết anh em”, ông Xuân nhớ rành mạch và hồi tưởng: “Tôi để sẵn quả lựu đạn trong túi áo ngực, nếu bị bắt là cho nổ luôn. Mình chết nó cũng phải đổi mạng. Quyết không làm tù binh”.
Đêm 20.2.1979, trung sĩ Lê Khắc Xuân cùng những người còn sống đưa thương binh liệt sĩ về tuyến sau và quay lại địa bàn chiến đấu. Tháng 4.1979, trung sĩ Lê Khắc Xuân được thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Phó chính ủy CAND vũ trang, ký quyết định phong hàm vượt cấp từ trung sĩ lên chuẩn úy, chính thức bổ nhiệm chức danh chính trị viên phó. Ngày 19.12.1979, ông Lê Khắc Xuân được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND và về Hà Nội báo công.
Sau thời gian báo công, ông lên lại biên giới vì tình hình chiến sự căng thẳng. Mấy tháng trời, gia đình ông thấp thỏm cứ nghĩ ông đã hy sinh. Mãi đến hôm ông được phong anh hùng, một tờ báo đăng bài về ông nhưng viết sai họ thành Nguyễn Khắc Xuân, một người nhà nhìn thấy hình ông và mang về quê, mọi người mới tạm tin là ông còn sống.
Năm 1981, chuẩn úy Lê Khắc Xuân được cấp trên cho đi học cấp 3 và năm 1983 được đưa về Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP làm trợ lý tuyên truyền đặc biệt của phòng vận động quần chúng. Cuối năm 1987, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Lê Khắc Xuân xin chuyển công tác về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1990, cấp trên rút ông từ Hải đội 8 về BĐBP tỉnh làm trợ lý vận động quần chúng trong gần 10 năm. Khoảng cuối năm 1994, hàng ngàn người Mông ở các tỉnh phía bắc di cư tự do vào xã Trung Lý (H.Mường Lát) sát với biên giới Việt Nam - Lào. Liên tục mấy tháng trời, trung tá Lê Khắc Xuân cùng đồng đội trèo đèo lội suối tìm đến từng hộ dân làm công tác vận động thuyết phục để họ quay trở về quê cũ, không để bùng phát điểm nóng trên vùng biên giới vốn rất nhạy cảm.
Nhiều cán bộ ở BĐBP tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhớ: Năm 1998, trung tá Lê Khắc Xuân được bổ nhiệm chức vụ Phó đồn trưởng Đồn BP Hậu Lộc (nay là Đồn BP Đa Lộc). Một số cựu binh đã tham gia chiến tranh biên giới phía bắc nêu ý kiến “Năm 1979 đánh nhau, anh ấy đã được đề bạt đồn phó ngay tại trận địa, sau 20 năm lại vẫn như cũ, có hợp lý không?”. Nghe vậy, trung tá Xuân ôn tồn: “Mấy chục anh em đã hy sinh để tôi được sống. Mỗi ngày tôi sống bây giờ, đều có mấy chục người dõi theo nên tôi phải sống có ích, không màng tới chức vụ cấp bậc”…
Giữa năm 2007, anh hùng Lê Khắc Xuân nghỉ hưu với cấp hàm thượng tá. Ông tìm lại các đồng đội, cùng quay lại chiến trường xưa và dành thời gian viết cuốn sử cho Đồn BP Pha Long (Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai). Mấy chục năm, giờ ông mới sửa lại ngôi nhà cấp 4 nhờ sự hỗ trợ của 2 cô con gái làm giáo viên và cậu út làm kỹ sư cơ điện. Ngôi nhà của ông, phía trước vẫn giữ nguyên khung cửa gỗ bởi ông bảo đó giống như căn nhà, 40 năm trước ông sống và giữ biên giới Pha Long…
... Ngày 17.2.1979, Lê Khắc Xuân chỉ huy 1 tổ chốt chặn địch, bẻ gãy nhiều đợt tấn công, sau đó dẫn cả tổ chiếm giữ điểm cao đánh địch. Ngày 18.2.1979, địch ồ ạt xông lên chiếm đồn, Lê Khắc Xuân chỉ huy chiến đấu ở mũi chính diện, có lúc đã nhảy lên khỏi chiến hào đánh giáp lá cà. Ngày 19.2.1979, Lê Khắc Xuân chỉ huy bộ đội phản kích quyết liệt. Khi được giao nhiệm vụ tìm đường rút cho đơn vị, Lê Khắc Xuân bị địch phát hiện bao vây nhưng đã phá vây, hoàn thành nhiệm vụ. Tổ đồng chí cùng đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Riêng đồng chí diệt 90 tên. (Sách Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; NXB QĐND, 1996) |
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)