Quyết bám trụ giữa Biển Đông - Bài 1: Bán nhà để “cứu tàu”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều chủ tàu đánh cá xa bờ lừng danh một thời trải lòng, do “biển đói”, làm ăn thua lỗ, buộc phải bán tàu nhảy lên bờ đi làm thuê tứ xứ.

Từ thực tiễn khó khăn trên biển, nhiều ngư dân đã sáng kiến ra ý tưởng mới, chống lại “biển đói”, quyết bám trụ giữa Biển Đông. Ngư dân chính là lực lượng khổng lồ vừa sản xuất, vừa tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

“Tàu em gần 1.000 mã lực, mỗi lần ra khơi phải bơm dầu, mua lương thực, thực phẩm..., tổng chi phí ngót ngét gần 500 triệu đồng. Mỗi ngày phải khai thác đạt sản lượng từ 30 - 40 triệu đồng mới gọi đủ tổn, coi như mặt mày tươi tỉnh. Còn làm không có gì, thì buồn lắm, nuốt cơm không trôi, chạy tàu đi tìm đàn cá đôi khi chạy lệch điểm đánh bắt tốn thêm 1 - 2 tấn dầu” - thuyền trưởng Ngô Xuân Hoàng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trải lòng với tôi không mấy vui vẻ.

quyet-bam-tru-giua-bien-dong-bai-1-dd.jpg
Cần có chính sách mạnh để những chiếc tàu đánh cá xa bờ đủ sức ở lại nhiều ngày giữa biển khơi. Ảnh: Hải Luận

Chủ tàu bỏ đi làm phụ hồ

Tàu ông Hoàng dài trên 30m, được xem tàu lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, làm nghề mành chụp ở vùng biển quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). “Có sao nói vậy, những năm trước đây, “biển đói” theo từng vùng, nghĩa là ngư trường này khó khăn, có thể chạy sang ngư trường khác cách nhau khoảng 100 hải lý sẽ gặp “biển no”. Năm 2023 và năm 2024 coi như “biển đói” toàn tập. Tập đoàn tôi có 10 tàu bữa đi khai thác khắp nơi, từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) kéo xuống đến nhà giàn DK1, chuyến nào cũng lỗ tổn nặng nề” - ông Hoàng chia sẻ khó khăn chung.

Cả năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, tàu ông Hoàng đi biển chưa có đồng lãi nào. Tôi hỏi ông Hoàng: Vì sao không cho tàu nằm bờ để giảm bớt nợ nần? Như đụng đến tâm can sâu thẳm, viên thuyền trưởng nói trong quặn đau: “Ở thành phố Cam Ranh, có chủ tàu, lúc đầu tài sản là 2 chiếc tàu gỗ, rồi dính vô “tàu 67” (tàu đóng theo chương trình phát triển nghề cá của Nghị định 67/2014/NĐ-CP) làm ăn thua lỗ triền miên, đành bán bớt chiếc tàu gỗ để lấy tiền đập qua cứu “tàu 67”, chiếc khác bị tai nạn chìm ngoài biển mất xác. “Tàu 67” làm ăn thua lỗ hết đường cứu, ngân hàng khởi kiện chủ tàu ra tòa án để thu lại tàu. Tàu đóng trị giá 16 tỷ đồng, bán được 1,2 tỷ đồng. Chủ tàu hết đường ra biển, bỏ đi làm phụ hồ xây dựng, kiếm cơm qua ngày”.

Theo ông Hoàng, nhiều tàu đánh cá xa bờ bị thua lỗ nặng nề, đang muốn bỏ nghề, nhưng vì đang có chính sách hỗ trợ tiền dầu hàng quý của Chính phủ, coi như có khoản tiền cuối năm để sửa chữa tàu, mua sắm thêm thiết bị, trả tiền nợ... Chủ tàu giống như bị chìm xuống nước rồi, may vớ được phao cứu sinh còn hoạt động lay lắt.

Hiện nay, có nhiều ông chủ sở hữu 2 - 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, coi như ngồi trên “đống lửa”, sẵn sàng "thiêu cháy" nguồn tài chính của gia đình họ bất kỳ lúc nào. “Nhà tôi có 3 chiếc tàu mành chụp, cứ làm phép tính đơn giản, mỗi lần tàu ra khơi phải chi phí 300 triệu đồng/tàu, gia đình tôi phải bỏ ra ngót nghét 1 tỷ đồng tiền vốn, gọi là vừa sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Do làm ăn thua lỗ, năm ngoái, tôi phải bán đi 2 mảnh đất ở khu đô thị để duy trì cho chân vịt tàu xoay ngoài biển và cải tạo lại tàu, làm mới giàn phơi mực ở phía trên. Trước khi chuẩn bị cải tạo giàn phơi mực, giá mực 155.000 đồng/kg, bây giờ chỉ có 40.000 đồng/kg. Riêng khoản chênh nhau về giá thị trường, mình cũng đã điêu đứng rồi” - ông Lê Văn Quyền, Phó chủ chi hội nghề cá Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang tính toán.

Tàu lớn giết ông chủ “không gươm, không đao”

Tôi gặp ông Lê Văn Lại, chủ tàu và thuyền trưởng tàu đánh cá ở cửa biển Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Qua câu chuyện tàu lớn nằm bờ la liệt, tôi băn khoăn, ông dẫn đi ra ngoài cầu cảng, chỉ vào những chiếc tàu lớn đang nằm bờ vào thời điểm chính vụ khai thác biển. “Tàu tôi có công suất gần 900 mã lực, từng đi qua “bốn vùng chiến thuật” (tất cả vùng biển của Việt Nam), đến bây giờ phải cắn răng neo chiếc lớn ở sông, nhảy đi sang cầm tài (thuyền trưởng) làm thuê cho chiếc tàu nhỏ hơn, chủ trả “tiền chết” (lương cố định) còn thấp hơn mấy ông phụ hồ xây dựng” - ông Lại giãi bày.

ps-2.jpg
Thuyền trưởng Lê Văn Lại. Ảnh: Hải Luận

- Tại sao tàu lớn của anh lại nằm bờ, rồi đi làm thuê, nghe có vẻ sai sai? - tôi hỏi.

- Tàu lớn của tôi mỗi lần đi biển phải chi phí trên 300 triệu đồng, đi làm nghề lưới cản (rê) đường dài lấy đâu ra cá để bán, thu về đủ số tiền đó. Tàu lớn bây giờ chẳng khác nào nó giết ông chủ “không gươm, không đao”. Tàu nhỏ chi phí từ 70 - 90 triệu đồng, với số tiền này dễ xoay xở và kéo lại tiền tổn, có dư dật ra vài triệu đồng, chủ và bạn cùng chia nhau.

Trước đây, các chủ cửa hàng bán dầu thường cho tàu đánh cá bơm dầu đi đánh cá trước, tàu quay về bờ bán cá rồi mới trả tiền dầu. Bây giờ, “biển đói” la liệt, chủ tàu hay bị thua lỗ, cửa hàng dầu hạn chế cho chủ tàu nợ tiền dầu. Vì chuyến biển thứ nhất bị lỗ, không có khả năng trả tiền dầu, chuyến thứ hai lỗ tiếp, coi như tàu đó đưa vào danh sách “nợ xấu”, khó đòi.

“Mấy năm trước, nhiều chủ tàu tới nói với tôi chắc nịch: “Em bảo đảm lỡ có bị thua lỗ, cuối năm thanh toán tiền hỗ trợ dầu sẽ gửi tiền cho anh ngay”. Nợ tiền dầu 4 chuyến biển, cuối năm họ cũng xù luôn, doanh nghiệp của tôi đang bị chủ tàu đánh cá nợ mấy chục tỷ đồng. Bây giờ, tốt nhất là “tiền trao cháo múc” cho nhẹ đầu, nếu cứ tiếp tục “chiều” theo mấy ổng, doanh nghiệp của mình coi chừng bị phá sản” - một chủ doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng bán dầu trên biển ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ thông tin với tôi.

Để thực hiện loạt phóng sự này, tôi đã có cuộc điều tra “mi ni” tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... có số lượng chủ tàu, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ phải bỏ làm nghề biển, đi làm thuê trên bờ khá nhiều. Xét ở tầm quốc gia, rất cần thiết có cuộc đánh giá toàn diện để có chính sách vừa giảm bớt số lượng tàu ven bờ, làm nghề phá hoại môi trường sinh thái biển, đồng thời khuyến kích tàu xa bờ đủ mạnh để họ đủ sức kiên cường ở lại nhiều ngày giữa Biển Đông. Ngư dân chính là lực lượng hùng mạnh nhất tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhớ biển day dứt

Ông Bùi Văn Mông (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trưởng thành từ anh đầu bếp trên tàu câu mực khơi, sau đó thành chủ tàu câu mực, rồi chuyển sang nghề lưới vây khơi. Đỉnh cao nghề biển của ông Mông là sở hữu 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ. Gặp "biển đói", tàu bị tai nạn, làm ăn thua lỗ kéo dài, ông phải giải nghệ đi lên bờ làm việc khác. “Thời trai trẻ, 80% thời gian của tôi ở ngoài biển khơi, từng tung hoành ngang dọc khắp vùng biển nước ta, nhiều lần chặn đường tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép. Bây giờ, không còn cầm lái tàu chạy ra Trường Sa, nhà giàn DK1... như trước đây nữa, tôi cảm thấy nhớ biển day dứt” - ông Mông tâm sự.

Theo Hải Luận (Báo Biên Phòng)

-------------------

Bài 2: “Bậc thầy” lưới vây khơi

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.