Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Từ cậu bé đánh giày thành ông chủ chuỗi cửa hàng sửa đồng hồ

Đã hẹn trước, chúng tôi đến cửa hàng của anh Đặng Văn Trường (SN 1983) vào một chiều tối mưa gió. Cửa hàng rộng gần trăm mét vuông nằm trên con phố “tiền tỷ” tại trung tâm của Thủ đô. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, những chiếc đồng hồ đắt tiền được bày trong tủ kính sáng bóng, tạo nên không gian sang trọng và tinh tế.

Căn phòng phía trong được ngăn bằng lớp kính trong suốt, ở giữa có chiếc bàn gỗ dài, bày la liệt đồng hồ, dụng cụ sửa chữa. Gần chục học viên mặc áo blouse trắng, đeo găng tay đang chăm chú soi, sửa từng chi tiết nhỏ xíu của những chiếc đồng hồ qua chiếc kính lúp đeo ở một bên mắt. Không gian tĩnh lặng đến mức chúng tôi có thể nghe rõ từng tiếng “tích tắc”.

Trường Omega trực tiếp xử lý một “ca” khó
Trường Omega trực tiếp xử lý một “ca” khó

Rời tay khỏi chiếc đồng hồ thương hiệu Breguet đắt tiền đang sửa dở, anh Trường giới thiệu sơ qua cho chúng tôi về cơ sở của anh. Hiện anh đang là chủ của 8 cơ sở “Bệnh viện đồng hồ” ở Hà Nội và TPHCM, đã đào tạo 200 học viên, trong đó có 60 thợ kỹ thuật, cán bộ quản lý.

Để có cơ ngơi như bây giờ, anh Trường đã trải qua nhiều lần vấp ngã. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, năm 2000, anh Trường rời quê ra Hà Nội mưu sinh, làm đủ nghề từ đánh giày, bốc vác đến làm tạp vụ tại khách sạn 17A Trần Hưng Đạo. Sau đó, anh được chủ khách sạn chuyển đến làm tạp vụ cho cửa hàng đồng hồ trên phố Hàng Khay cũng do ông làm chủ. Nhờ chăm chỉ và tháo vát nên anh Trường được chủ giới thiệu sang học nghề sửa đồng hồ tại phố Hàng Bông.

“Lúc đó, được dạy nghề và có người định hướng đã là may mắn lắm rồi,” anh Trường nhớ lại. Mỗi ngày, anh bắt đầu công việc sửa đồng hồ từ sáng sớm đến tối muộn. Khi có thời gian rảnh, anh tranh thủ đi khắp phố Hàng Đào, Hàng Khay để học hỏi thêm, tìm kiếm khách hàng và giúp đỡ mọi người buôn bán.

Trường Omega cho biết, sự thành công của anh đến từ sự yêu nghề và nghề đã “bao bọc” cho anh
Trường Omega cho biết, sự thành công của anh đến từ sự yêu nghề và nghề đã “bao bọc” cho anh

Dù luôn miệt mài với công việc, có thời điểm anh Trường cũng từng chán nản và mất động lực. Năm 2003, anh được đồng nghiệp giao cho sửa chiếc đồng hồ Dunhill có giá khoảng 2.000 đô la (khoảng hơn 30 triệu đồng vào thời điểm đó - PV). Vừa lấy tuốc nơ vít để tháo đồng hồ thì anh nghe tiếng “tưng”.

“Quái, sao lại có một tiếng động lạ”, anh Trường nói. Lúc đó, anh mới ngửa chiếc đồng hồ lên, mặt số đã nứt đôi. Anh ngồi thừ ra, tay chân run lẩy bẩy, đầu nóng ran, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt. Phải mất một lúc lâu, anh mới định tâm lại và hỏi đồng nghiệp thì được biết mặt số để thay thế có giá khoảng 500 đô la, xấp xỉ bằng 10 tháng lương của anh lúc đó. Nhưng đây lại là loại khó kiếm, có khi phải nhập ở hãng về.

“Khi ấy, tìm được đồ thay thế đã khó nhưng gửi về càng khó hơn, phải mất 10 tháng tôi mới có đồ để thay và gửi lại cho khách. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Đã có lúc, tôi từng nghĩ đến việc bỏ nghề. Sau đó, khi đã tĩnh tâm lại, tôi tự nhủ đã làm nghề, không thể tránh được sơ suất. Mình cứ làm tận tâm nhất có thể. Tôi rút ra bài học quý giá, đó là phải cẩn thận, kiên nhẫn hơn, phải luôn trau dồi để không bị lạc hậu. Nếu chỉ nghĩ những khó khăn mà bỏ cuộc thì tôi đã thua ngay từ ban đầu rồi”, anh Trường kể.

Nhưng đó không phải lần duy nhất anh từng có quyết định bỏ nghề, rẽ hướng. Sau gần chục năm gắn bó với nghề, năm 2010, anh Trường tham gia cuộc thi tay nghề toàn khu vực Đông Nam Á, đạt kết quả cao nhất với 74/100 điểm.

Anh được đi tham quan, đào tạo sửa chữa đồng hồ của hãng Omega tại Thuỵ Sĩ. Cái tên Trường Omega theo anh từ đó. Sau vài tháng tập huấn, anh về nước tiếp tục làm thợ sửa đồng hồ, anh còn hùn vốn đầu tư chung với bạn làm hệ thống đồ da.

“Lúc ấy, tôi vì mải mê kiếm tiền với khoản đầu tư mới mà có những thời điểm tôi bỏ cả việc sửa đồng hồ. Được 4 năm thì hệ thống đồ da phá sản. Năm 2014, tôi quay lại và tập trung hơn việc đào tạo, sửa chữa đồng hồ và mở cửa hàng Bệnh viện Đồng hồ đầu tiên. Nếu không có nghề bao bọc, không có tôi ngày hôm nay”, anh Trường chia sẻ.

Nghẹt thở “pha” sửa đồng hồ triệu đô

Cách đây khoảng 3 tháng, Trường Omega bất ngờ nhận được đề nghị sửa chiếc đồng hồ Patek Philippe Grand Complications 5208R-001 Minute Repeater có giá gần 30 tỷ đồng. Đây là chiếc đồng hồ thuộc hàng “cực đắt và hiếm” trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Chẳng may có sơ sót nhỏ thì bán nhà đi cũng chẳng đủ tiền đền”, anh Trường nói. Phải được sự động viên, tin tưởng từ khách và suy nghĩ mất đến gần một tháng, anh Trường mới dám nhận lời.

Khác với những chiếc đồng hồ thông thường có từ 100 đến 300 chi tiết, chiếc đồng hồ này có 800 đến 1.000 chi tiết nhỏ li ti. Ngoài các chức năng của các đồng hồ thông thường như xem giờ, lịch ngày, đêm..., những chiếc đồng hồ siêu đắt này được thêm nhiều tính năng như Tourbillon (lồng xoay giúp chống tác động của trọng lực, đảm bảo độ chính xác cho đồng hồ-PV), lịch vạn niên, lịch thường niên... Đặc biệt, chiếc đồng hồ còn có chức năng điểm chuông với âm thanh độc bản.

“Như chức năng lịch vạn niên, thợ đồng hồ phải am hiểu về quy trình thời gian, địa lý. Ngày theo quy ước có 24 tiếng, nhưng với những “cỗ máy thời gian” sẽ tính toán chuẩn theo thực tế. Ngày mặt trời thực có những ngày dài 24 tiếng 16 phút, có ngày ngắn nhất chỉ có 23 tiếng 56 phút. Từ những ngày đó mới xác định được hoàng hôn và bình minh hiển thị trên mặt đồng hồ.

Người thợ cũng phải xác định thời gian tại vị trí nào, thủ đô nằm ở kinh tuyến, vĩ tuyến nào thì mới xác định được mặt trời mọc lúc mấy giờ để đặt kim vào đúng giờ đó”, anh Trường lý giải.

Anh Trường trao đổi với học viên
Anh Trường trao đổi với học viên

Theo anh Trường, với tính năng điểm chuông của chiếc đồng hồ này, mỗi bộ điểm chuông đều tiêu tốn hàng trăm giờ lắp ráp của hãng, sau đó sẽ được đặt ở trong phòng cách âm để ghi lại các sóng âm, cùng phân tích với dữ liệu âm thanh đã được phê duyệt trước đó. Mỗi chức năng được thêm vào như vậy, việc sửa chữa chiếc đồng hồ này là cực kì rủi ro. Âm thanh có thể bị bóp nghẹt khi kết hợp cùng một chức năng khác.

Khi lắp xong chi tiết cuối cùng của chiếc đồng hồ, tiếng chuông vang lên khiến tóc gáy anh Trường dựng đứng, rồi thở phào nhẹ nhõm. “Chẳng biết đến bao giờ mới lại được cầm trên tay chiếc đồng hồ giá trị như thế một lần nữa”, anh Trường nói. T.Đ

Mỗi chiếc đồng hồ khách hàng gửi gắm đều đáng trân trọng, không chỉ là về giá trị vật chất, mà còn cả về giá trị tinh thần. Nhiều khách mang đến những chiếc đồng hồ là kỷ vật của cả đời họ hoặc của người thân. “Một yêu anh có Seiko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng...”, anh Trường nhắc lại câu nói đó với chúng tôi như thể hiện sự yêu mến của đại chúng với đồng hồ và người thợ đồng hồ có trách nhiệm nâng niu, sửa chữa và gìn giữ những giá trị đó.

Theo THÀNH ĐẠT (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.