Đặc biệt, việc tốt này còn kết nối nhiều trái tim yêu thương với nhau, cùng nối vòng tay nâng đỡ, vực dậy biết bao mảnh đời kém may mắn. Nếu người nhận vui một, thì người cho vui tới mười.
Từ “cơm treo” đến “bún treo”
Gần đây, TPHCM đã xuất hiện vài quán ăn triển khai mô hình “cơm treo, bún treo”. Khách “treo” cơm thường không để lại danh tính, trả thêm phần ăn để mời người xa lạ đến sau. Đây có thể xem là một hình thức thiện nguyện gián tiếp, quán là cầu nối giữa người cho và người nhận.
Tầm 11 giờ trưa mỗi ngày, quán ăn nhỏ trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) lại có một chiếc thùng bên trong có những chiếc thẻ “cơm treo”. “Gửi đến cô chú, anh chị khó khăn. Nếu có hãy lấy dùng ạ. Chúc cô chú, anh chị ăn ngon miệng” - thông điệp quán dán trên chiếc thùng để ngay trước cửa.
Đây là mô hình do vợ chồng chị Trúc Mai thực hiện. Chị Mai tâm sự, từ khi mới mở quán đã mong muốn mang những phần cơm này đến với các cô chú có hoàn cảnh khó khăn hơn. Theo đó, mỗi phần “cơm treo” có giá 25.000 đồng, thực khách mua và treo trên mỗi tấm thẻ. Người được “bao” chỉ cần lấy thẻ đó và vào quầy gọi món như bình thường nên không cảm thấy ngại nữa.
Người nhận “cơm treo” của quán là các cô lao công, chú bảo vệ, chị bán hàng rong, người có thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Không chỉ có “cơm treo”, ở đây còn có đủ loại nước uống miễn phí từ nước lọc, trà đá đến nước sâm… Nếu hết cơm, quán sẽ treo thêm bánh để mọi người khi mở thùng ra vẫn có phần ăn khi đói lòng.
Trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn) cũng có một quán cơm treo như thế. Những miếng thịt nướng thơm phức, cơm nóng hôi hổi, chả trứng, dưa chua bày đầy khay chuẩn bị sẵn sàng… Nhân viên nhanh tay làm những hộp cơm treo, để không ai phải chờ đợi lâu. “Người cho không cần nhận được lời cảm ơn từ người nhận; ngược lại, người nhận cũng đỡ ngại khi được nhận miễn phí cái gì đó. Ở đây không có một sự ghi danh nào, chỉ là lòng tốt hiện hữu một cách thầm lặng. Tôi không gọi đây là cơm từ thiện, mà đơn giản chỉ là sự sẻ chia “miếng ăn” giữa người với người. Một hộp cơm có thể không lớn, nhưng đôi khi lại là bữa ăn đầy giá trị đối với những người khó khăn, lao động nghèo” - anh Thành Công, chủ quán cơm bộc bạch.
“Bún treo đồng giá 25.000 đồng/tô. Bạn có thể để lại một phần ăn san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng” - nội dung trên tấm biển trước quán bún của bà chủ quán Trần Thị Thúy Hồng (57 tuổi, ngụ quận 8) làm nhiều người thấy ấm áp. Bà Hồng cho biết, bán bún riêu đã được 15 năm, giờ đây treo thêm bún để bà con không có điều kiện vẫn được thưởng thức.
Mỗi sáng quán có sẵn 10 - 15 phần bún. Thực khách của “bún treo” đến rất sớm để nhận những phần ăn sáng đầy đặn, no bụng. Không chỉ bạn bè, người thân biết chuyện đã đến ủng hộ thêm những phần “bún treo”, mà cả người được nhận bún treo cũng xin treo bún cho người đến sau.
Buffet 1.000 đồng
Trong không khí rộn ràng, nhân viên nhà hàng Pink Pong Buffet (quận Tân Phú) tất bật chuẩn bị món ăn, pha nước uống, bày biện bàn tiệc với hàng chục món đủ sơn hào hải vị. Hôm nay, nhà hàng sẽ đón những vị khách VIP, đó là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người lớn tuổi, học sinh - sinh viên nghèo…
“Dạ tụi con bán chứ không miễn phí! Con xin thu mỗi người 1.000 đồng trước khi cô chú vào ăn nghen!” - anh là Đặng Đức Vinh (29 tuổi), chủ nhà hàng và là người có ý tưởng thực hiện tiệc buffet 1.000 đồng vừa nói xong, những vị khách nhanh chóng trả tiền rồi đến quầy chọn các món ăn mình thích. Lát sau, nhà hàng kín chỗ với hơn 200 thực khách, ai cũng vui vẻ, cười nói rôm rả.
Lần đầu tiên ăn buffet, chị Mai Thị Giáng (56 tuổi, quê Hưng Yên) làm nghề thu mua ve chai lúng túng vì nhiều món ăn quá, không biết chọn ra sao. Khi được nhân viên hướng dẫn, chị lấy mỗi thứ một chút, tránh lãng phí lại có thể thưởng thức tất cả các món. “Nhóm chúng tôi có 5 người. Tôi thuê nhà ở cùng với mấy chị em đến từ các vùng quê khác nhau, mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, nhặt ve chai… Lần đầu tiên chúng tôi được ăn nhiều món ngon và chỉ phải trả 1.000 đồng. Thật sự quá vui mừng” - chị Giáng tâm sự.
Thấy nhà hàng đông khách, ông Trung (65 tuổi, quê Nam Định) chống chiếc nạng gỗ, khẽ khàng đến mời mua vé số. Bất ngờ, người đàn ông không tin vào mắt mình khi nhân viên vui vẻ dìu vào chỗ ngồi và mời ăn buffet. Thấy ông đi lại khó nhọc, nhân viên lấy món và phục vụ tận nơi “Tôi bán vé số chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng/ngày, làm sao dám mơ đến việc ăn nhà hàng. Vậy mà hôm nay được ăn uống thỏa thích các món ngon, nào tôm, nào thịt bò, gỏi cuốn... Tôi rất xúc động” - ông Trung nói, giọng nghẹn ngào. Sau tiệc, ông còn được nhận thêm chục ký gạo, thùng mì tôm…
Kinh phí tổ chức buffet 1K được trích từ doanh thu của quán lẩu, chương trình duy trì mỗi tháng một lần. Nhân viên của quán - đa số là sinh viên làm thêm tự bàn bạc và ủng hộ một ngày lương để có thể mua thêm một phần đồ ăn. Nhiều người thấy chương trình ý nghĩa cũng hỗ trợ thêm quần áo, mì gói, gạo tặng người có hoàn cảnh khó khăn.
Bỗng một chàng trai trẻ với nụ cười tươi trên môi đến từng bàn trò chuyện cùng thực khách. Anh Vinh tâm sự, sở dĩ mở ra mô hình này để “trả ơn cuộc đời” vì những lúc khó khăn đã được nhiều người giúp đỡ. Vì sao không miễn phí luôn mà lại bán buffet giá 1K? Ánh mắt Vinh hiện rõ niềm vui khi thấy thực khách ăn ngon miệng, anh bộc bạch: “Tôi muốn tất cả mọi người đến đây ăn đều là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Tôi không muốn những cô chú hay các em sinh viên đến đây có cảm giác mình đang được cho, mà họ cũng phải bỏ tiền ra mua như bao người khác. Chúng tôi quan niệm “của cho không bằng cách cho”, vì vậy với khách nào cũng phục vụ hết mình”.
Anh Vinh trải lòng, với người có điều kiện, một bữa buffet không quá giá trị. Nhưng với những người trong hoàn cảnh khó khăn, một bữa trưa cũng giúp họ đỡ chút tiền để trang trải chi phí khác.
(Còn nữa)
Theo Uyên Phương (TPO)