Phố độc lạ ở TP.HCM: Trầu cau Chợ Lớn 'kết nghĩa trăm năm' đường Lê Quang Sung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm đối diện Bến xe Chợ Lớn (Q.6, TP.HCM), phố cưới hỏi trầu cau đường Lê Quang Sung đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Với gần 20 sạp và cửa hàng, nơi đây nổi tiếng nhờ những mâm trầu têm cánh phượng tinh xảo phục vụ lễ cưới hỏi.

Dọc theo đường Lê Quang Sung, chúng tôi bị cuốn hút bởi các cửa hàng chuyên dịch vụ trầu cau, cưới hỏi, giỗ chạp, lễ hội… đã tạo nên một sắc đỏ tươi tắn, không khí truyền thống sôi động giữa phố thị hiện đại.

Ở đây, các “nghệ nhân” còn khéo léo têm thành những hình thù cầu kỳ như cánh phượng, rồng, đôi uyên ương… tạo nên những sản phẩm mang ý nghĩa của sự gắn kết bền chặt, hạnh phúc.

Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn tồn tại hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM. ẢNH: UYỂN NHI
Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn tồn tại hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM. ẢNH: UYỂN NHI

Gánh trầu cau nuôi cả gia đình

Đến phố cưới hỏi, trầu cau vào chiều 14.11, chúng tôi mê mẩn với đôi tay thoăn thoắt của một người phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần, đang tỉ mẩn trang trí mâm trầu vô cùng đẹp mắt. Lân la hỏi chuyện, bà nói mình tên Phước (58 tuổi, ở Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) và có kinh nghiệm hơn một phần tư thế kỷ bám “duyên” với nghề.

Bà Phước nhớ như in, hồi trước đường Lê Quang Sung nằm bên hông Chợ Lớn này có tên Trương Tấn Bửu. Thời người ta còn ăn trầu “như mỏ khoét” thì con phố này dài chỉ 1 km nhưng có hơn 100 gánh chuyên bán trầu và cau.

Đường Lê Quang Sung có gần 20 cửa tiệm chuyên dịch vụ cưới hỏi và têm trầu cau. ẢNH: UYỂN NHI
Đường Lê Quang Sung có gần 20 cửa tiệm chuyên dịch vụ cưới hỏi và têm trầu cau. ẢNH: UYỂN NHI

Chia sẻ về cơ duyên với nghề, bà Phước trầm ngâm một lúc rồi kể lại, bà là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 3 đời có truyền thống buôn bán trầu cau. Hồi còn nhỏ, bà đã theo chân mẹ gánh trầu ra đường Lê Quang Sung để bán. Đến năm học lớp 7, bà nghỉ học rồi “dính” luôn nghiệp têm, trang trí mâm cau.

“Hồi đó vui lắm! Người bán chia thành 2 nhóm, bán riêng trầu và cau chứ không gộp chung như bây giờ. Dọc con phố này lúc nào cũng đông nghịt, nhất là vào dịp cuối năm và mùa cưới. Khi ấy, trầu cau đắt hàng lắm, mỗi ngày bán được mấy thiên, buôn một gánh trầu đủ nuôi sống cả gia đình”, bà cười nói.

Theo bà Phước, hồi trước những người buôn trầu, cau phần lớn đều đến từ xứ “18 thôn vườn trầu” (ở Bà Điểm, H.Hóc Môn). Trời chưa kịp sáng họ đã vội vã gánh cau đi từng tốp 30 - 40 người xuống thành phố để họp chợ. Đến khoảng 16 giờ, hàng chục người tập trung kéo nhau lên xe đò về lại Hóc Môn.

Bà Phước gắn bó với trầu cau hơn một phần tư thế kỷ. ẢNH: UYỂN NHI
Bà Phước gắn bó với trầu cau hơn một phần tư thế kỷ. ẢNH: UYỂN NHI

Sau nửa thế kỷ, phố cưới hỏi, trầu cau đường Lê Quang Sung vẫn nằm đó nhưng vơi dần, số lượng người mua, kẻ bán vắng bóng, chỉ còn 1/5 so với trước đây. Những người ăn trầu đều ở tuổi xế chiều, còn những người trẻ không mấy ai ưa chuộng hoặc "không biết ăn lại dễ say".

Dần dà, “miếng trầu khởi đầu câu chuyện” không còn phổ biến trong cuộc sống hằng ngày; chỉ đến những dịp lễ tết, mai mối hôn nhân, dựng vợ gả chồng… người ta mới tìm mua.

“Tôi chọn nghề bán trầu cau phần vì tôi có niềm yêu thích, phần vì nghề truyền thống của gia đình. Nghề này còn có ý nghĩa gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời của người Việt Nam ta. Mỗi khi khách đến mua trầu cau phục vụ cưới xin, tôi cũng chúc họ trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão”, bà Phước chia sẻ.

Trầu cau 'kết nghĩa trăm năm' đường Lê Quang Sung. ẢNH: UYỂN NHI
Trầu cau 'kết nghĩa trăm năm' đường Lê Quang Sung. ẢNH: UYỂN NHI

Cách quầy của bà Phước không xa, là gian hàng của vợ chồng ông Cảnh (56 tuổi, quê ở Hậu Giang). Gian hàng của ông nổi bật với những buồng cau xanh mướt, tròn bóng cùng những lá trầu tươi được xếp thành hàng rất đẹp mắt.

Trên mỗi cuống buồng cau, ông Cảnh cẩn thận đính một chiếc nơ đỏ lớn, từng quả đều được tỉ mỉ dán chữ hỷ. Mỗi buồng được sắp thêm những lá trầu xanh và 6 cánh phượng, tạo nên vẻ đẹp hài hoà, đậm chất truyền thống.

Vừa làm, ông Cảnh vừa say sưa giới thiệu ý nghĩa các con chữ. Chữ hỷ, in đậm sắc đỏ vàng nổi bật tượng trưng cho lời chúc phúc may mắn, mang đến niềm vui trọn vẹn cho các cặp đôi trong ngày trọng đại.

Không chỉ ở buồng cau, mỗi đĩa trầu cau có 12 trái, mỗi trái đều được dán một chữ phước như lời cầu chúc cho sự may mắn. "Chữ phước này thường được mang đi chùa hoặc cúng lễ rằm để gửi gắm hy vọng về sự bình an và phước lành", ông Cảnh chia sẻ đầy tâm huyết.

Ông Cảnh nói trầu, cau được nhập từ nhiều vùng miền khác nhau. ẢNH: UYỂN NHI
Ông Cảnh nói trầu, cau được nhập từ nhiều vùng miền khác nhau. ẢNH: UYỂN NHI

Thăng trầm thị trường

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cảnh nói, trầu cau bán ở đây được tiểu thương nhập từ nhiều vùng khác nhau. Tùy vào thời điểm và giá nhập, người buôn sẽ chọn nguồn hàng phù hợp.

Để phân biệt các loại cau, ông Cảnh cho hay, cau miền Trung thường có trái nhỏ, dài; trong khi đó, cau miền Tây lại nổi bật với lớp vỏ bóng mượt và quả lớn. Trầu từ xứ Bà Điểm có lá nhỏ, vàng tươi, còn cau thì vỏ mềm, trắng, ruột to, mùi thơm ngọt. Đặc biệt, loại này không quá chát, ăn nhiều cũng không gây say, khiến nhiều người ưa chuộng.

Mỗi dĩa trầu cau ông Cảnh giá 40.000 đồng, riêng buồng có giá từ 300.000 đồng. Bên cạnh trầu cau dành cho lễ cưới hỏi hay cúng kiếng, ông Cảnh còn bán sẵn những bao trầu có vôi cho khách lẻ ăn. Ông nói thêm, con phố nằm gần khu vực cộng đồng người Hoa, nơi trầu cau là một phần quen thuộc trong đời sống hằng ngày nên họ “ăn trầu đều như cơm bữa".

Theo ông Cảnh, ngày thường phố trầu cau rơi vào tình trạng ế ẩm, chỉ có những ngày cuối tuần mới có khách. ẢNH: UYỂN NHI
Theo ông Cảnh, ngày thường phố trầu cau rơi vào tình trạng ế ẩm, chỉ có những ngày cuối tuần mới có khách. ẢNH: UYỂN NHI

Sau dịch Covid-19 và sự phát triển của các cửa hàng online, phố trầu cau không còn nhộn nhịp, các tiểu thương rơi vào tình trạng ế ẩm. Ông Cảnh nói: “Những ngày thường, lượng bán đìu hiu, chỉ có vài khách lẻ đến mua. Tuy nhiên vào những ngày rằm vào những ngày cuối tuần trong mùa cưới hỏi (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau) thì lượng khách sẽ nhỉnh hơn chút”.

Ngoài ra, giá trầu cau ngày càng tăng cao khiến nhiều người trong nghề không trụ nổi. Cùng quan điểm với ông Cảnh, anh Vũ (46 tuổi, ở H.Bình Chánh, TP.HCM), là người có thời gian gần 30 năm gắn bó với nghề truyền thống này nói, hiện tại sức mua của khách giảm mạnh, tình trạng ế hàng kéo dài.

“Khi giá sỉ tăng, tôi cũng phải điều chỉnh giá bán theo. Khách hàng không hiểu thị trường thế nào, chỉ thấy cau mắc mà phàn nàn. Bán chậm quá, có khi tôi phải đổ bỏ vì bị hỏng”, anh Vũ buồn rầu nói.

Phố cưới hỏi trầu cau đường Lê Quang Sung không chỉ là nơi buôn bán mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Trong nhịp sống đô thị hối hả, nơi đây vẫn giữ được nét mộc mạc, gợi nhắc về một nét văn hóa được gìn giữ giữa lòng phố thị.

Theo Theo Uyển Nhi - Du Yên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.

Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Nguyễn Thành Nhân (tổ 9, thị trấn Kbang) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng phục vụ sản xuất. Ảnh: H.T

Quan tâm hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng - Kỳ 2: Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

(GLO)- Thực hiện chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thời gian qua, lực lượng Công an cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại Gia Lai đã tích cực rà soát, tạo điều kiện hỗ trợ họ được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng khởi nghiệp và cao hơn là đổi thay đời sống dân bản vùng biên còn nghèo khó, Ríah Dung (32 tuổi, Bí thư Đoàn xã GaRy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) trở thành người tiên phong ở vùng biên phía tây xứ Quảng.

Lửa và Chiêng

Lửa và Chiêng

Đêm ấy, trong buôn làng người Mạ, nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng người già K’Noi - Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang khắc khoải gọi bầy. Giữa khuya, tôi bất chợt tỉnh giấc.

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Dưới tiết trời se lạnh, gió đẩy từng hơi rừng mát lạnh, người dân làng Kon Ktonh tập trung lại dưới mái nhà Rông để mừng Tết ăn thịt dúi. Lâu lắm rồi, bà con mới có dịp tụ họp đông đủ, chúc nhau sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn, hạnh phúc.