Người còn lại từ "buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng sớm 5-7-1948, tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đã diễn ra một buổi lễ cảm động. Khoảng 1.000 thanh niên với vũ khí thô sơ, không quân trang, quân phục, đã đồng thanh hô vang lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.

Buổi sáng đó về sau được nhắc đến như là “buổi xuất quân” của Tiểu đoàn 307 huyền thoại, anh hùng. Khoảng 1.000 người có mặt trong “buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy” bây giờ ở Bến Tre chỉ còn mỗi mình ông…

Buổi xuất quân năm ấy

Ngày 4-7 vừa qua, tại xã Đại Điền đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tiểu đoàn 307, đồng thời khánh thành Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307 và đón nhận Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh Tiểu đoàn 307.

 

Ông Sáu Trọng trở về dự cuộc họp mặt 70 năm Ngày truyền thống Tiểu đoàn 307.
Ông Sáu Trọng trở về dự cuộc họp mặt 70 năm Ngày truyền thống Tiểu đoàn 307.

Cách đây 70 năm, vào ngày 5-7-1948, gần 1.000 chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đã làm lễ xuất quân với những lời thề như: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”, “Nguyện một lòng gìn giữ non sông”…

Có hơn 20 cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 năm xưa, giờ đều ở tuổi trên dưới 90, từ mọi miền đất nước đã về dự họp mặt. Trong số đó chỉ còn vài ba người trong tổng số gần 1.000 chiến sĩ có mặt trong “buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy”.

Tôi đã tìm đến thăm ông - người cựu binh duy nhất có mặt trong “Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy” - hiện sống ở Bến Tre, trong một ngôi nhà đơn sơ nép mình dưới rặng dừa ở phường Phú Khương, TP.Bến Tre.

Ông có cái tên dễ nhớ - Ngô Thận Trọng (Sáu Trọng). Ông quê ở huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), năm 14 tuổi ông đã thoát ly gia đình về vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) làm giao liên cho Tình báo Khu 8. Ông Trọng kể: “Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của ta từ phòng ngự chuyển sang tiến công, lãnh đạo Khu 8 thấy cần có nắm đấm đủ mạnh để tiêu diệt cấp đại đội, tiểu đoàn địch, nên đã thành lập Tiểu đoàn 307 - tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8 và cả Nam Bộ”.

Lúc ấy Sáu Trọng đang là lính của Tình báo Khu, được điều động về làm cán bộ khung của Tiểu đoàn mới thành lập, dù năm ấy ông mới 16 tuổi. Tiểu đoàn được thành lập ở vùng ĐTM ngày 1.5.1948, nhưng vì nơi đây nước nổi mênh mông, nên Tiểu đoàn phải chuyển quân về Bến Tre khô ráo để “rèn quân” và bổ sung lực lượng trước khi chính thức “xuất quân” đi đánh trận.

Suốt 2 tháng trời, các chiến sĩ được học tập chính trị, kỷ luật quân đội, huấn luyện kỹ năng chiến đấu, chiến thuật tấn công và chống địch càn quét ở cấp tiểu đoàn, diệt đồn bót cấp trung đội, đại đội địch…

“Sáng hôm ấy, gần 1.000 chiến sĩ Tiểu đoàn 307 trang bị vũ khí thô sơ, quần áo ở nhà cho cái nào mặc cái ấy, không có quân trang, đồng phục gì hết, làm lễ xuất quân. Những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất cũng chỉ khoảng 23 - 25 tuổi, còn tôi lúc đó mới 16 tuổi.

Tôi còn nhớ như in, tại lễ xuất quân, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ đọc những lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”, “Nguyện một lòng gìn giữ non sông”, các chiến sĩ hô theo…” - ông Sáu Trọng bồi hồi nhớ lại.

Trận Mộc Hóa, trận La Bang

Sau lễ xuất quân, ông Sáu Trọng cùng đồng đội vượt sông Hàm Luông, sông Tiền về vùng ĐTM chuẩn bị cho trận đánh “khai trương”. Lúc ấy, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) có vị trí chiến lược vì là trung tâm vùng ĐTM, nối liền với chiến trường Campuchia chống kẻ thù chung, là hành lang kết nối với Khu 7 và Khu 9. Nếu làm chủ Mộc Hóa, căn cứ ĐTM (nơi đặt căn cứ của Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Khu 8) sẽ vững mạnh lên nhiều, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó được giao cho Tiểu đoàn 307 (làm chủ công) phối hợp với một số đơn vị bạn. Chính anh trinh sát Sáu Trọng đã vượt qua mấy lớp kẽm gai vào tận đồn Mộc Hóa vẽ sơ đồ cho trận đánh.

Sau 2 ngày nổ súng tấn công đồn Mộc Hóa, ngày 18.8.1948 Tiểu đoàn 307 chiếm được đồn, tiêu diệt tiểu đoàn địch với khoảng 300 quân, bắt 6 tù binh, thu trên 300 súng, trong đó có cối 60 ly, trung liên, đại liên, là “hàng hiếm” thời bấy giờ.

Huyện Mộc Hóa hoàn toàn giải phóng, căn cứ ĐTM được mở rộng, nối thông với Khu 7 và Khu 9, kết nối chiến trường Việt Nam và Campuchia. Với chiến thắng trận Mộc Hóa, Tiểu đoàn 307 đã có bước khởi đầu rất ấn tượng, tạo đà cho Tiểu đoàn 307 anh hùng lẫy lừng về sau.

Sau trận đánh Mộc Hóa, uy danh của Tiểu đoàn 307 nổi như cồn, đối phương nghe tới phải khiếp sợ. Từ lợi thế đó, sau đó Tiểu đoàn 307 đã dễ dàng “ăn gỏi” trong những trận đánh nhỏ cấp trung, đại đội. Thử thách lớn tiếp theo là trận La Bang ở Trà Vinh.

Lúc đó Pháp tăng cường bình định ở vùng có nhiều đồng bào Khmer ở Trà Vinh, Tiểu đoàn 307 nhận nhiệm vụ phá tan chương trình bình định của đối phương và đồn La Bang được chọn làm nơi “so găng”. Cũng giống như trận Mộc Hóa, Tiểu đoàn 307 đã kết thúc trận La Bang một cách chóng vánh, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống nhiều tù binh Âu - Phi, trong đó có 7 sĩ quan chỉ huy.

Ông Sáu Trọng nhẩm tính, từ ngày xuất quân cho tới khi kết thúc cuộc chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 307 đã chiến đấu trên 110 trận lớn nhỏ. Trong đó có 3 trận đánh nổi tiếng là: Trận Mộc Hóa ở Long An, trận La Bang ở Trà Vinh và trận Tháp Mười ở Đồng Tháp.

Sau những trận thắng vang dội, lãnh đạo Khu 8 đã phát động trong văn nghệ sĩ sáng tác về Tiểu đoàn 307. Bài thơ “Tiểu đoàn 307” của nhà thơ Nguyễn Bính đã ra đời trong hoàn cảnh ấy, được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, nhanh chóng nổi tiếng, phổ biến khắp cả nước cho đến ngày nay. Trong bài hát có đoạn “… Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy/Cả Tiểu đoàn thề dưới Sao vàng/Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi/…/Đã chiến đấu bao năm ròng chiến đấu/Với bao thành tích huy hoàng/Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa/Vang tiếng đồn với trận La Bang…”.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chàng thanh niên mới 22 tuổi đời mà đã có 8 tuổi quân Ngô Thận Trọng đã “thận trọng” bước xuống tàu đậu ở cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) cùng đồng đội lên đường đi “tập kết”. Trên đất Bắc, ông đã học bổ túc hết bậc trung học.

Năm 1960, ông cùng nhiều đồng đội khẩn thiết xin trở về Nam chiến đấu giải phóng quê hương, nhưng cuối cùng không được đi. Không về Nam chiến đấu được, ông thi vào Đại học Bách khoa. Ra trường, ông về công tác ở Bộ Thủy lợi và lập gia đình với cô bạn “đồng môn” thời học đại học.

Đầu năm 1975, ông được điều sang Ban Thống nhất Trung ương, vượt Trường Sơn về Nam bằng cách tự lái chiếc xe Uoat. Trưa ngày 30-4-1975, ông lái chiếc Uoat theo QL13 từ Lộc Ninh về tiếp quản Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.

Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi

Trong bài hát nổi tiếng “Tiểu đoàn 307”, có một câu làm ông Sáu Trọng cứ băn khoăn, đó là: “Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn là trận La Bang”. Theo ý ông, thứ tự trận đánh phải là: Trận Mộc Hóa (tháng 8.1948), trận Lang Bang (tháng 12-1948) rồi mới tới trận Tháp Mười (tháng 6-1949). Nhưng có lẽ do trận Tháp Mười là dữ dội nhất, ác liệt nhất nên tác giả bài hát muốn đưa lên đầu.

Theo ông Sáu Trọng, do bị thua đau trận Mộc Hóa, dẫn đến khu căn cứ ĐTM của ta mở rộng, nên đối phương dốc toàn lực, đưa cả vạn quân càn vào ĐTM quyết tiêu diệt cơ quan đầu não của Khu 8 và Nam Bộ.

Hơn 1 tuần lễ càn vào ĐTM với cả thủy, lục, không quân và xe lội nước nhưng đối phương không chiếm được trận địa mà còn bị đánh tơi bời, thiệt hại nặng nên phải rút lui. Và chúng đã bị Tiểu đoàn 307 chặn đánh tơi bời. “Lúc đó tôi là trinh sát của Tiểu đoàn, luôn có mặt bên Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa.

Khi địch rút ra lối Chà Là thì bị Tiểu đoàn 307 chặn đánh, xác địch phơi ngổn ngang. Báo Thần Chung sau đó đăng tin, địch đã bị diệt 1.300 tên ở ĐTM. Về phía ta cũng hy sinh nhiều, anh Rừa Tiểu đoàn trưởng bị trúng đạn hy sinh”.

Theo ông Sáu Trọng, sau hàng trăm lần “vào sinh ra tử”, Tiểu đoàn 307 đã nhiều lần bổ sung, thay quân. Những chiến sĩ có mặt trong “buổi xuất quân” ngày 5-7-1948 cho đến cuối cuộc chiến chống Pháp vì vậy chẳng còn mấy người. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi tuổi tác ngày càng lớn, giờ cựu binh Tiểu đoàn 307 như “lá mùa thu”.

Vẫn với giọng đầy cảm xúc, ông nói: “Đến cuối cuộc chiến, tôi chuyển sang “Tình nguyện quân” ở Campuchia, nhờ vậy mà còn sống, chứ ở lại Tiểu đoàn chắc cũng “da ngựa bọc thây” như bao đồng đội rồi. Bây giờ cựu binh Tiểu đoàn 307 chúng tôi 10 năm họp mặt 1 lần. Lần họp mặt năm 2008 còn được hơn 60 người, còn lần họp mặt năm 2018 chỉ còn hơn 20 người. Có lẽ bây giờ một vài năm nên họp mặt 1 lần, chứ đợi 10 năm sau, sợ chẳng còn ai!”.

Nguyễn Phấn Đấu/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.