Những con sâu màu trắng, ngoe nguẩy trong ống tre non được vạt gần nửa thân. Như chiến lợi phẩm sau nửa ngày ngược núi, tất cả được gom nhặt và không để sót, từng con sâu được bỏ vào ống tre chuẩn bị sẵn, buộc chặt phần đầu, phòng chúng tìm cách chui ra ngoài…
Sâu tre thường xuất hiện ở những vùng có nhiều tre núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Sâu tre không dễ gì phát hiện. Sản vật vùng cao này khá hiếm, được xem như món quà đặc ân mà thần linh ban tặng.
“Vì thế, nhiều người dù ở núi nhưng chưa một lần được thưởng thức món này. Sâu tre chỉ thường được người dân chế biến món ăn cho gia đình hoặc dùng biếu tặng, rất ít bán ra thị trường” - Zơrâm Hụm, một thành viên nhóm “săn” sâu tre ở thôn Đắc Ngol (xã La Êê, Nam Giang) chia sẻ. Dù bước chân đã mỏi nhưng Zơrâm Hụm nói, anh phải quyết tâm hơn cả 100% sức lực, vì ở nhà, vợ con đang chờ…
Cuối chiều, chúng tôi vừa đặt chân về đến nhà. Hay tin Zơrâm Hụm bắt được gần 5kg sâu tre, vài người tìm đến hỏi mua, nhưng Hụm nhất quyết không bán: “Vợ em cũng ghiền món này lắm, nên chỉ dành cho gia đình thôi”. Tối hôm đó, đặc sản sâu tre trở thành món “ngon độc lạ” cho cả gia đình Zơrâm Hụm và thành viên của đoàn.
Vào rừng “săn” sâu
Cơn mưa phùn bất chợt và kéo dài suốt hành trình ngược núi. Cuối năm, những cây tre non mởn cũng đang “vào mùa”, tạo cơ hội cho quá trình sản sinh sâu tre. Sở dĩ gọi là sâu tre, bởi loài sâu này thường làm tổ bên trong thân tre, chúng dùng bột tre làm thức ăn để sinh trưởng.
Người Cơ Tu gọi sâu tre là a’trzên. Khác với các loại họ sùng và đuông, a’trzên thuộc họ sâu. Sau quá trình sinh trưởng, a’trzên sẽ chuyển sang một biến thể khác, trước khi hóa thành những con bướm núi.
Ngày trước, sâu tre thường được xem như quà tặng đầy ý nghĩa của chàng rể dành cho bố mẹ vợ hoặc đặc sản dành riêng cho tết. Không chỉ có chất dinh dưỡng cao, sâu tre mang giá trị tinh khiết, có nơi thường chọn chọn sâu tre làm lễ vật cúng thần linh vào đầu năm mới.
Chuyến đi thám hiểm rừng sâu, ngoài Zơrâm Hụm còn có thêm 2 người khác nữa, cùng chung làng Đắc Ngol, giáp biên giới Việt Nam - Lào. Gần đến trưa, chúng tôi dừng chân ở một ngọn thác, xung quanh mọc rất nhiều bụi tre. Bằng kinh nghiệm cá nhân, Zơrâm Hụm quả quyết, khu vực này có… sâu nên phân công mọi người cùng đi tìm.
“Đây rồi, một thân tre bị sâu làm tổ trong đó. Phen này không lỗ rồi!” - Zơrâm Hụm reo vui trước ánh mắt tò mò của của tôi và những người đồng hành.
Lời Zơrâm Hụm nói, quả không sai. Sau nhát rựa đầu tiên được chặt sâu vào thân tre, bên trong lộ ra những con sâu non đang ngoe nguẩy trong lớp mùn rục.
Vị trí này, theo phán đoán của Zơrâm Hụm, nếu ít sâu cũng có đủ cho một bữa ăn gia đình. Từng đốt tre được vạt âu đến nửa thân, giúp quá trình khai thác dễ dàng, tránh làm ảnh hưởng đến con sâu, cũng như giá trị dinh dưỡng của loài sâu tre quý hiếm.
Hành trình chúng tôi tiếp tục. Tôi hỏi Zơrâm Hụm, bằng cách nào mà có thể biết được thân tre nào có sâu để chặt, tránh chặt nhiều cây mà không thu hoạch được gì? Hụm cười: “Hồi mới đầu, em cũng thắc mắc như vậy. Nhưng sau vài lần theo các anh lớn tuổi đi bắt sâu, mình có thêm kinh nghiệm. Thật ra, cũng không có gì khó. Nếu chú ý quan sát thấy thân cây tre nào có chút biến dạng so với cây còn lại, đồng thời khoảng cách giữa các đốt không đều nhau hoặc theo từng khúc ngắn hơn, chắc chắn bên trong có sâu đang làm tổ”.
Hụm nói những cây tre dị dạng này, nếu vì lý do nào khác mà không chứa sâu thì cũng không thể lớn lên được, nên việc chặt ra để tìm sâu cũng không phải là lãng phí.
Hôm nọ, tôi ngồi với anh Bhling Ưm, một người chuyên săn sâu tre ở thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang). Anh Ưm kể, loài sâu này thường làm tổ bên trong cây tre non, bởi thân tre non thường khá mềm, lại có nhiều bột mịn - thức ăn chính của loài sâu tre. Chúng chỉ sinh trưởng trong khoảng vài tháng, thời điểm cuối đông nên quá trình khai thác cũng lắm gian truân.
“Không phải ai cũng có cơ hội bắt được loại sâu này. Có khi vào rừng cả buổi nhưng phải về tay không. Bởi quan trọng là kinh nghiệm, cũng như khả năng nắm bắt được chu kỳ sinh sản của loài sâu tre để thu hoạch.
Ngoài sâu, bên trong từng đốt tre ở rừng có thêm một đặc sản khác nữa, đó là dơi tre - một loài dơi chân nệm thịt, thân hình rất nhỏ, chúng khoét lỗ sống trong thân tre, chỉ có ở các vùng núi Trường Sơn Đông” - anh Bhling Ưm nói.
Đặc ân của rừng
Hôm trước, nhân chuyến công tác tại Nam Trà My, tôi ghé thăm nhà một người bạn Ca Dong tên Hồ Văn Lâm ở thôn 1 (xã Trà Vân). Lúc ra về, Lâm lấy ra từ trong tủ lạnh một bọc ny lông đựng sâu tre, ước chừng 1kg, tặng tôi mang về phố.
Đặc sản sâu tre, món ăn bổ dưỡng của đồng bào vùng cao trong ngày Tết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Hóa ra, sâu tre không chỉ có ở vùng người Cơ Tu, Tà Riềng mà gắn với đời sống của cộng đồng Ca Dong, Xê Đăng như một đặc ân của núi rừng ban tặng. Lâm nói, vài năm trở lại đây, sâu tre hiếm dần. Phải mất nhiều ngày cất công đi núi, các thợ “săn” mới mang về được vài ký, nhưng họ không bán, mà chỉ dành làm món ăn gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán sắp tới.
“Con sâu tre sau khi thu hoạch về thường được rửa sạch, rồi luộc sơ bằng nước nóng để tăng độ cứng dai. Cách này cũng giúp loại bỏ những chất tạp nhầy, thức ăn dư thừa của sâu khi còn sống. Quá trình chế biến phải hết sức cẩn thận nhẹ nhàng, tránh sâu bị nát vụn, vừa mất thẩm mỹ, lại làm giảm đi giá trị dinh dưỡng của sâu tre, khiến khi ăn không cảm nhận được vị béo đặc trưng vốn có” - Hồ Văn Lâm chia sẻ.
Cộng đồng miền núi xứ Quảng khá tương đồng về các món ẩm thực truyền thống. Vì thế, cách chế biến sâu tre cũng gần giống nhau cả thể thức chế biến lẫn hương vị. Ngoài chiên giòn hoặc xào khô, sâu tre ngon nhất vẫn là bỏ trong ống tre để nướng. Mùi khói hòa quyện cùng hương thơm của cây tre và các gia vị đặc trưng miền núi, giúp thịt sâu càng thêm béo ngậy, đầy chất dinh dưỡng.
Tôi mang món quà của người bạn Ca Dong về khoe với mẹ. Mẹ tôi nói, cũng đã hơn 30 năm bà chưa nhìn thấy, cũng như thưởng thức món đặc sản này. Lý do mẹ tôi đưa ra, một phần do ít người chịu khó vào rừng đi “săn”, phần khác sâu tre cũng dần khan hiếm ở miền núi. Vì thế, chừng hơn chục năm trở lại đây, món ăn đặc sản truyền thống này dần vắng bóng trong các bữa ăn gia đình, cũng như lễ hội truyền thống.
Mẹ tôi kể, hồi trẻ bà thường xuyên được ăn món sâu tre. Hồi đó, cứ vào những mùa thu hoạch sâu tre, cả làng cùng nhau vào rừng để kiếm. Ngoài chế biến bữa ăn chung cuối năm, sâu tre thường được dành làm ẩm thực truyền thống tiếp đãi khách quý đến thăm. Ngày tết, trên mâm đãi khách, ống sâu tre nướng hiện diện như một sản vật quý hiếm, được đồng bào Cơ Tu dành tặng cho những người thân yêu.
“Mấy năm trở lại đây, tình trạng khai thác tre nhiều quá, có nơi tre bị chặt phá không lên lại được. Tre không còn nhiều, con sâu cũng đâu còn chỗ để sinh sản nữa nên cũng hiếm dần. Do vậy, thế hệ trẻ bây giờ, nhiều người không còn biết món ăn này, cũng như nhiều thứ xưa cũ của rừng nữa” - mẹ tôi tâm sự. Hiện lên trong ánh mắt bà, một niềm sâu thẳm ùa về…