Nghe mưa đầu mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sớm nay, trong cái vắng tanh của con ngõ, tôi gõ nhẹ vào cái hộp gỗ đựng trà, nghe tiếng rỗng không. Cuối tháng 3 Âm lịch, còn một ít xuân, tôi đứng dậy pha trà như tiếc nuối một niềm xưa cũ.
Vừa mới đây thôi, tôi đặt những cuốn sách đang đọc dở trên bàn để đưa tiễn những người viết ra nó về nơi xa lắm. Ba người bạn, ba cuốn sách đều đọc dở và tôi không muốn đọc tiếp nữa. Trong cái vô cùng của khói hương, tôi thấy mùa xuân như ngôi nhà trống trải, vắng những người tài hoa mà đoản mệnh. Dường như khi ta nhận ra họ đã mất thì họ rời đi từ lâu lắm rồi. Cặp kính của họ như vẫn đặt trên bàn, cái áo khoác còn trên ghế, cây bút đặt trên cuốn sổ, những cuốn sách họ viết lấp lánh trên giá, nhưng đó chỉ còn là những bông hoa cuối ngày.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Chưa kịp nhấp ngụm trà đầu tiên, mưa đã lộp độp rơi trên mái. Mái nhà tôi khô cong, từng viên ngói mỏng cũng vang lên, như một phím đàn dưới bàn tay mưa đầu mùa với nhịp điệu kỳ diệu. Đêm qua trong một bản tin, tôi nghe nói cả miền Bắc mưa. Ngày xưa mưa, mình ở đỉnh núi Khau Tú, mưa rừng hoang dại, dữ dằn. Ngày xưa mưa, mình ở một vịnh biển, mưa trắng xóa vô thường. Rồi mưa trên đồng muối, mưa sầm sập bãi ngoài đê miền châu thổ, mưa rả rích đêm buồn dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn… Nhưng cơn mưa hôm nay như cuốn đi tất cả, ngày cũ chỉ còn ký ức. Kìa mùa đang đợi mưa, mầm xanh đang tắm mưa, những em bé đang ngóng mưa để ùa vào miền tuổi thơ ướt đẫm nụ cười, tiếng ếch đợi mưa mà râm ran, cỏ nghe mưa mà xanh nõn để trong véo tiếng sáo trẻ chăn trâu…
Mưa rồi! Mưa là cuộc đời mới của tự nhiên, tạo hóa trong mưa đều bình đẳng. Hết mầm xanh rồi hoa, hết hoa tỏa sắc hương với đời rồi trọn bổn phận của quả; mai ngày lớp vỏ trong mưa tàn rữa, nếu là tinh anh, hạt lại gửi vào đất để nảy mầm. Mầm ấy, được thì nảy nở, gặp mưa nắng khác, gặp gió bão khác lại có một phận cây cong, thẳng, kiên cường hay mềm dẻo nhưng đều sống, quả quyết sống…
Những người tài hoa đó bữa nay cùng nằm im dưới đất, trong giấc ngủ như những hạt mầm. Mưa đầu mùa cũng vỗ về họ như muôn loài. Họ đã mất cả trăm năm thơ thẩn cõi người. Con người làm mái nhà, con người giơ bàn tay che ô, nung những thanh thép đỏ để thành lưỡi thép xẻ gỗ, xẻ đá, chém vào đất nâu…, lục lọi, xoay trở để vượt lên, tiến lên phía trước. Con người thường đến muộn lắm nhưng bao giờ cũng kịp tụ họp cùng muôn loài dưới đất, trước cơn mưa đầu mùa.
Mai này ta đi, lại nghe tiếng chim hót từ cái tổ còn thơm cỏ mật mới, lại thấy hương hoa tỏa lan từ cành khô sứt sẹo, lại nghe giun dế rêu rao chuyện đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu. Mỗi ban mai bao giờ cũng chấm hết một âu lo như thế. Sớm mai, dân làng lại nô nức mùa màng, trái bắp, hạt lúa, con cá, con cua… khiến ta sao có thể dối lòng nô nức được. Sách lại mở ra, trà lại thơm và chẳng còn ai nhớ trên mái ngói nhà mình đã có bao cơn mưa đầu mùa đổ xuống, bao phận người đã khuất. Hình như, chỉ còn nghe được tên họ trong tiếng mưa. Lạ thay, càng xa vắng lại càng nghe rõ lắm.
 BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.