Tạp bút: Mùa nấm mối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã mưa đầu mùa. Mong chờ lớn dần lên sau mỗi trận mưa, như cũng được tưới đẫm nước để nảy lộc đâm chồi sau một mùa khô khát cháy đằng đẵng vắt từ tháng 10 năm trước cho tới tận tháng 3 năm sau. Sau vài cơn mưa đầu mùa, khi đất ngậm đủ nước, lá cây đủ mục để quyện với đất thành một mùi hăng nồng ẩm ướt, cỏ đủ sức để ngẩng đầu mừng rỡ vươn mầm, là nấm mối cũng đội đất đứng dậy. Những cuộc đi tìm nấm mối phập phồng hy vọng và luôn đầy bất ngờ mừng rỡ.

 

Sau một đêm mưa, sáng ta dậy thật sớm, khấp khởi cắp rổ ra vườn. Nấm mọc nhanh lắm, sáng sớm đội đất chui lên, mũ tròn vương đất còn khép chặt, mặt trời bừng lên thì cũng kịp cao thêm mấy phần, tán bắt đầu xòe dần. Đến chiều thì cây nấm đã lớn phổng. Sáng hôm sau, tán nấm đã cong vênh, nứt thành vài mảnh. Hôm sau nữa là mũ nấm bắt đầu rữa nát, cây nấm gục xuống trong niềm tiếc nuối của người rình nấm!

Ảnh internet
Ảnh internet



Trong ký ức của người già nhớ núi, mùa nấm mối là mùa no đủ, khi rừng bừng dậy, lại xanh tươi, lại rào rạt, tràn trề, khỏe khoắn. Truyền miệng nhau rằng, nấm mối chỉ mọc trên ụ mối. Vô vàn bào tử rụng xuống từ tai nấm sẽ nằm đó, dưới sự chở che của đám mối thợ, đợi cơn mưa mùa sau để bắt đầu một vòng đời mới. Nên nếu năm nay tìm thấy nấm mối ở đây, thì cứ yên tâm năm sau, năm sau nữa, cứ việc đến đó, là sẽ gặp thôi. Người giỏi ăn nấm không vội vàng nhổ ngay, mà bới đất, lấy cho bằng hết cái chân nấm trắng ngà cắm sâu xuống đất. Những cây nấm còn chưa bung tán là ngon nhất, mới có những cái chân dài ấy. Nấm đã già thì chân trồi lên sát đất, chỉ việc nhổ nhẹ. Nhưng đừng vội lấy những cái còn chưa kịp vỡ đất ngoi đầu lên, hãy để đấy, đợi thêm ngày cũng chưa muộn. Và cũng đừng cố nhặt những cây nấm đã sắp tàn, hãy để chúng lại đó cho mùa sau và những mùa sau nữa, để lại được phập phồng đợi trận mưa đầu mùa-mưa nấm mối.

Trong nỗi nhớ về những mùa nấm mối, không có loại nấm nào ngon hơn thế. Những chiếc nấm nâu nhạt hứa hẹn một nồi canh ngon với nắm rau tập tàng mọc vội sau mưa, một nồi cháo ngọt lành, một đĩa xào quyện mùi thơm của quả mướp hương non tơ vừa hái trên giàn. Nấm mối là một thứ gì đó… thần kỳ, ngon một cách trong trẻo, rạng rỡ, quyến luyến và đầy tiếc nuối. Bởi chỉ có thể gặp nấm mối đôi lần mỗi năm, trong vài ngày ngắn ngủi, nếu ta có duyên. Người già nhớ núi và người trẻ nhớ nấm mối gặp nhau, ngồi nói về mùa nấm mối trong niềm tiếc nhớ những ngày đã xa, xa lắm.

Thỉnh thoảng sau này, ra chợ, ta bất chợt gặp một rổ nấm mối. Không phải ai cũng biết nấm mối, nên vội vàng mua ngay trong một nỗi mừng như gặp được người thân đã xa lâu ngày. Rổ nấm mua được ấy, cũng vẫn tươi ngon như ngày xưa thôi, nhưng sao không thể nhận ra cái hương vị xưa cũ ấy. Có lẽ bởi thiếu mùi hương của đất, thiếu vị mát lành sau một đêm mưa, thiếu cái run rẩy khi nhận ra một vạt nấm vừa đội vỡ đất đứng dậy. Mà cũng đã lâu quá rồi, ta không còn cả được hối hả mua vội những cánh nấm mối đầu mùa mưa nữa.

Ngồi giữa cơn mưa mới chớm qua đây, chợt nhận ra trong nhà bỗng có gì khác lạ. Ngẩng đầu nhìn lên ngọn đèn sáng trắng, vần vũ một đám cánh vỗ tơi bời, tao tác. Mất một lúc mới nhận ra đó là những con mối. Bao nhiêu năm xa rừng, lần đầu tiên lại thấy mối bay vào nhà tìm đèn sau cơn mưa. Lòng không thôi tự hỏi, đám mối ấy ở đâu ngoài kia, đậu lại ở đâu trên triền sông đầy gạch đá và xà bần? Liệu có bào tử nấm mối nào đi lạc theo ngọn gió vô tình thổi từ miền nhớ ấy về đây…

 PHƯƠNG HẠ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.