Nghề mới ở thủ phủ hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người dân ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh (Gia Lai) sau khánh kiệt với cây hồ tiêu chuyển sang nghề nuôi yến đã cho thu nhập tốt, trang trải được nợ nần và còn có của ăn của để.
Khánh kiệt vì hồ tiêu
Hai địa phương trên với thương hiệu nổi tiếng Hồ tiêu Chư Sê, từng là thủ phủ của cây hồ tiêu ở Tây nguyên. Thứ “vàng đen” này từng cho thu nhập lớn khi giá hồ tiêu cách đây 6 năm lên đến 220.000 đồng/kg. Cơn sốt hồ tiêu khiến nhà nhà, người người đua nhau trồng. Nông dân trồng đã đành, cán bộ, công chức tay ngang cũng lao vào cuộc đua này.
Chỉ ít thời gian sau, tiêu xuống giá còn 50.000 đồng/kg rồi hàng ngàn héc ta tiêu bị bệnh, nắng hạn, chết hàng loạt khiến nhiều gia đình khánh kiệt, phá sản. Vùng đất trồng tiêu trở thành… tiêu điều! Dư nợ ngân hàng lên đến gần cả ngàn tỉ đồng. Nhiều nông dân phải xa xứ, kiếm tiền mưu sinh, trả lãi ngân hàng.

Một số biệt thự cũng chuyển sang nuôi yến
Một số biệt thự cũng chuyển sang nuôi yến
Những nông dân bám trụ lại trên đồng đất của mình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây ăn quả, cây dược liệu hoặc chăn nuôi. Cuộc sống của nhiều nông dân trồng tiêu đã bớt khổ khi cây trái cho thu hoạch cùng những khoản nợ được trả dần. Và nhiều nông dân có thêm nghề mới là nuôi chim yến.
Chuyện nuôi chim yến vốn không xa lạ ở các huyện phía nam và đông nam Gia Lai với nhiều gia đình đã thành công. Nhưng với các huyện Chư Sê, Chư Pưh, nghề này thực sự là lối thoát ngoạn mục cho nhiều nông dân sau khi họ chồng chất nợ nần, khốn khổ với cây hồ tiêu. Cuộc sống của nhiều nông dân nơi đây đã thực sự hồi sinh sau cơn khốn khó.
Khởi nghiệp từ nghề nuôi yến
Anh Phạm Tiến Dũng (ở TT.Chư Sê) có lẽ là trường hợp tiêu biểu trong câu chuyện này. Anh từng có 9 ha hồ tiêu với 17.000 gốc. Mua đất, vay mượn trồng được chừng ấy diện tích để trồng tiêu từ năm 2011. Khi bắt đầu thu hoạch đúng vào giai đoạn được giá, vườn tiêu của anh bỗng dưng bị bệnh chết dần, và đến năm 2014 thì cả vùng tiêu mênh mông chết không còn một cây.
Anh Dũng kể: “15 tỉ đồng đầu tư vào vườn tiêu với phần lớn là tiền vay ngân hàng lúc đó mất hết. Gia đình tôi vỡ mộng với cây hồ tiêu. Rất may các ngân hàng đã đồng hành với các giải pháp như giãn nợ, giảm lãi… Nghề nuôi chim yến đến cũng tình cờ khi hai vợ chồng phát hiện có nhiều chim yến ở khu vực gia đình mình ở. Vợ tôi lên mạng internet tìm hiểu, sẵn đam mê nên bà ấy liên lạc với những người đang làm nhà yến tìm hiểu cách làm, thị trường. Cuối cùng, tôi đã đồng ý làm thử một nhà yến sau một thời gian bị bà xã kiên trì thuyết phục”.

Nhiều nông dân đã có thu nhập lớn mỗi năm. Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều nông dân đã có thu nhập lớn mỗi năm. Ảnh: Trần Hiếu
Sau 6 năm, từ căn nhà yến đầu tiên, đến nay gia đình anh Dũng đã có 4 căn nhà yến khác sau những thắng lợi từ căn nhà yến đầu tiên. Hiện 2 căn đã cho thu hoạch với khoảng 20 kg sản phẩm yến thô mỗi tháng.
Anh Lã Văn Phóng (cũng ở TT.Chư Sê) có hai căn nhà yến với diện tích 900 m2, mỗi năm thu được khoảng 50 kg yến thô. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 300 căn nhà yến được phát triển ở hai huyện Chư Sê, Chư Pưh. Có không ít căn biệt thự trị giá tiền tỉ khi giá tiêu đang thời hoàng kim, nay cải tạo thành nhà yến.
Nhiều nông dân làm nhà yến cho biết, chất lượng yến sào Tây nguyên có giá trị cao, không hề thua kém so với ở những khu vực khác của VN. Đặc biệt, khu vực này có khí hậu rất hợp với chim yến, nguồn thức ăn phong phú từ cánh đồng rộng đến nhiều cánh rừng lớn.
Với số nhà yến hiện có ở khu vực này, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng 700 kg tổ yến. Với giá thị trường hiện dao động từ 18 - 22 triệu đồng/kg yến thô thì đây là nguồn thu lớn đối với người dân.

Trên dưới 300 nhà yến đã được xây dựng ở hai huyện Chư Sê, Chư Pưh
Trên dưới 300 nhà yến đã được xây dựng ở hai huyện Chư Sê, Chư Pưh
Tiềm năng nghề nuôi yến
Những năm gần đây, phong trào xây nhà yến phát triển rầm rộ ở hai huyện Chư Sê, Chư Pưh. Nhiều gia đình tận dụng nhà của mình cải tạo thành nhà yến. Số khác thì xây mới với diện tích từ vài trăm mét vuông cho đến gần cả ngàn mét vuông.
Ông Trần Phước Sỹ, Giám đốc Công ty yến sào Tiên Sa (trụ sở ở Đà Nẵng), cho biết: “Mấy năm nay tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của bà con hỏi về việc xây nhà yến và tôi luôn tư vấn kỹ càng, thậm chí cho nhân viên đến tận nơi khảo sát để đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bà con. Ngay cả tôi cũng có 7 nhà yến ở Gia Lai trong số 35 nhà yến từ miền Trung cho đến Tây Nam bộ, Tây nguyên. Riêng hai huyện Chư Sê, Chư Pưh tôi đã có 4 căn và đã cho thu hoạch, rất triển vọng”.
Theo ông Trần Phước Sỹ, Giám đốc Công ty yến sào Tiên Sa, người dân muốn nuôi yến cần có tư vấn tốt và người thực hiện việc xây dựng cũng như lắp đặt thiết bị có tâm, có trình độ. Nếu ở những khu vực khác cần đến 6 - 8 năm để thu hồi vốn thì ở nhiều địa phương của Gia Lai, chỉ tầm 4 - 5 năm là hoàn vốn.
Theo tính toán, chưa tính giá đất thì mỗi 1 m2 nhà yến đầu tư hết khoảng 3,5 - 3,8 triệu đồng. Số tiền này quả không hề nhỏ đối với nhiều nông dân vốn kiệt quệ sau “cơn bão” dịch bệnh, giá thấp đã tàn phá thủ phủ hồ tiêu.
“Gia Lai có rất nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi yến. Đó là khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ có thể trồng được nhiều loại cây, diện tích rừng lớn. Đây là nguồn thức ăn phong phú cho chim yến cũng như là môi trường thuận lợi cho chim yến trú ngụ, phát triển. Vì thế quần thể yến ở Gia Lai cũng như Tây nguyên ngày càng lớn. Đây là lộc trời mà không dễ gì có được ở nhiều địa phương khác của cả nước”, ông Sỹ nói.
Hiện chỉ riêng H.Chư Sê đã có 228 nhà nuôi yến đang hoạt động. Hội Yến sào H.Chư Sê cũng ra đời với hơn 100 thành viên tham gia mà anh Phạm Tiến Dũng, người tiên phong trong nghề nuôi yến của huyện, là chủ tịch hội.
Theo anh Dũng, phương hướng của Hội Yến sào H.Chư Sê tập trung bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ các chủ nhà nuôi chim yến tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử cho từng nhà yến… Tập hợp các thành viên trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý Yến sào Chư Sê phát triển bền vững.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, cho biết: “Hiện các ngân hàng thương mại chưa có chủ trương cho vay dự án nuôi yến, nghĩa là không thể thế chấp nhà yến để vay vốn, chỉ dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay thương mại. Duy chỉ có Ngân hàng Sacombank có cho vay dự án nuôi yến. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có hướng hỗ trợ Hội Yến sào Chư Sê hoạt động có hiệu quả, giúp người nuôi yến yên tâm với nghề mới”.
Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.