Ngày giãn cách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi bị cuốn, bị hút vào miếng ăn từ lúc nào? Cả tháng nay cơ thể tôi lúc nào cũng khô khát, vật vã. Đường huyết tăng vọt lên mười hai chấm, ngưỡng báo động.

Thanh niên tình nguyện thuộc tặng rau xanh cho người dân khó khăn. Ảnh: Trọng Liêm
Thanh niên tình nguyện thuộc tặng rau xanh cho người dân khó khăn. Ảnh: Trọng Liêm
Buổi chiều đang loay hoay dọn góc vườn nhỏ trên sân thượng, chợt nghe tiếng đập cửa ầm ầm. Vợ tôi càu nhàu:
- Giờ này ai mà kêu vậy trời.
- Chắc lại kêu đi xét nghiệm?
- Thôi trốn một lần, kéo ngoáy mãi âm tính cũng thành dương tính.
- Trốn sao được, không nghe thông báo nhà nào không chịu test sẽ giăng dây phong tỏa ngay sao!
- Ừ, vùng đỏ quạch thì chịu.
Dùng dằng mãi tôi cũng chạy ra mở cửa. Không có bóng dáng ông tổ phó quen thuộc. Bên đống rác trước siêu thị mini hàng chục người trong xóm đang bươi móc đống rau củ quả siêu thị mới loại bỏ cuối ngày.
Ông bảo vệ siêu thị thấy tôi ra muộn, chìa ra quả bí hơi héo đầu. Tôi ngần ngừ một lát rồi mới bảo: “Nhà còn nhiều chú ơi”. Chị hàng xóm bên cạnh kéo cánh cửa sắt chạy lao ra: “Ông không lấy cho tui”. Quả bí được chị hể hả nâng niu. Thì ra đôi khi quả bí không là quả bí như cách nói của nhiều triết gia.
Đám đông mỗi lúc một ồn ào. Mấy bó cải hư, vài trái bí đỏ đã hơi ủng, hai ba cân đậu que xám màu, chục bó hành dập được lôi vội ra từ trong mấy chiếc bao tải nằm lăn lóc cạnh đống rác cũ. Chị L. sống trong căn nhà ba tầng, đối diện nhà tôi tay vơ vội mấy nhúm rau muống còn sót lại nói như chữa thẹn: “Rau còn tươi lắm anh”. Sao lại rơi vào hoàn cảnh oái ăm này. Những người nhặt rau là những người sống trong những căn nhà bạc tỉ !?
Ông S., cư dân mới nhất của xóm, tháng tư năm ngoái, từ Hố Nai (Đồng Nai) về; mua liền hai căn nhà nhỏ, hợp khối, xây lên căn nhà bốn tầng bề thế cũng có mặt trong đám người mót rau. Anh T., bác H. cả chú V. những người giàu của xóm cũng xoay trần trong cơn nhốn nháo đó. Và tôi, tôi cũng định lao vào đám đông, giằng lấy ít rau cho bữa chiều, bữa mai, bữa mốt. Rau còn tươi xanh lắm. Chỉ là quy định siêu thị, thanh lý rau còn thừa dành chỗ cho đợt nhập rau ngày mai.
Nhiều ngày rồi nhà tôi thiếu rau. Nhưng tôi kịp dừng lại. Không kịp nhặt nhạnh. Không phải tôi thanh cao gì. Đơn giản một điều cái khẩu trang, kèm kính chống giọt bắn; bám chặt với người như bóng với hình bỏ quên trên sân thượng.
Hơn một trăm ngày phong tỏa, nơi tôi ở từ vùng xanh nhanh chóng chuyển sang vùng đỏ, vùng nguy cơ rất cao. Hai đầu phố chợ những hàng rào kẽm gai, barie, lạnh lùng, nhanh chóng dựng lên chỉ trong một buổi chiều. Khung cảnh lại càng thêm u ám khi cách vài căn lại có thêm một tấm biển báo màu đỏ rực “Nhà có ca F0 đang cách ly tại nhà”. Những đoàn nhân viên khử khuẩn, xét nghiệm, suốt ngày lùm xùm trong bộ áo xanh trùm kín, lượn lờ khắp khu phố. Vùng đỏ, nói chung nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Ba tháng quanh quẩn trong nhà, cả xóm chợ chỉ he hé cửa nhìn ra đường, sợ đến mức tưởng chừng mở toang cửa sẽ có hàng đàn hàng lũ con vi rút lơ lửng trong không khí ồ ạt tràn vào. Phố lúc nào cũng vắng tanh, dù ngày hay đêm. Vài F0 chuyển nặng được chuyển đi gấp gáp. Thi thoảng chiếc xe nhà đòn không kèn không trống, ghé đậu trước nhà nào đó, rồi vội vội vàng vàng ra đi. Cả xóm thì thầm “F0 đi nhanh quá”.
Ba tháng cái tủ lạnh trong nhà bắt đầu vơi thì đội thiện nguyện áo xanh bắt đầu tràn về khu phố, lướt qua dãy nhà mặt tiền, tiến vào khu hẻm sâu, mang theo ăm ắp rau quả. Em tôi nhà trong hẻm kế bên suốt ngày “post” (đăng) lên “face” (Facebook) những lọn rau muống, cải ngọt, mồng tơi do chính quyền và các đội thiện nguyện cứu trợ. Thấy tôi phân bì, em tôi thả cái icon (biểu tượng) mặt cười kèm dòng chữ “Anh ở ngoài đường mà ganh tị với dân trong hẻm”. Cũng phải thôi, người nghèo cần trợ giúp trước. Ai mà lo cho xuể cái ăn của 10 triệu dân!
Ngày một rồi ngày hai, những chuyến xe cứu trợ ấy vẫn cần mẫn đi ngang qua, không dừng lại trước khu nhà mặt tiền. Vợ tôi vẫn hé khung cửa chờ đợi, khát khao nghe có tiếng động của ai đó, đặt xuống một bó rau, chỉ một bó rau, rồi đi, vậy thôi. Tôi an ủi: “Nhà mình đâu khó khăn em ơi, còn biết bao người không có cơm ăn áo mặc!”.
Tôi bị cuốn, bị hút vào miếng ăn từ lúc nào? Cả tháng nay cơ thể tôi lúc nào cũng khô khát, vật vã. Đường huyết tăng vọt lên mười hai chấm, ngưỡng báo động. Ảnh hưởng của liều vắc xin Moderna mới chích hơn hai chục ngày trước chăng? Không, không phải. Cũng đâu thấy nóng sốt, khó thở gì, vị giác, khứu giác vẫn còn nguyên. Chỉ có điều không nghĩ gì khác ngoài miếng rau. Ám ảnh vì những cọng rau xanh mơn mởn, ngay cả trong giấc mơ, thậm chí hơn cả nỗi sợ những con vi rút hung hãn đang vây hãm cả thành phố.
Trời ơi sao miếng ăn lại có thể luôn hiện diện trong trí óc một người đang bước qua bên kia đỉnh dốc cuộc đời như tôi? Đôi khi tôi phải tự nhủ thầm biện hộ rằng, phải chăng người tiểu đường lâu năm, thiếu rau, cơ thể bức rức, mệt mỏi? Là hiện tượng tâm sinh lý bình thường hay tôi bị stress?
Trước đợt phong tỏa, con trai tôi cứ dặn dò ba mẹ nhớ phải chuẩn bị sẵn một ít tiền mặt. Thời buổi dịch dã, tài khoản, “séc”, sổ tiết kiệm hầu như đứng sau tiền mặt. Nhất là khi lỡ ngân hàng dừng hoạt động, mặc dầu sự cố ấy hầu như khó xảy ra. Nghe con nói, tôi cũng chuẩn bị một ít phòng khi hữu sự. Nhưng sau hơn ba tháng giãn cách giờ thì tiền cũng không thể mua rau. Đi đâu được mà mua?
Nhà tôi nằm trong phố chợ. Một cái chợ đậm chất phiên chợ quê giữa lòng phố thị. Bạn tôi đến chơi chỉ thích đứng trên ban công nhìn dòng người hối hả, đủ sắc màu ngược xuôi trước hiên nhà. Chợ tự phát, nhỏ như bàn tay, nhưng người đi chợ có khi từ Q.1, Q.3 và nhiều nơi xa xa đến. Đơn giản vì suốt đoạn đường dài ngót hai trăm mét tụ về vô số món ngon ba miền, những món quà quê hiếm hoi đã dần vắng bóng trong những ngôi chợ tiếng tăm khác .
Tương Cự Đà, trám đen Hương Sơn, cà giòn Nghệ An tìm đâu ra ở đất Sài Gòn nếu không tìm đến chiếc xe đẩy của cô bé xứ bắc dáng thấp bé, hơi đanh đá trước cổng trường N.B.N. Trái vả, mít non, mắm cá chuồn đặc sản miền trung, hiếm nơi bán lại chễm chệ ở mẹt hàng chênh chếch cuối chợ. Mẹt hàng đặc sệt Quảng Nam này thỉnh thoảng còn hút khách bằng những rỗ ớt xanh tươi rói, cay đúng vị mà thơm lừng chuyển từ Hội An vào mỗi sớm mai. Rồi bánh hỏi Bình Định, chả cá Quy Nhơn, bánh ít lá gai nổi tiếng của xứ Nẫu; rau dớn Tây nguyên và những xe mắm đồng ăm ắp mắm cá linh, cá lóc cá trê, bán kèm rổ rau nhút xanh um, bông điên điển vàng óng. Còn món đậu hũ ngon nhất nhì Sài Gòn chỉ có ở tiệm đậu hũ to như công xưởng lừng lững một góc đường hiên ngang trương tấm bảng “Đậu hũ gia truyền”.
Vậy mà giữa chợ lại thiếu chợ, thiếu rau, thiếu vang vọng cả những tiếng rao của người tứ xứ tất tả mưu sinh nơi đất khách.
Nhà tôi nằm sát hai siêu thị. Một đóng cửa từ đầu đợt dịch thứ tư vì nhân viên bị dính F0, cái còn lại dừng hoạt động theo Chỉ thị 16.
Mười ngày trước, cả hai mở cửa bán hàng nhưng chỉ bán theo đơn hàng đi chợ hộ. Tuyệt không một khách vãng lai nào có thể bước qua cánh cửa có hai ông bảo vệ cau có, lầm lì. Vợ tôi hay đứng xa hỏi vọng qua, lân la làm quen:
- Bán giùm cho cô mấy bó rau được không con?
- Không được đâu cô ơi, siêu thị con chỉ bán theo đơn.
- Thông cảm cho cô đi con. Nhà hết sạch rau rồi.
- Cô ơi cô chịu khó mua hàng qua tổ dân phố giùm con.
Biết làm sao được, thời buổi dịch dã, quân lệnh phải như sơn, như cô nhân viên bán hàng mới hòng xua con vi rút quái ác ra khỏi thành phố.
Vợ tôi lại phải mày mò cài Zalo, gia nhập nhóm chat khu phố và lên đơn hàng. Rau và chỉ rau. Nhà thiếu rau trầm trọng. Mấy ký rau mua từ tháng trước, dù bảo quản cẩn thận vẫn héo úa, thậm chí rữa ra vẫn được nhà tôi nhặt nhạnh lại để có chút gọi là rau.
Hai ngày sau điện thoại kêu tin tin, tổ phó trong nhóm “đi chợ giúp” thông báo:
- Chị T. ơi, các mặt hàng rau đều hết, chỉ còn thịt, cá.
Lại một tuần nữa mới tới phiên nhà tôi được đi chợ giúp. Lại chắc gì mua được rau củ quả.
Thịt cá thì tủ lạnh nhà tôi ê hề. Em tôi tháng trước vừa gửi mấy cân chả cá, tôm mực tươi roi rói vẫn nằm yên trong ngăn đá chưa đụng đến. Còn rau, vẫn thiếu… rau.
Mấy hội nhóm bán hàng trên mạng quảng cáo ì xèo các combo rau một trăm, hai trăm ngàn cho dăm bảy cân rau. Nhưng khi hỏi địa chỉ thì lắc đầu từ chối:
- Khu phong tỏa, cấm ship hàng anh, chị gì đó ơi.
Rốt cuộc cả tháng bảy, tháng tám, rồi qua đầu tháng chín, mâm cơm mùa giãn cách dọn lên hết củ lại sang quả, hết quả lại sang củ. Thiếu hẳn ... cọng rau xanh mướt, giòn tan. Chỉ tưởng tượng thế thôi mà... ngẩn ngơ.
Không hiểu sao những trang viết của Thạch Lam về cái đói lại dày vò tôi trong những khoảnh khắc như thế này. Một cái đói thật sự của những người đã lâu lắm không có cái gì bỏ bụng. Họ đang khắc khoải, cận kề với cái chết. Còn cái đói khác, như tôi, chỉ đơn giản thiếu vài cọng rau trong một bữa ăn không thiếu cá thịt. Sự so sánh khiến đầu tôi nóng bừng, tràn ngập sự xấu hổ. Hình như ba tháng cuồng chân trong nhà, bị bủa vây trong dịch bệnh, cô đơn và cái chết làm người ta dễ bị stress hoặc ít nhất lâm vào tâm trạng thiếu cân bằng. Nếu không vượt được ranh giới ấy, có khi cái nhỏ nhoi, bé mọn sẽ có thể dẫn dắt con người đi vào những ngõ hẹp của keo bẩn, tầm thường.
Ba tháng nhà tôi thiếu rau, nhưng ba tháng những công nhân thất nghiệp vẫn sống bám trong những khu nhà ổ chuột chỉ vài ba mét vuông; cầm cự với những tô mì gói, ngày qua ngày. Hàng chục nghìn y bác sĩ từ vùng ngoài vào làm việc trong các bệnh viện dã chiến, đôi khi chỉ qua bữa với mấy phần ăn đơn giản khô không khốc, zoom cận cảnh không hề một cọng rau.
Đồng bào thành phố tôi ở hơn 300.000 người đã trở thành bệnh nhân F0. 11.000 người đã ra đi không một nén nhang, không cả một bát cơm kèm quả đưa tiễn. Không nói đâu xa hai vợ chồng anh lớp trưởng đại học của tôi mới mất tuần trước vì Covid. Hai vợ chồng mất cách nhau đúng hai ngày. Gia đình vẫn loay hoay chờ đón tro cốt, không biết bao giờ mới trở về đến nhà. Còn tôi vẫn loay hoay với câu hỏi: Rau đâu, rau đâu?
Tôi thẫn thờ nhìn lên vách tường, nơi tôi hằng ngày đi ra đi vào, bức tranh tháp thực phẩm dinh dưỡng dành cho người tiểu đường lồ lộ. Tầng một rau xanh, tầng hai vẫn rau xanh. Loại rau này 300 g, quả kia 200 g mỗi ngày... Thì ra, cái quy tắc rau xanh mà tôi tuân thủ nghiêm nhặt 25 năm qua, ám ảnh tôi suốt mấy tháng dịch bệnh. Tôi ngần ngừ vài giây, giật xuống, ném vào một góc gầm cầu thang tối.
Nước mắt tôi ứa ra.
Ngày mai tôi sẽ dọn đất làm lại vườn rau nơi khoảnh sân bé tí ở một góc tầng hai. Và chỉ hơn tháng nữa chắc chắn vườn rau sẽ lại tươi xanh. Hệt như cơn đại dịch, hung dữ đến cách nào, vài tháng cũng phải biến mất. 
Theo Ngô Quang Hiển (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.