Ngành nông nghiệp Gia Lai nâng cao khả năng thích ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai duy trì được đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Đây là cơ sở để ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, hướng đến những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.

Duy trì đà tăng trưởng cao

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan: Năm 2023, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản của tỉnh là 34.360 tỷ đồng, đạt hơn 96% kế hoạch, tăng 7,18% so với năm 2022. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế khi chiếm tỷ trọng 28,27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030…

Theo đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 7.100 ha cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; có hơn 48.400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng 255.670 ha cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO...

Mô hình trồng dứa tập trung, quy mô lớn trên địa bàn huyện Đak Đoa. Ảnh: L.N

Mô hình trồng dứa tập trung, quy mô lớn trên địa bàn huyện Đak Đoa. Ảnh: L.N

Việc tổ chức sản xuất, quản lý và nâng cao chất lượng nông sản được quan tâm, nhất là cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tiêu chuẩn nhằm đảm bảo thủ tục của nước nhập khẩu, góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Trong năm qua, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật cùng các địa phương luôn đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Năm 2023, Gia Lai được cấp 117 mã số vùng trồng và 12 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.330 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.395-1.545 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ...

Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã hình thành các chuỗi liên kết, phát triển sản xuất gắn với chế biến. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 237.346 ha cây trồng các loại thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng tham gia liên kết gồm 88 HTX, 72 tổ hợp tác, hơn 23.800 hộ nông dân và 61 doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho hay: Hàng năm, HTX liên kết với các doanh nghiệp cung ứng trên 40 tấn giống lúa các loại có năng suất, chất lượng cao và trên 100 tấn phân, thuốc bảo vệ thực vật cho hộ thành viên và hộ dân trên địa bàn huyện. Hình thức thực hiện theo mô hình liên kết cung ứng tập trung, cho nợ, không tính lãi đến cuối vụ mới thanh toán.

Đồng thời, HTX xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống khoảng 145 ha với cơ cấu các loại giống LH12, TBR225, J02, Đài Thơm 8, ST24, ST25, TBR39 và các bộ giống lúa nếp chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 8,5 tấn/ha. Mỗi năm, HTX thu mua trên 600 tấn lúa để chế biến gạo mang thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Các sản phẩm của HTX đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp cho các hộ thành viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Người dân huyện Phú Thiện sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam

Người dân huyện Phú Thiện sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam

Cũng trong năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 680 triệu USD, tăng 3,03% so với năm 2022. Trong đó, nổi bật là sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 230.000 tấn, giá trị đạt 490 triệu USD, tăng 4,26% so với năm 2022. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, trái cây, sản phẩm gỗ… đã có mặt tại gần 50 quốc gia.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) cho biết: Năm 2023, Công ty đã sản xuất và kinh doanh hơn 151,5 tấn cà phê nhân, doanh thu đạt 280 triệu USD, là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đứng vị trí thứ 2 tại Việt Nam.

Ngoài ra, Công ty đã triển khai được các hoạt động liên kết sản xuất cà phê bền vững với gần 15 ngàn hộ nông dân, mở rộng hợp tác thêm với 11 doanh nghiệp và đại lý thu mua.

Nâng cao khả năng thích ứng

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản đạt 36.484 tỷ đồng, tăng 6,18% so với năm 2023; tổng diện tích gieo trồng khoảng 587.193 ha; tổng đàn trâu 14.500 con, đàn bò 496.000 con, đàn heo 864.000 con; bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng mới 9.000 ha rừng; khoán quản lý, bảo vệ 145.000 ha rừng; khai thác rừng trồng đạt 200.000 m3; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%; có thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40 thôn, làng đăng ký đạt chuẩn theo tiêu chí mới.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ với các tiêu chí và cách làm cụ thể; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao mức đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.


Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Năm 2024, huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với quy mô tập trung để thuận lợi cho đầu tư và phát triển bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa các giống mới có ưu thế vượt trội vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường; thực hiện có hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các loại cây trồng thế mạnh như: lúa, mía, khoai lang. Trong đó, phát huy tốt vai trò của HTX là cầu nối, đại diện cho các hộ dân để ký kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: Huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia liên kết sản xuất, dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đối với các sản phẩm chủ lực của huyện.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Toàn ngành cần tập trung tăng cường quản lý về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp; tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác dự báo về thị trường, giá cả để định hướng sản xuất nông nghiệp cho người dân, HTX, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo công tác phòng-chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định về công tác phòng-chống dịch bệnh. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh bố trí kinh phí hợp lý hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các địa phương; tăng cường công tác phòng-chống thiên tai, quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ công tác trồng rừng, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đề xuất xử lý các trường hợp người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp trên đất nông nghiệp, kết hợp giải quyết vấn đề sinh kế để trồng rừng, liên doanh, liên kết trồng rừng; đo đạc cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng. Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

Đặc biệt, tiếp tục làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để tham mưu xử lý vấn đề vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr, triển khai thi công dự án thủy lợi Ia Thul...

Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, mã số vùng trồng, hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.