Ngành nông nghiệp Gia Lai: Một năm nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và giá nông sản bấp bênh, nhưng nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã gặt hái nhiều thành công khi có 107 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, Gia Lai nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước.

Chương trình OCOP vượt chỉ tiêu đề ra

Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã có 149 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3-4 sao, vượt 89 sản phẩm so với kế hoạch giai đoạn 2018-2020. Chương trình đã thu hút 103 doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân tham gia.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai và lãnh đạo Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Diệp Tấn
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai và lãnh đạo Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Diệp Tấn


Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, nhất là sự nỗ lực của các chủ thể có sản phẩm tham gia nên Chương trình OCOP bước đầu đem lại nhiều kết quả thiết thực. Đến nay, toàn huyện có 19 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm được công nhận bắt đầu khẳng định được giá trị và thương hiệu trên thị trường, lượng tiêu thụ ngày một tăng.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương mại cũng như: tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý bán hàng cho chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết.

Thời gian qua, huyện Chư Pưh cũng có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP để nâng tầm thương hiệu sản vật địa phương. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: “Chương trình OCOP đã thu hút nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia. Ngoài kinh phí của tỉnh, hàng năm, huyện còn hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến, quảng bá kết nối tiêu thụ tại một số tỉnh, thành trong cả nước”.

Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai (GAUC) khai trương điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Diệp Tấn
Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai (GAUC) khai trương điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Diệp Tấn


Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: “Sau gần 2 năm triển khai Chương trình OCOP, các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chương trình một cách bài bản, góp phần đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thuận lợi của chương trình là nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương và các chủ thể. Sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh có bước tiến về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng về mẫu mã, có tem truy xuất nguồn gốc và đảm bảo các điều kiện về sản phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đã thấy được lợi ích nên tích cực tham gia Chương trình OCOP”.

Những kết quả khả quan

Năm 2020, sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, góp phần vào sự phát triển ổn định của tỉnh. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) là 30.186 tỷ đồng, đạt 100,52% kế hoạch, tăng 5,84% so với năm 2019, trong đó, nông nghiệp tăng 5,92%, lâm nghiệp tăng 1,04%, thủy sản tăng 4,24%.

Dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát, công tác phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi được quan tâm chỉ đạo, ngăn ngừa kịp thời không để lây lan; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai có kết quả; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp-nông thôn được củng cố.

Đặc biệt, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp tiếp tục được nhân rộng. Bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả, rủi ro cao sang trồng cây ăn quả. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục héc ta đến vài trăm héc ta với nhiều loại cây trồng như: cà phê, cao su, cây ăn quả, lúa, bắp, rau đậu các loại...

Gian hàng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai tại Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai năm 2020. Ảnh: Diệp Tấn
Gian hàng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai tại Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai năm 2020. Ảnh: Diệp Tấn


Bên cạnh đó, công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn được quan tâm đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi kiên cố (trong đó có 8 công trình xây dựng mới) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha, trong đó có 36.844 ha lúa, 30.567 ha rau màu và cây công nghiệp. Các công trình thủy lợi đã phát huy năng lực, đảm bảo hiệu quả khai thác trên 70% năng lực thiết kế; công trình được vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt.

Toàn tỉnh có 276 công trình cấp nước tập trung nông thôn, giải quyết cơ bản nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho hơn 100.600 người, chiếm khoảng 10% dân số nông thôn; góp phần hoàn thiện hạ tầng khu vực nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025) của tỉnh và của ngành. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao mức đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào nông nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả hơn và xây dựng nông thôn mới...

“OCOP là chương trình khởi nghiệp toàn dân nên cần tập trung nguồn lực để thực hiện, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát triển sản phẩm đã có, tập trung đa dạng chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia; phấn đấu mỗi năm có 50 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh, đến cuối năm 2025 có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Chú trọng phát triển thương hiệu OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tổ chức các sự kiện triển lãm, khảo sát, phân tích thị trường, củng cố cơ sở hạ tầng, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với nhiều chủ đề tập trung theo từng năm”-ông Nghĩa thông tin.

 

DIỆP TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.