Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua mô hình cửa hàng OCOP Việt Nam tại Gia Lai, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) mong muốn đưa những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó mở ra cơ hội kết nối giao thương vùng miền giữa các chủ thể sản phẩm OCOP để phát triển bền vững.

Những ngày đầu của tháng 12, Cửa hàng OCOP Việt Nam-Món quà Tây Nguyên (151 Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) đã đi vào hoạt động. Hiện có trên 30 sản phẩm OCOP của Gia Lai và hơn 10 tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi… được trưng bày tại đây. Song song với mô hình cửa hàng offline, hệ thống website Món quà Tây Nguyên cũng được kích hoạt ứng dụng mua hàng online nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.     

 Cửa hàng OCOP Việt Nam-Món quà Tây Nguyên (TP. Pleiku) hiện có hơn 30 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền trên cả nước. Ảnh: Sơn Ca
Cửa hàng OCOP Việt Nam-Món quà Tây Nguyên (TP. Pleiku) hiện có hơn 30 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền trên cả nước. Ảnh: Sơn Ca


Thông qua “sân chơi” thu nhỏ này, các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa có cơ hội mở rộng thị trường nội địa sẽ được bắc cầu kết nối giao thương với các sản phẩm OCOP tiêu biểu của các tỉnh, thành đã có thương hiệu trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Kim Phương-chủ cơ sở bò khô Tùng Phương Du Ký Gia Lai (TP. Pleiku) chia sẻ: “Các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia mô hình Cửa hàng OCOP Việt Nam tại Gia Lai rất đa dạng. Một số chủ thể là doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn mạnh tại thị trường phía Bắc, phía Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP Gia Lai. Đây là điều rất cần thiết cho các nhà sản xuất như chúng tôi”.

Điểm chung của hầu hết các chủ thể sản phẩm OCOP là làm rất tốt khâu sản xuất, có sản phẩm đạt chất lượng nhưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, Cửa hàng OCOP Việt Nam tại Gia Lai sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

“Mong muốn lớn nhất của nhà sản xuất là tạo được chuỗi phân phối sản phẩm OCOP Gia Lai đi khắp mọi miền đất nước. Khi đưa sản phẩm của mình vào cửa hàng sẽ tạo được kênh phân phối ổn định và giúp các chủ thể sản phẩm OCOP bớt gánh nặng tìm đầu ra cho sản phẩm để tập trung sản xuất ra hàng hóa ngày càng đạt chất lượng cao”-bà Nguyễn Thị Thu-chủ cơ sở sản xuất cà phê Mybella (huyện Chư Păh) bày tỏ.

Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) cho rằng: Trở ngại lớn nhất của sản phẩm OCOP vẫn là khâu tiếp cận với người tiêu dùng. Điều này cho thấy, việc đầu tư xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng và hiểu rõ sự khác biệt về chất lượng là bước đi cần thiết đưa sản phẩm OCOP tiến xa hơn.

Bà Phạm Thị An-chủ Cửa hàng đặc sản vùng miền Linh An (Hải Phòng) cho biết: “Thông qua hoạt động giao lưu kết nối, tôi quyết định đưa sản phẩm OCOP rượu mơ Song Lộc vào đây. Người tiêu dùng sẽ tự so sánh khi họ trải nghiệm sản phẩm tại chỗ. Sản phẩm tự nhiên luôn khác biệt so với sản phẩm có can thiệp”.

Với tinh thần vì sự phát triển của cộng đồng và không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, thời gian qua, một số chủ thể sản phẩm OCOP Gia Lai và Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai đã nỗ lực kết nối, đặt nhiều tâm huyết cho việc thực hiện Cửa hàng OCOP Việt Nam-Món quà Tây Nguyên ngay tại TP. Pleiku.

“Mô hình Cửa hàng OCOP Việt Nam là tâm huyết của những chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP Gia Lai. Chúng tôi mong muốn kết nối sức mạnh cộng đồng OCOP trong nước, tạo ra sân chơi công bằng, cùng nhau phát triển. Với những bước đi đầu tiên, chúng tôi hy vọng mang đến người tiêu dùng nhiều lựa chọn với các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất”-anh Thái Nguyễn Trung Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai-khẳng định.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.