Ngăn chặn vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2016 đến tháng 8-2020, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra 201 vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm chết 175 người. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch hạn chế nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai các giải pháp ngăn ngừa.
Nỗi đau của người ở lại
Đã 2 năm trôi qua nhưng chị Blem (làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng) vẫn chưa nguôi ngoai trước cái chết của chồng. Chị Blem kể: Đang khỏe mạnh thì anh Đinh Liu bị những cơn đau đầu hành hạ, gây ảo giác khiến anh cứ thấy có người đuổi đánh mình. Sau một phút nghĩ quẩn, anh từ bỏ cuộc sống để lại người vợ thường xuyên đau ốm và 2 con nhỏ. Nhà chỉ có 4 sào lúa rẫy, chị Blem nay yếu mai đau, lại mất đi lao động chính nên rơi vào khốn khó. “Giờ rẫy phải nhờ họ hàng làm thay, mình thì không còn sức để làm. Mình cũng không biết cuộc sống sắp tới của 3 mẹ con sẽ như thế nào”-chị Blem đưa tay gạt nước mắt.
Cũng chọn cách giải thoát tiêu cực như thế, nhưng chị Đinh Thị Hương (làng Bơ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) may mắn hơn khi giữ lại được mạng sống. Tuy nhiên, vụ nhảy cầu tự tử năm 2018 không thành khiến chị bị liệt 2 chân, phải ngồi xe lăn. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, mọi việc đều nhờ người khác giúp, cuộc sống của chị trở nên bí bách. Giờ đây, mỗi lần nhìn người làng vác cuốc đi rẫy, chị lại thấy hối hận về hành động nông nổi của mình.
Các đoàn thể xã Kông Lơng Khơng tuyên truyền người dân nhằm ngăn ngừa nạn tự tử. Ảnh: M.T
Các đoàn thể xã Kông Lơng Khơng tuyên truyền người dân nhằm ngăn ngừa nạn tự tử. Ảnh: Minh Triều
Theo ông Nguyễn Đình Quân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kông Lơng Khơng: Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có 21 vụ tự tử, khiến 21 người thiệt mạng. Nguyên nhân đến từ những lý do hết sức đơn giản, nhỏ nhặt như: mâu thuẫn vợ chồng, xích mích với người thân, bạn bè… Một số trường hợp bệnh tật, neo đơn, cảm thấy buồn chán nên cũng kết liễu mạng sống. “Một phần cũng do trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế, dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bộc phát. Trong số này, có hơn 80% trường hợp tự tử liên quan đến việc sử dụng rượu bia không làm chủ được bản thân. Nạn tự tử đang trở thành hiện tượng xã hội, để lại nhiều tác động tiêu cực đến đời sống khiến kinh tế gia đình càng khó khăn, con cái không có bố mẹ chăm sóc”-ông Quân nêu thực trạng.
Tương tự, gần 2 năm qua, chị Đinh A Lươi (làng Kbông, xã Lơ Ku) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Thấy anh Đinh A Ngam thường xuyên say xỉn, chị khuyên chồng không nên uống rượu quá đà mà chăm lo làm ăn. Một lần, thấy vợ “mặt nặng, mày nhẹ” khi mình đi uống rượu về, anh Ngam đã chọn cách từ bỏ cuộc sống. Chồng mất, một mình chị Lươi vất vả nuôi 6 đứa con thơ. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó.
Trò chuyện xung quanh vấn đề này, ông Đinh Văn Kinh-Bí thư Chi bộ làng Kbông-cho hay: Có muôn vàn lý do dẫn đến nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều lý do rất khó tin như: chồng đi làm về bảo vợ nấu ăn, vợ không nấu bèn bỏ đi uống rượu rồi nghĩ quẩn tự tử; con cái trộm vặt trong làng, cha mẹ xấu hổ nên quyên sinh; do vợ hay ghen tuông, trong lúc buồn chán, có rượu xui khiến cũng tự kết liễu... Nhiều khi do người dân có lòng tự trọng quá cao, chỉ cần xích mích nhỏ dẫn đến tự ái cá nhân là về tự tử.
Quyết liệt ngăn chặn
Theo bà Trịnh Thị Thành-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng, trước vấn nạn tự tử, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ hòa giải nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn trong dân ngay khi mới phát sinh để tháo gỡ gút mắc. Đặc biệt là tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không uống rượu nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tư tưởng, tâm lý. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, tổ hòa giải ở các thôn, làng. “Bên cạnh đó, xã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; tuyên truyền bài trừ các tập tục lạc hậu để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giảm thiểu vấn nạn tự tử”-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng nêu giải pháp.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cũng cho biết: Đảng ủy xã đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể, các chi bộ phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ gia đình để phối hợp tuyên truyền nhằm hạn chế nạn tự tử trên địa bàn. Hướng dẫn các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề tìm giải pháp ngăn chặn, hạn chế vấn nạn này, đồng thời nhân rộng mô hình “Làng nói không với nạn tự tử”. Rà soát, thống kê các tập tục lạc hậu để xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động xóa bỏ; phân loại những nhóm đối tượng có nguy cơ tự tử để có giải pháp phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền vận động, triển khai các mô hình can thiệp tại cộng đồng.
Trao đổi với P.V, ông Phan Trần Thọ-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-cho biết: Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng này, tổ chức ký cam kết không để xảy ra nạn tự tử đối với từng hộ gia đình. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phải được triển khai đồng bộ mới đem lại hiệu quả thiết thực. “Quan trọng hơn là phải huy động các nguồn lực để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo góp phần nâng cao nhận thức, đời sống người dân từ đó mới hạn chế, ngăn chặn được vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.