Ngăn 'cái chết trắng' nơi địa đầu Tây Bắc - Bài 1: Chuyện ở Na Ư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước đây, mỗi khi nhắc tới địa danh Na Ư, nhiều người dân Điện Biên và vùng Tây Bắc rất e ngại, bởi nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” ma túy. Vùng đất này từng không chỉ có rất nhiều người nghiện, mà còn được coi là nơi “bất khả xâm phạm” với những ông trùm và đàn em được trang bị súng ống đủ loại, vô cùng manh động… Tuy bây giờ tội phạm ma túy ở Na Ư đã giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp do những tàn dư của ma túy.
Bản Na Ư nằm lọt dưới một thung lũng

Bản Na Ư nằm lọt dưới một thung lũng

LTS: Điện Biên - nơi địa đầu vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là địa bàn vô cùng hiểm trở, giao thông khó khăn. Vùng “phên giậu” này có đường biên giới dài tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là điểm nóng về ma túy vì nằm trên tuyến đường vận chuyển của tội phạm ma túy từ “Tam giác vàng” vào Việt Nam. Trong công tác phòng chống tội phạm ma túy nơi đây, Bộ đội Biên phòng là “chốt chặn” quan trọng đầu tiên để ngăn “cái chết trắng” xâm nhập vào nội địa.

Na Ư dần đổi thay

Na Ư là xã biên giới nằm ở phía Tây Nam của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách TP Điện Biên Phủ khoảng 32km, có đường biên giới dài hơn 28km, có cửa khẩu quốc tế Tây Trang, phía Tây giáp với Lào. Cả xã Na Ư nằm lọt thỏm dưới một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá hiểm trở nhưng lại có nhiều lối mòn qua biên giới. Xã có 6 bản là: Na Ư, Hua Thanh, Con Cang, Ca Hâu, Na Láy và Púng Bửa với 378 hộ, khoảng 2.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông.

Mặc dù gặp không ít khó khăn và cả sự can ngăn khi biết chúng tôi có ý định vào bản Na Ư - trung tâm xã Na Ư, để ghi nhận những đổi thay trong đời sống đồng bào nơi đây, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Trên con đường nhựa dài khoảng 10km đèo dốc quanh co xuyên qua những cánh rừng già rậm rạp, chúng tôi được những chiến sĩ biên phòng cho biết, trước đây từ đồn vào bản Na Ư có khi mất cả buổi sáng, thậm chí còn không vào được vì đường sá hiểm trở và sự ngăn cản, chống đối của tội phạm ma túy.

Nhưng bây giờ, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tới bản Na Ư, nằm dưới chân núi Ca Hâu cao sừng sững. Trái với những e ngại trước đó, “thủ phủ” ma túy ngày nào giờ là những bản làng mái ngói đỏ tươi, với đầy đủ các công trình điện, đường, trường, trạm khang trang. Chúng tôi đến Na Ư đúng giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học và THCS Na Ư. Những học sinh khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng, vui vẻ cười nói, chào hỏi người lạ, cho cảm giác một cuộc sống rất bình yên ở nơi đây.

Trung úy Vàng A Bia, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cho biết, cuộc sống của bà con ở Na Ư những năm gần đây đã khá hơn trước nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là việc giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên địa phương để tránh sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Ông Lò Văn Lún, Bí thư Đảng ủy xã Na Ư, chia sẻ, ngoài chuyện giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, thì tỷ lệ hộ nghèo ở Na Ư còn nhiều, chiếm hơn 20%, đặc biệt có những bản như Púng Bửa chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại, chưa có đường bê tông, nên cuộc sống người dân rất vất vả, nghèo khổ.

“Người dân ở Na Ư đều là đồng bào Mông, chủ yếu sống với nghề làm nương rẫy, chăn nuôi, nhưng diện tích trồng được lúa rất ít và không có nghề phụ nên bà con còn nhiều khó khăn lắm”, ông Lún nói. Ông cũng khẳng định, đến nay tình hình tội phạm ma túy ở địa phương đã kiểm soát khá tốt, không còn quá phức tạp như trước đây.

Nỗ lực đẩy lùi hiểm họa

Dù “điểm nóng” Na Ư đã hạ nhiệt, nhưng theo Thượng tá Nguyễn Văn Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn vẫn nhiều phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhất là tội phạm ma túy có chiều hướng trẻ hóa.

“Trên địa bàn còn một số đường dây mua bán, vận chuyển các chất ma túy. Các đường dây này chủ yếu là những người trong cùng dòng họ, hoạt động kín kẽ, che giấu và bảo vệ lẫn nhau. Khi một đối tượng trong đường dây bị bắt, thường rất ngoan cố không khai ra đồng phạm”, Thượng tá Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Góp phần kéo giảm tội phạm ở “thủ phủ” ma túy Na Ư, có công sức rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Các chiến sĩ đã không quản khó khăn, vất vả, vượt núi, xuyên rừng đến với bà con ở các bản làng xa xôi.

Những người lính mang quân hàm xanh không chỉ cùng bà con ở Na Ư trong xóa đói, giảm nghèo mà còn dành nhiều thời gian vận động tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật cho từng người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới ma túy.

Thượng úy Nguyễn Trần Vũ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, chia sẻ, chính sự chân thành trong cách làm, phương pháp làm và tình cảm của bộ đội đã thay đổi phần nào nhận thức của người dân. Họ tích cực tham gia cùng bộ đội trong các phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hiện nay, đồn đã phân công 37 đảng viên phụ trách 83 hộ gia đình khó khăn trong xã Na Ư để giúp đỡ bà con trong cuộc sống. Đồng thời, đồn cũng phân công thêm 3 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 3 chi bộ với mục tiêu giúp các chi bộ ra được nghị quyết thực hiện nhiệm vụ hàng tháng sát với tình hình xã hội trên địa bàn.

“Người dân Na Ư đã thay đổi nhiều về nhận thức, có thiện cảm với chính quyền và thân thiện với bộ đội biên phòng hơn. Nếu trước kia, muốn vào Na Ư sẽ rất khó vì đường vào thường bị rải đinh, hay đặt hầm chông để ngăn người ngoài vào, nhưng bây giờ khác rồi”, Thượng úy Nguyễn Trần Vũ nhấn mạnh và cho biết, từ nay tới cuối năm, đồn sẽ triển khai ký cam kết tới tất cả 6 bản của xã về thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và xuất nhập cảnh trái phép.

Nỗi lo tiềm ẩn

Dù Na Ư đang có sự thay đổi và phát triển, nhưng thực tế vẫn còn nhiều mối lo ngại rất lớn về tình trạng người nghiện ở địa phương đang trẻ hóa. Cả xã Na Ư có 6 bản thì chiếm nửa trong số này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới ma túy.

Chúng tôi tìm tới được nhà ông Vừ A Công, Bí thư Chi bộ 2, bản Na Ư cũng là lúc chiều muộn. Lúc này, ông Vừ A Công và vợ đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm tối trong căn nhà chứa tới hàng chục can rượu trắng loại 20 lít. Thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Vừ A Công thật thà: “Rượu nhà nấu đó, để chuẩn bị cho đám cưới con gái và chỗ đó vẫn còn chưa đủ với dân bản”.

Theo Bí thư chi bộ Vừ A Công, bản Na Ư có 113 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Đất rộng nhưng diện tích trồng lúa lại ít, người dân chủ yếu canh tác lúa nước 1 vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu gia đình nào thu hoạch mỗi năm từ 30-40 bao thóc là thu nhập khá. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân canh tác 2 vụ/năm để có thêm thu nhập, giảm đói nghèo và tệ nạn xã hội. Nhưng, đời sống và tập tục từ xưa rất khó bỏ, nhiều người ở bản không muốn làm ăn mà chỉ thích uống rượu.

Hơn 500 nhân khẩu ở bản phần lớn ở độ tuổi lao động, nhưng lại không có nghề nghiệp ổn định hoặc đã bỏ học về lấy vợ, lấy chồng, thậm chí là tảo hôn nên số lượng thanh niên nghiện tăng trở lại rất nhiều.

Lý giải việc này, ông Vừ A Công buồn rầu: “Nhiều thanh niên ở địa phương học xong cấp 2, cấp 3 nhưng không có nghề nghiệp, suốt ngày chỉ uống rượu nên rất dễ dính tới ma túy. Người nghiện ở đây đang tăng vì ma túy ở bên kia biên giới tràn ngập và rất rẻ, thậm chí còn rẻ hơn cả rượu nên đám trẻ dễ sa ngã. Tôi cũng đang rất lo cho con cháu trong nhà khi chúng ở gần biên giới phức tạp quá”.

Ông Vừ A Công cho biết, hiện nay hồng phiến ở bên kia biên giới chỉ có giá 2.000 đồng/viên, mang vào nội địa là 5.000 đồng/viên nên nhiều con nghiện không có tiền còn được cho nợ hoặc cho luôn, nhưng đổi lại là phải đi “xách hàng”!

Chiều cuối năm, mặt trời chìm nhanh xuống dãy núi Ca Hâu. Chia tay chúng tôi, Bí thư Chi bộ Vừ A Công ánh mắt đầy âu lo khi tối đến, không ít thanh niên bản lại say sưa với rượu và khói thuốc…

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.