(GLO)- Trên cung đường xa thẳm, từ tiểu bang Shan đến tiểu bang Kayah (Myanmar), tôi lại ngạc nhiên, ngỡ ngàng, mê mẩn trước những cánh rừng dã quỳ nơi xứ lạ, làm trào dâng nỗi nhớ sắc hoa và “mùa ăn năm uống tháng” đang chộn rộn ở quê nhà.
Những sự kiện lớn ở Tây Nguyên như Festival Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội voi buôn Đôn, lễ hội hoa dã quỳ... là dịp để gặp gỡ, hẹn hò. Những ngày như thế, mấy anh em nhiếp ảnh chúng tôi phấn chấn lên đường dự hội cùng với ba lô, túi xách máy ảnh, ống kính để săn ảnh và đắm mình trong không gian văn hóa Tây Nguyên.
Mùa hoa dã quỳ năm ngoái, tôi đành lỡ hẹn vì tham gia đi phượt cùng với nhóm phototour sang tận Myanmar-xứ sở Chùa vàng, tháp trắng để săn ảnh. Trên cung đường xa thẳm, từ tiểu bang Shan đến tiểu bang Kayah, tôi lại ngạc nhiên, ngỡ ngàng, mê mẩn trước những cánh rừng dã quỳ nơi xứ lạ, làm trào dâng nỗi nhớ sắc hoa và "mùa ăn năm uống tháng" đang chộn rộn ở quê nhà.
Cứ vào đầu mùa khô, khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 Dương lịch, hoa dã quỳ nở rộ cả vùng Tây Nguyên. Từ Đà Lạt-xứ sở ngàn hoa, chạy qua cao nguyên M’Nông thuộc tỉnh Đak Nông, tới thủ phủ cao nguyên Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) đến vùng Bắc Tây Nguyên là 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều có sự hiện diện của loài hoa này. Đây là loài hoa đặc trưng nơi vùng cao nguyên đất đỏ, tô điểm vẻ đẹp cho rừng núi, buôn làng.
Ở Tây Nguyên, dã quỳ vươn mình bám rễ trên những vạt đất mà người ta không thể canh tác ở dọc theo hai bên quốc lộ, tỉnh lộ, ven hồ, ven sông suối, các bìa rẫy cà phê, rừng cao su, vườn hồ tiêu hay những nơi khô cằn sỏi đá. Dã quỳ có mặt trên khắp nẻo đường, len lỏi qua những góc phố nhỏ, e ấp bên bờ rào ở những ngõ dân sinh nho nhỏ.
Những đồi hoa dã quỳ ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, núi hoa dã quỳ ở Hàm Rồng, Chư Đang Ya ở Gia Lai là nơi loài hoa này dường như muốn kết thành vương miện để dâng tặng sắc màu rực rỡ, nhớ nhung cho buôn làng Tây Nguyên trong mùa nắng gió, khô khan. Du khách đến đây mùa này không chỉ đắm mình trong sắc hoa mà còn thưởng thức, khám phá vẻ đẹp của văn hóa Tây Nguyên qua lễ hội hoa dã quỳ ở chân núi Chư Đang Ya-một thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở huyện Chư Păh.
Dã quỳ khoe sắc rực rỡ ở xứ sở Chùa vàng. Ảnh: Tấn Vịnh |
Ở nhiều vùng xa xôi thuộc tiểu bang Shan, tiểu bang Kayah của đất nước Myanmar, khí hậu và thổ nhưỡng có nét tương đồng với Tây Nguyên. Hai bên đường hiện lên những cánh rừng dã quỳ hoa lẫn trong màu xanh của rừng, màu xám của đá, màu nâu của đất.
Dường như khô hạn hơn, đất ít màu mỡ hơn nên dã quỳ mọc thưa hơn, thân cây, nhánh lá không cao và rậm rạp, đầy sức sống như ở vùng cao nguyên nước ta. Nơi đây, hoa dã quỳ rực vàng nhuốm màu hoang dại, ban sơ và cô tịch, lặng lẽ. Bởi vì thiên nhiên chưa bị khai phá, hình thành nên những rừng cao su, rẫy cà phê, khu dân cư, phố thị đông đúc như ở Tây Nguyên. Bù lại, cảnh sắc đẹp mắt từ loài hoa này mang đến khi nó trang điểm cho các ngôi chùa.
Ven đường, thỉnh thoảng hiện lên những ngôi chùa nằm trên triền đồi, trên khoảnh đất cao ráo, thoáng mát. Những tường mái, đỉnh tháp màu vàng, màu trắng hiện lên đường nét, sắc màu cổ kính, là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc, quyến rũ khách lữ hành. Hoa dã quỳ điểm tô một vẻ đẹp linh thiêng, thanh khiết nơi chốn thiền yên tĩnh.
Hoa dã quỳ ở Tây Nguyên hay ở đất nước Myanmar, mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Mùa hoa trên mái nhà cao nguyên đất đỏ càng thắm sắc khi được phối màu trong không gian văn hóa của các dân tộc bản địa như Jrai, Bahnar, Xơ Đăng... với điệu múa xoang của các sơn nữ, nhịp cồng chiêng của trai làng, hoa văn ẩn hiện trên nền thổ cẩm.
Mùa hoa dã quỳ ở xứ sở Chùa vàng vẽ nên bức tranh hoang sơ, tĩnh lặng. Loài hoa hoang dại này làm nên bức tranh đầy ấn tượng nơi chốn thiền. Dã quỳ như người dân hiền hòa, mộ đạo nơi đây muốn kết tràng hoa đẹp trang trí cảnh quan cho các ngôi chùa, nơi nuôi dưỡng tâm linh, hướng đến cuộc sống an lạc, thiện lành.
TẤN VỊNH