Ngã ba A Zứt, giấc mơ dang dở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đổ con dốc dài 2,5km chạy dọc đường Hồ Chí Minh hết xã A Vương, là đến A Zứt (xã Bha Lêê, Tây Giang). Tôi qua đây bao lần, cứ nghĩ nó như phần bụng chiếc hồ lô nhưng có hai đường thông hai bên là con sông Tà Làng.

Còn trước khi đổ đèo chừng 1km, là nhìn thấy làng thấp thoáng dưới tán rừng và ít ruộng lúa nước, mà nếu rộng ra chút nữa thì rất giống cảnh trước đồn biên phòng ở A Xan.

Khu vực này từng được nhắm làm du lịch nhưng bất thành. Ảnh T.V

Khu vực này từng được nhắm làm du lịch nhưng bất thành. Ảnh T.V

1. Tôi có một kỷ niệm nhớ đời nơi gần ngã ba bên này cầu Tà Làng, chỗ tạp hóa “Tiến Ảnh” bây giờ. Đêm đó uống sa đà ở Prao, có ông ở Tỉnh đoàn kéo tôi: “Ông lên xe tui lái lên A Zứt chơi”. Phi lên ngay. Tối mịt mùng.

Đổ dốc, bỗng ông dừng lại: “Ông xuống, làm hiệu cho tôi quay lui”. Đèn sau xe mờ câm bởi đời cũ nát, tôi vừa huơ tay vừa la hét, suýt nữa xe lọt xuống ta luy âm. Coi bộ ông quờ quạng bối rối, quay đầu xe mà một phút dài hơn thế kỷ. Hú hồn. Chạy về lại, anh tài xế kêu tôi nói nhỏ: “Ông ngu vừa thôi, ổng mới nhận bằng lái bữa hôm qua. Mạng ông rứa là còn lớn”.

Thung lũng này như mặt tiền trước khi lên trung tâm huyện Tây Giang với cổng chào gần đó. Sông. Bãi bồi. Những rặng tre. Lúa nước. Doi cát đổ dài dưới chân cầu phía bên này, còn bên kia là sân bóng. Chốn núi non như Tây Giang, thì địa thế này khác gì một show diễn thời trang lộng lẫy hồn quê, đầy chất thơ.

Nhưng trong ký ức vợ chồng anh Đỗ Quang Tiến và chị Nguyễn Thị Hồng Ánh - chủ tiệm tạp hóa “Tiến Ánh”, thì năm tháng kham khổ đã lùi xa gần 40 năm như còn đóng đinh nỗi nhớ. Chị Ánh nhớ lại: “Chị quê Kỳ Lý (Phú Ninh), năm 88 lên đây. Nếu từ đây thì sáng sớm đi bộ 4 tiếng tới Prao. Ăn cơm trưa xong, đi tới 5h chiều mới tới Đà Nẵng”.

Vợ chồng chị Ánh với 3 gia đình khác, là những người Kinh đầu tiên lên đây dựng nhà. Anh Tiến là sĩ quan biên phòng. Hồi đó có trạm thương nghiệp và trạm biên phòng (đơn vị của đồn A Xan bây giờ).

Chị Ánh cười, tặc lưỡi, uống nước sông cuối nguồn, nhớp nhúa phải biết, nhưng không chịu thì chết khát. Chị bán tạp hóa, muốn mua thì phải xuống Đà Nẵng, đi nhờ xe biên phòng vì anh Tiến làm bộ phận hậu cần. Bộ đội biên phòng cho mượn mấy tấm tôn để che 4 phía, lợp bằng giấy dầu đóng nẹp.

“Ui thôi khổ không chi bằng, đồ ăn chỉ có mắm rồi muối nấu quẹo cô đặc cùng cá khô. Chị nhớ bộ đội ăn uống tội bắt kinh, chỉ có cá chuồn muối đỏ rực. Rau mình tự trồng. Mì tôm thì không cần biết hạn sử dụng, ăn hết. Dầu ăn là mỡ heo, canh 30 lít, ăn hết thì mua tiếp. Bia hơi tự nấu bán cho bà con.

Vợ chồng chị sống nhờ dân đó, họ tốt lắm em, đàng hoàng, mua hàng nợ mình thì cho luôn bởi họ cực lắm. Nhà chị đây rộng 200m2, mua lại đất trồng quế của bà con. Họ không tính mét vuông, mà tính cứ 4 cây quế quy ra tiền đất”.

2. Bao gian truân trôi đi trong cái nhìn xa xăm của chị Ánh. Ngày xưa, ngày đó. Phất phơ chốn này. “Anh không nghĩ có ngày như bây giờ. A Zứt này chỉ nhộn nhịp từ ngày làm đường Hồ Chí Minh” - anh Tiến nói như thầm thì.

Lạnh từ xương, dù đã 9h sáng nắng lên. Đứa con chị nói: “Đây như Đà Lạt đó chú, quanh năm ngủ phải đắp mền”. Tôi nghe, cứ bợn lên thêm một vấn vương nữa. Từ đây qua cầu, một vòng cua mềm mại, nếu thêm mấy chiếc ghe cắm sào dưới kia, khác chi trên bến dưới thuyền.

Nắng đổ tràn từ trên dốc xuống, tạt vào mái tôn trường tiểu học, như chảy tràn xuống khu đất như cánh tay vươn dài trên đồi xuống sông. Tương phản cây rừng xanh thẳm và những sắc màu đủ kiểu, như nhịp điệu bản làng vào hội.

“Đẹp quá, mà răng ở đây không tận dụng thành nơi du lịch chứ?”. Tôi vừa thốt ra, chị Ánh liền lắc đầu: “Chỗ con nít đang đá banh kìa, hồi nớ có mấy chòi du lịch, nhưng sau họ phá quá, bỏ luôn”. Hôm qua ở Prao, tôi có nghe anh em nói là trước dịch COVID-19, hệ thống điện qua đây phải nâng đường dây lên để làm nhà chòi du lịch cộng đồng. Dịch xong, chòi tan.

Ông Briu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói: “Địa thế A Zứt tuyệt đẹp, làm quy hoạch kỹ, đẹp lắm. Hồi đó huyện đã tính làm làng du lịch cộng đồng nhà truyền thống Cơ Tu, là điểm dừng chân trên đường Hồ Chí Minh trước khi lên trung tâm huyện Tây Giang. Phía ta luy âm trước khi đụng cổng chào của huyện, có ít mộ của dân, sẽ được giải tỏa hết, thành khu đất mênh mông.

Huyện định ngay đó làm công viên, ghi danh thành tích của A Zứt, bởi ngày trước đây là nơi ác liệt ghê gớm. Những năm 1980 vẫn còn xe tăng, trạm dừng giao liên, là nơi một số cơ quan của Bộ Quốc phòng đóng. Nếu giải tỏa, sẽ có ngã tư ở đây đi Lào, Huế và địa đạo A Sò. Khu đất rất đẹp, quy hoạch đẹp lắm, có công ty ở Hội An lên đầu tư nhưng rồi dở dang…”.

3. Ý định giải tỏa đó, bây giờ đã thất bại rồi, khi phần lớn đất đã làm trường tiểu học và đồn công an. Nỗi tiếc rẻ như trào lên lần nữa giữa người nói và người nghe. Tôi đem nỗi day dứt về vẻ đẹp như lời chào tưng bừng mà đậm tình quê chốn sơn thủy hữu tình đứt đoạn này hỏi Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm, thì ông nói: “Khu này trước kia xã làm du lịch, nhưng không đồng bộ, thiếu người quản lý và dịch COVID-19 nên sau đó hư hỏng và bỏ luôn. Vừa rồi huyện có kêu gọi đầu tư cây xăng kết hợp phát triển dịch vụ nhưng vướng đấu nối với đường Hồ Chí Minh, làm việc nhiều lần cũng chưa có kết quả nên nay vẫn để vậy. Dọc đường Hồ Chí Minh rất khó phát triển gì vì thủ tục rất rườm rà, hầu như không được”.

Vậy A Zứt coi như cơ hội để phát triển rất khó quá? “Để xem dự án cây xăng không khả thì sẽ tính toán, nhưng kêu gọi đầu tư miền núi khó quá, thêm thủ tục đấu nối đường Hồ Chí Minh càng khó hơn.

Ừ, rất khó, mà bỏ rứa thì uổng, vì địa thế ngon quá! Do ngon, nên mới để lại cho dự án xứng tầm mà gọi hoài không ra anh ơi. Vừa rồi xã định làm tiểu hoa viên gần đầu cầu từ nguồn nông thôn mới mà ban quản lý đường Hồ Chí Minh cũng không cho nên dừng đấy” - ông Lượm nói.

“Nếu không dựng được cây xăng, ý huyện sẽ làm chi?”. “Xã cũng đang thiếu đất làm chợ, sân vận động nhưng huyện tiếc quá chưa đồng ý. Trường hợp không kêu gọi được, chắc huyện cho xã bổ sung quy hoạch và triển khai các công trình phục vụ tiêu chí nông thôn mới”.

Đi tới mắc núi, đi lui mắc sông, đó là thế kẹt của nơi nào, chứ đây sông núi không chặn, bao bận mùa hè đi về, thấy dân phượt đồng bằng lên dừng và ngao du đông đúc. Ngã ba rộn ràng hiếm nơi nào có.

Thủ tục lắm khi là bắt buộc, nhưng gỡ nó để đất và người bừng lên mà không ảnh hưởng đến cái chung, không lẽ cứ gặp cái lắc đầu? Chắp nối cho giấc mơ trọn vẹn là chuyên của nhà chức trách, còn khách bộ hành qua đây, khát nước, đói bụng chỉ biết ghé vào tạp hóa mà giải quyết, rồi đi…

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.