Nét tương đồng trong luật tục Chăm và Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân tộc Chăm là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Trước đây, thời Vương quốc Champa còn hưng thịnh, cộng đồng người Chăm rất gần gũi, gắn bó với các dân tộc vùng Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Jrai.
Ngôn ngữ của người Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo, có quan hệ với các dân tộc nói các tiếng cùng ngữ tộc Malay-Polynesia như: Jrai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru… Người Chăm theo chế độ mẫu hệ và một bộ phận có tín ngưỡng đa thần như người Jrai. Di hệ người Chăm ở vùng cao của tỉnh Bình Định, Phú Yên và Gia Lai còn lại đến nay được gọi là Chăm H’roi. Nhiều tập tục, văn hóa cộng đồng của người Chăm H’roi rất gần gũi với các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các công trình khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ Champa ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, trong đó có các tháp Chăm như phế tích Yang Mum, Drang Lai, Bang Keng ở Gia Lai và tháp Yang Prong ở Đak Lak còn khá nguyên vẹn. Điều đó chứng tỏ, người Chăm cổ đã có một thời kỳ sinh sống, giao lưu với các cộng đồng dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Cộng đồng người Chăm cũng sống thành làng (palei cam-làng Chăm) như plơi hay bôn Jrai, được điều hành bởi vị trưởng làng (po palei) và có hội đồng phong tục nhằm bảo vệ các thần phong mỹ tục, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng. Người Chăm có luật tục riêng (adat), được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người được dân làng cử ra để phân xử theo luật tục (akack guăp; người Jrai gọi là pô phat kđi) là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục Chăm. Adat (luật tục Jrai gọi là tơlơi phian Jrai) là những quy ước của cộng đồng, chứa đựng toàn bộ đạo đức, luân lý, cách ứng xử, tập quán trong xã hội Chăm.
Lễ cưới truyền thống của người Jrai được TP. Pleiku phục dựng trong Tuần lễ Văn hóa-Du lịch năm 2020. Ảnh: Đức Thụy
Lễ cưới truyền thống của người Jrai được TP. Pleiku phục dựng trong Tuần lễ Văn hóa-Du lịch năm 2020. Ảnh: Đức Thụy
Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đối chiếu để tìm đến nét tương đồng trong luật tục Chăm và luật tục Jrai nhằm mở ra hướng nghiên cứu rộng hơn về sự giao thoa văn hóa giữa dân tộc Chăm với các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Ở adat Chăm, chúng tôi căn cứ vào văn bản sưu tầm của 2 tác giả Sử Văn Ngọc và Sử Thị Gia Trang do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2012 bằng tiếng phổ thông và Chăm. Theo nhóm sưu tầm thì luật tục Chăm được các vị cao niên ở một làng định cư lâu đời, có bề dày lịch sử là palei Hamu Tanran (làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ghi nhớ. Văn bản luật tục Chăm được công bố gồm 8 chương với 146 điều. Đối với cộng đồng Jrai, chúng tôi tham khảo văn bản luật tục của người Jrai ở Cheo Reo (vùng Ayun Pa, Krông Pa ngày nay) và Pleiku là cái nôi của người Jrai ở Tây Nguyên, do Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai xuất bản năm 1999 bằng tiếng phổ thông và Jrai. Luật tục này có 5 chương và 66 điều. Như vậy, về dung lượng thì luật tục Chăm nhiều hơn luật tục Jrai 3 chương, 80 điều.
Xét về hình thức, luật tục giữa 2 dân tộc tuy độ dài ngắn, cơ cấu các chương, điều luật khác nhau nhưng cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Điều đó thể hiện ở cách lưu truyền luật tục trong cộng đồng theo lối truyền khẩu, tức là thế hệ này truyền lại thế hệ khác thông qua một số thành phần ưu tú của buôn làng có trách nhiệm gìn giữ lề thói, mực thước của cộng đồng. Người Jrai thường nói là từ “đời ông bà xưa” để lại, còn người Chăm gọi là “lệ bà lưu truyền ông lưu giữ”. Trong cơ cấu thành phần, tạm gọi là “Hội đồng phong tục” ở làng Chăm và Jrai cũng đều có người phán xét, kẻ làm chứng, người hòa giải và bị cáo. Hình phạt bao giờ cũng mang tính răn đe, không kỳ thị và mở ra lối hòa nhập cộng đồng với người vi phạm. Khi phiên xử kết thúc, hình phạt được chấp thuận thì “Từ nay coi như lửa đã tắt, điếu thuốc đã tàn/Mọi điều xấu đã chấm dứt…”. Kẻ phạm tội nặng không dung thứ được thì hình phạt cao nhất là tách ra khỏi cộng đồng (nhưng hiếm khi áp dụng). Các điều luật đều thể hiện theo lối văn vần dễ nhớ, phù hợp với thể thức truyền miệng và cách nói theo lối so sánh, ẩn dụ; riêng luật tục Chăm thì sử dụng nhiều câu thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ mở đầu điều luật của Jrai về con cái xúc phạm cha mẹ: “Chái nhà không thể lớn hơn mái nhà/Hòn đá không thể lớn hơn quả núi…”, còn người Chăm thì: “Không ai sinh ra bởi rễ cây/Nước có nguồn cây có cội…”.
Về nội dung của luật tục Chăm và Jrai, tuy trong các chương và điều luật có cấu trúc và nhấn mạnh khác nhau, nhưng cơ bản đều bao quát được các mối quan hệ xã hội và các thành viên của cộng đồng. Luật tục Chăm nhấn mạnh đến quan hệ giữa các thành viên cộng đồng với người đứng đầu (thủ lĩnh) thông qua chương II: Quan hệ thủ lĩnh với 21 điều. Nhưng ở xã hội Jrai không có chương và điều nhấn mạnh đến các khía cạnh quan hệ giữa thành viên trong cộng đồng và người đứng đầu mà chỉ quy định về trách nhiệm người thi hành luật tục (điều 2, chương I). Đặc biệt, cả 2 luật tục đều dành nhiều điều luật cho vấn đề hôn nhân, quan hệ nam nữ và quan hệ gia đình. Các điều luật đều chi tiết hóa các hành vi vi phạm đối với cả nam lẫn nữ và các thành viên khác trong gia đình. Ví dụ: điều luật về ly hôn của người Chăm: “Vợ chồng như nồi với vung/Nước muốn đổ nồi muốn nghiêng/Một bên trâu, một bên bò/Cứ xẻ đường đi riêng…/Làm lễ tục, lấy cây đũa chẻ làm hai/Cho chồng cầm một nửa, vợ cầm một nửa/Tét cành cà, tét cành é/Đường ai nấy đi, nẻo ai nấy bước…”. Ở luật tục Jrai: “Anh ta ngắm cây gạo/Lá cây bông rộng lớn lá mía…/Vòng bên phải anh ta không nhìn/Anh ta muốn trả lại vòng/Trả lại trâu bò cho bên vợ…/Anh ta bỏ vợ/Không phải vì nước bẩn/Không phải có gì sai trái/Vì thế phải đưa anh ta ra xét xử…”. Hay trong quan hệ cá nhân với cộng đồng, người Jrai cũng như người Chăm đều tuân thủ các quy ước, lệ tục, nếu ai vô tình hay cố ý vi phạm đều phải bị xét xử. Đối với người Chăm: “Lời cam kết như sợi dây cột vào đuôi chim/Như lục lạc đeo vào đít…/Nếu sau này ai bỏ lời cam kết/Thần linh khiến cho nó bị voi đạp cọp bắt…”. Còn ở người Jrai: “Đầu nó ở trong buôn, mông nó ở trong rừng/Nó bỏ con voi nhà mà theo con voi rừng/Bởi vậy người ta sẽ đeo gông vào cổ nó…/Nó không đi cùng với mọi người/Không đi chung một con đường/Voi và tê giác/Không đi cùng với nhau/Bởi thế phải đưa nó ra xét xử”…
Tuy văn hóa ứng xử ở cộng đồng Jrai và Chăm có các điểm dị biệt nhưng trong luật tục ở 2 dân tộc này có nhiều điểm tương đồng ở cả hình thức, nội dung các chương mục, điều luật, kể cả phương thức xét xử và hình phạt đối với các hành vi vi phạm.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.