Nậu nại đất Sa Huỳnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nậu nại đã dại lại quê/Mát trời thì về, nắng lại ra phơi”.
Diêm dân Sa Huỳnh thu hoạch muối.

Diêm dân Sa Huỳnh thu hoạch muối.

Ai đó đã từng viết những câu vè về người làm muối (nậu nại) như thế, để thấy nghề muối của diêm dân Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bao giờ cũng mặn. Mặn lòng và cũng rất đỗi mặn nghề. Để làm ra hạt muối, những con người “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời”, phải “ăn nắng, uống gió” trong nhiều tháng ròng. Nắng càng nhiều, càng cháy da, bỏng thịt thì diêm dân càng vui. Bởi chỉ có thế, họ mới làm ra được nhiều muối, mới tựa vào muối để có kế sinh nhai.

Đi tìm dấu ấn nghìn năm kết tinh

Không ai có thể định đúng thời gian nghề muối Sa Huỳnh bắt đầu từ thời nào. Người cao tuổi đất Sa Huỳnh tin ông tổ nghề muối ở đây vốn người đất bắc di cư vào nam rồi chọn vùng biển Sa Huỳnh định cư. Nơi đây có đầm Nước Mặn thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh. Cạnh đầm nước là khu đất sình lầy. Khi định cư ở vùng đất này, ông tổ nghề muối Sa Huỳnh dạo quanh bờ đầm rồi tình cờ phát hiện những vũng nước đọng có lớp màng mầu trắng. Ông đưa tay sờ nhẹ, lớp màng vỡ thành những hạt nhỏ mang vị mặn, được gọi là muối. Từ đó, ông cần mẫn phát dọn, be bờ, tạo thành những ô ruộng để làm ra hạt muối. Cách phơi muối thành ô, rồi thành cả đồng muối ngút ngàn như bây giờ, cũng dần hình thành từ thời đó.

Ngay cạnh đồng muối, diêm dân góp tiền xây dựng nhà thờ tổ Tân Diêm ghi nhớ ơn ông tổ nghề ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Ông Nguyễn Hiến, Trưởng ban tế tự Nhà thờ cho hay: “Dân làng ở đây nhớ ổng thì đến ngày 16 tháng 7 âm lịch cũng tổ chức lễ cúng ông. Bà con diêm dân lẫn bà con không làm muối cũng đều tập trung dự lễ”.

Tích xưa lưu lại là thế. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nghề muối không chỉ xuất hiện tại vùng đất Sa Huỳnh vào thế kỷ 19, mà nó hình thành ở thời gian xa hơn nữa. Dựa vào những hiện vật khảo cổ ở đây từ đầm An Khê cho tới Tam Quan - Bình Định và tiếp nối cư dân cổ Sa Huỳnh, cho thấy con người đã định cư ở địa danh Sa Huỳnh nhiều đời, 2000-3000 năm trước. “Họ để lại nhiều dấu tích ở đây thì chắc hẳn người ta gắn liền với nghề làm muối ở tại địa phương này. Và tiếp nối nhiều người Việt chúng ta đến đây sinh sống, cộng cư thì chắc hẳn nghề làm muối đã có từ rất sớm”, ông Vũ bổ sung.

Lần giở sử sách còn lưu, trong Đồng Khánh địa dư chí có nhắc tới ấp Tân Diêm, tổng Triêm Đức, huyện Mộ Đức xa xưa - tức vùng Sa Huỳnh ngày nay - là vựa muối lớn của Quảng Ngãi. Trong Quảng Ngãi tỉnh chí được in trên Nam phong tạp chí 1933 cũng định danh nghề muối ở Sa Huỳnh. Từ những năm 1929 được coi là thời kỳ hưng thịnh của muối Sa Huỳnh, khi có năm xuất cảng hơn 7.000 tấn muối đi nhiều nơi. Trong Niên giám thống kê về các loại thuế ở Đông Dương, vào năm 1905, muối Tân Diêm - Sa Huỳnh cũng là nơi đóng nhiều thuế nhất so với những nơi làm muối khác.

Đến đầu thế kỷ 19, theo ghi chép của quan tuần vũ Nguyễn Bá Trác và các cộng sự của ông trong cuốn sách Quảng Ngãi tỉnh chí, Sa Huỳnh là nơi xuất cảng muối hàng đầu cả nước. “Như vậy, chúng ta thấy muối Sa Huỳnh đã có truyền thống lịch sử lâu đời rồi, chứ không phải mới vài trăm năm”, ông Vũ cho biết.

Mặn đắng vị muối

Khác với các vùng muối trên cả nước, diêm dân Sa Huỳnh vẫn giữ lối sản xuất muối truyền thống. Ông Châu Rợ (thôn Long Thạnh 1), 75 tuổi đời, hơn 50 năm mang phận diêm dân: “Làm muối nó cũng có những cái thâm trầm, thí dụ những năm nó được giá thì mình thởi lởi một chút, mình khá giả một chút, có năm nó được mùa nhưng mất giá đi, cho nên cuộc sống nó vất vả chứ không khá giả gì lắm”. Ông Châu Rợ mô tả quy trình làm muối tỉ mỉ như một nghệ nhân: “Từ sau vụ mùa làm muối, người ta xả vỏ khổ (đập ngăn nước) cho nước ở trong nó ra hết, rồi người ta mới sửa ruộng, lăn ruộng, rồi mới dẫn nước thủy triều ở ngoài vô rồi mới giang nắng cho nó sắc lại”. Ngừng một lúc, ông Châu Rợ lại giải thích cho những từ ngữ tưởng chừng khó hiểu: “Thí dụ nước biển nó có 2 độ mặn thôi, nhưng khi vô trong mương, vô trong các sở chứa nước mặn, rồi nắng như thế này nó mỏng nước, tức là nó sắc dần đi. Từ 2 độ mặn nó có thể lên đến 5 độ, 7 độ, rồi nó vô đến vùng kết tinh thành hạt muối, là nó lên 24-23 độ mặn”. Nghề này chuộng nắng, nắng có thể mệt mỏi, hại da cháy tóc, nhưng với diêm dân Sa Huỳnh, nắng thì muối mới tốt. Diêm dân có hai niềm vui không gì sánh được: nắng to và được giá.

Trước đây chính quyền địa phương cũng đã từng tài trợ kinh phí cho một số hộ gia đình đổ bê-tông ruộng muối, số còn lại thì hỗ trợ mua bạt nylon trải trên nền ruộng. Tuy nhiên, người dân vẫn yêu thích cách làm muối trên nền đất, bởi muối trên nền đất mang lại hương vị khác biệt so muối sản xuất trên các nền vật liệu khác.

Chỉ vài năm trước, khách thập phương xuôi ngược trên con đường thiên lý Bắc - Nam chứng kiến ra muối Sa Huỳnh tồn đọng như những bãi trữ vật liệu xây dựng. Muối nhiều, thương lái không thu mua, đời sống diêm dân lâm vào khó khăn. Sản xuất hàng chục tấn, nhưng phải rong ruổi khắp nơi để bán từng kg, “Một tạ muối Sa Huỳnh đổi không được tô phở”. Câu hát “Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết/ Như những tấm lòng hiền hậu thủy chung” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn ngày nào đã không còn thắm đượm mà đầy vị đắng chát.

Ở Sa Huỳnh có rất nhiều gia đình gắn với đồng muối theo nghiệp cha truyền con nối. Mỗi thửa ruộng muối mà người dân nơi đây thường gọi là đất phần trăm đều là chút của để dành cho thế hệ tiếp nối mưu sinh, đắp đổi cuộc sống và giữ gìn nghề muối. Từ lúc hạt muối bén duyên trên đất Sa Huỳnh, diêm dân nơi đây đã phát triển được một cánh đồng muối rộng chừng 120 ha. Sản lượng muối hàng năm ước đạt khoảng gần 10.000 tấn. Tuy thế, ông Trần Quang Thọ, một diêm dân cho hay, có nhiều năm tỉnh phải chở gạo xuống cứu đói bà con Sa Huỳnh, vì ngoài muối, người Sa Huỳnh chẳng còn gì cả. Nghề làm đổ mồ hôi thành dòng, nhưng sống trên cái lấp lánh sáng của ánh muối, nhiều nhà vẫn đói.

Đồng hành cùng muối

Phải làm cho hạt muối Sa Huỳnh có chỗ đứng trên thị trường muối. Đó luôn là khát khao cháy bỏng từ bao đời nay của diêm dân Sa Huỳnh. Bởi, chỉ có thế thì hạt muối làm ra mới thoát cảnh ế ẩm, diêm dân không còn lâm vào câu chuyện truyền đời “được mùa, mất giá”.

Ông Nguyễn Thành Út, Phó giám đốc HTX Muối Phổ Thạnh 1 - trầm ngâm: “Đồng muối là lịch sử văn hóa của Sa Huỳnh, muốn giữ gìn cái bản chất văn hóa lịch sử đó thì cũng cần vượt qua mọi khó khăn, bám nghề muối làm và tìm hiểu đầu ra, những nơi tiêu thụ để mình chạy sản phẩm thì nó mới đem lại nguồn kinh tế của diêm dân Sa Huỳnh, mới gìn giữ bản chất văn hóa lâu dài được”. Từ đầu vụ muối năm 2023 đến giờ, muối Sa Huỳnh giữ ở mức giá 80 nghìn đến 90 nghìn đồng/bao 50 kg. Thời điểm này, HTX của ông Út mới đạt 59% chỉ tiêu, khoảng 2.500 tấn. Ông Út cũng nói thêm, giá đó đang là rất bình ổn rồi.

Phạm Thị Hồng Thắm - một người trẻ lớn lên trên đất muối - đã chọn nghề thu mua, chế biến muối để bắt đầu con đường khởi nghiệp. Những sản phẩm muối Sahu như muối hầm, muối tre, hoa muối… từ nguyên liệu muối Sa Huỳnh do cô nghĩ ra cũng lần lượt được chế biến và cung cấp cho thị trường thông qua một quy trình kỳ công. Từ nguyên liệu thô của diêm dân Sa Huỳnh, cơ sở muối Sahu của Thắm đã chế biến cung cấp cho thị trường gần 30 sản phẩm muối. Nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường nước ngoài và được cộng đồng tiêu dùng thực phẩm sạch tin dùng. Muối không chỉ để ăn, bây giờ, muối còn được dùng để làm quà lưu niệm, đồng muối trở thành điểm tham quan hấp dẫn.

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Muối Sa Huỳnh” cho tập thể diêm dân làm muối ở Sa Huỳnh. Đó như một thành quả ban đầu để minh chứng, để ghi nhận cho những nỗ lực trong suốt nhiều thế kỷ giữ nghề của cư dân Sa Huỳnh.

Nói như tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, muối Sa Huỳnh không chỉ là một sản phẩm chỉ sử dụng hằng ngày, hay là một sản phẩm thương mại trao đổi, xuất nhập khẩu mà còn chứa đựng câu chuyện lịch sử văn hóa của một vùng đất từ lâu đời. Đồng muối Sa Huỳnh giờ không chỉ có bóng dáng người diêm dân độc hành chắt lọc từng giọt nước biển mưu sinh mà còn có khách thập phương. Họ đến tham quan, trải nghiệm nghề muối. Đây là kết quả của một dự án du lịch cộng đồng do chính những con người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này nghĩ ra. Đến đồng muối, bước chân du khách đến gần hơn với các điểm du lịch, check-in nổi tiếng như đầm An Khê, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, Gò Ma Vương… nơi lưu giữ một phần của di sản văn hóa đặc biệt Sa Huỳnh, những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia...

Có câu nói vui rằng, nghề muối làm một ngày ăn cả năm. Những diêm dân ở làng muối Sa Huỳnh luôn trăn trở và hy vọng nghề muối truyền thống của cha ông sẽ sớm bước sang một trang mới. Một trang mới mà ở đó hạt muối thật sự giúp được diêm dân có thể sống được với nghề muối truyền thống, để hạt muối làm ra có thể bù đắp cho những nhọc nhằn mà diêm dân Sa Huỳnh ngày ngày phải phơi mình trên ruộng muối.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.