NASA công bố đoạn ghi âm và video đầu tiên gửi về từ Sao Hỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Micro của tàu thám hiểm Perseverance thu được một đoạn âm thanh dài 60 giây và tàu cũng ghi được hình ảnh video dài 3 phút 25 giây về quá trình đáp xuống bề mặt Hành tinh Đỏ.

Hình ảnh mô phỏng tàu thăm dò Perseverance tiến gần tới bề mặt sao Hỏa. Ảnh do NASA cung cấp. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hình ảnh mô phỏng tàu thăm dò Perseverance tiến gần tới bề mặt sao Hỏa. Ảnh do NASA cung cấp. (Nguồn: THX/TTXVN)



Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 22/2 đã công bố đoạn băng ghi âm cùng video đầu tiên do tàu thám hiểm Perseverance gửi về từ Sao Hỏa, sau khi tàu này đáp xuống bề mặt Hành tinh Đỏ hồi tuần trước, với sứ mệnh tìm kiếm dấu hiệu của sự sống từng tồn tại nơi đây.

Trong quá trình Perseverance đổ bộ Sao Hỏa, micro của tàu thám hiểm này thu được một đoạn âm thanh dài 60 giây.

Theo ông Dave Gruel, kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống camera và micro của tàu Perseverance, trong đoạn âm thanh này, có 10 giây là tiếng gió thổi mạnh trên bề mặt Sao Hỏa.

Trong khi đó, đoạn video có độ nét cao, dài 3 phút 25 giây, cho thấy hình ảnh một chiếc dù hai màu đỏ và trắng đang được mở ra, với phần tán dù rộng 21,5 mét giúp tàu thám hiểm đáp xuống bề mặt Sao Hỏa an toàn.

Ngoài ra, đoạn video cũng ghi lại cảnh lớp cách nhiệt rơi xuống, sau khi bảo vệ Perseverance trong quá trình tiếp cận khí quyển trên Sao Hỏa, cũng như cảnh con tàu này tiếp đất, tạo ra đám khói bụi trên miệng núi lửa Jezero, nằm tại phía Bắc đường xích đạo của Hành tinh Đỏ.

    Ông Michael Watkins, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Phản lực của NASA phụ trách sứ mệnh trên, cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị này thu được cảnh tàu thám hiểm đáp xuống bề mặt Sao Hỏa.

Trong khi đó, nhà quản lý hiệp hội khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen, cho rằng đoạn video của Perseverance là "hình ảnh gần nhất con người có thể thu được về quá trình tiếp đất trên Sao Hỏa mà không cần đến đồ bảo hộ chống áp lực."

Bà Jessica Samuels - quản lý sứ mệnh thăm dò bề mặt Sao Hỏa của Perseverance - khẳng định tàu thám hiểm này đang hoạt động đúng như mong đợi và các kỹ sư đang kiểm tra hệ thống máy móc bên trong tàu.

Perseverance được phóng lên quỹ đạo ngày 30/7/2020 và đáp xuống Sao Hỏa vào ngày 18/2 vừa qua.

Sứ mệnh chính của tàu thám hiểm này sẽ kéo dài trong 2 năm và có thể tiếp tục sau đó. Trong những năm tới, Perseverance sẽ tiến hành thu thập 30 mẫu đất và đá vào các ống bảo vệ để gửi về Trái Đất trong thập niên 2030, phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Tàu thăm dò có kích cỡ tương tự một mẫu ôtô SUV, nặng khoảng 1 tấn, được trang bị một cánh tay robot dài 2,1 mét, cùng 19 camera, 2 micro và một khoang chứa các máy móc hiện đại.

"Người tiền nhiệm" của Perseverance là Curiosity hiện vẫn đang hoạt động sau 8 năm đổ bộ xuống Sao Hỏa.

Perseverance sẽ bắt đầu đào các mẫu đất đá trong mùa Hè năm nay, cùng lúc đó thiết lập các máy móc nhằm truy tìm vật thể hữu cơ, phân tích các hóa chất và chiếu laser lên các mẫu đá để nghiên cứu về sự bay hơi.

Tại đây, một thiết bị có khả năng chuyển đổi khí CO2 trên Sao Hỏa thành khí O2 cũng sẽ được thử nghiệm, giống với chức năng của các loài thực vật trên Trái Đất.

Ý tưởng của thử nghiệm là con người thực tế không cần mang theo bình oxy khi tham gia các chuyến thám hiểm giả định trong tương lai, bởi lượng oxy này có thể tận dụng làm nhiên liệu phản lực, có tầm quan trọng tương tự như sự hô hấp của người.

Theo Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.