Nâng tầm giá trị gạo đặc sản ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều hộ đồng bào Jrai ở Gia Lai đã liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã khôi phục các giống lúa đặc sản truyền thống, đồng thời xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
 

 

Khôi phục giống lúa truyền thống


Những ngày này, chiếc điện thoại của ông Huỳnh Văn Ánh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Ia Hrú (huyện Chư Pưh) liên tục đổ chuông. “Người ta gọi điện hỏi mua gạo Kê Lau. Mỗi ký gạo Kê Lau có giá 30.000 đồng, vừa xay xong đóng bao là chuyển đi ngay cho khách đặt mua. Lâu rồi, gạo Kê Lau lại có giá và được nhiều người quan tâm”-ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, Kê Lau là giống lúa 6 tháng, được đồng bào Jrai xã Ia Hrú gieo trồng từ lâu. Lúa Kê Lau có một số đặc tính như: chống chịu tốt với sâu bệnh và tác động của các điều kiện ngoại cảnh, gạo thơm. Tuy vậy, có thời điểm, người dân nơi đây không còn sản xuất vì năng suất chỉ đạt phân nửa so với giống lúa nước hiện có. Vốn đam mê nông nghiệp, ông Ánh quyết tâm tìm cách khôi phục giống lúa này.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo đặc trưng Đak Trôi và Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo đặc trưng Đak Trôi và Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy


Sau nhiều năm trồng thử nghiệm với diện tích nhỏ và đưa ra thị trường tiêu thụ, gạo Kê Lau được nhiều khách hàng tìm đặt mua nhưng không đủ gạo để bán. Tháng 6-2020, ông Ánh liên kết với 21 hộ đồng bào Jrai trong xã gieo trồng 20 ha lúa Kê Lau. Sau 6 tháng, giống lúa này cho thu hoạch với năng suất 3 tấn/ha. “Mục tiêu của HTX là khôi phục giống lúa đặc sản để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho các thành viên”-ông Ánh thông tin.

Nhận thấy giá trị của giống lúa Krol, chị Lê Thị Bích Hòa (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) liên kết với 10  hộ đồng bào Jrai gieo trồng giống lúa này trên diện tích gần 6 ha. Đồng thời, chị mở cơ sở xay xát và kinh doanh loại gạo này.

Chị Hòa cho biết: Giống lúa Krol được người Jrai ở xã Hà Bầu canh tác từ lâu đời, phần lớn bà con làm lúa chỉ để lấy gạo ăn. Thời gian sinh trưởng của giống lúa này hơn 6 tháng nên người dân chỉ làm được 1 vụ trong năm, năng suất đạt 3,5-4 tấn/ha. Giống lúa này gieo trồng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Cây lúa sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Hà Bầu và được người dân ở đây canh tác theo cách truyền thống, không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh


“Gạo Krol khi nấu có mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt nhẹ, mềm. Khi chúng tôi đưa loại gạo này đi kiểm định thì có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Gạo Krol được khách hàng đánh giá cao. Giá bán 1 kg gạo Krol là 17.000 đồng”-chị Hòa chia sẻ.

“Gắn sao” cho sản vật

Đối với gạo Krol, chị Hòa đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP vào đầu năm 2020. Ngoài ra, sản phẩm được đưa đi giới thiệu, quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn, hội chợ nông sản an toàn của huyện Đak Đoa và tỉnh tổ chức. “Mong muốn của tôi khi tham gia Chương trình OCOP là để người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương”-chị Hòa chia sẻ.

Khách hàng mua gạo Kê Lau tại phiên chợ nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Ảnh: Ngọc Sang
Khách hàng mua gạo Kê Lau tại phiên chợ nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Ảnh: Ngọc Sang


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho rằng: Đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Khi xây dựng được thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, Phòng đã phối hợp với UBND xã Hà Bầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa giống Krol giai đoạn 2021-2025 để triển khai cánh đồng một giống nhằm duy trì và bảo tồn loại giống này.

Tương tự, đầu năm 2020, HTX Nông-Lâm nghiệp Ia Hrú đã đăng ký sản phẩm gạo Kê Lau tham gia Chương trình OCOP. “Vậy là gạo Kê Lau thật sự hồi sinh trên mảnh đất này. Tại Phiên chợ nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào tháng 12-2020 và được trưng bày tại điểm bán sản phẩm OCOP tại địa bàn huyện Chư Pưh, gạo Kê Lau được nhiều khách hàng đặt mua. Sau khi đạt chứng nhận 3 sao, HTX sẽ mở rộng diện tích lên 50 ha trong vụ tới. Đồng thời, tiếp tục tham gia các hội chợ để quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng”-ông Ánh thông tin.

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Qua 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn huyện đã có 4 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Năm 2020, huyện có 12 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có gạo Kê Lau. Hiệu quả bước đầu từ liên kết phát triển giống lúa Kê Lau của HTX Nông-Lâm nghiệp Ia Hrú đã giúp địa phương chọn ra sản phẩm đặc trưng để tập trung đầu tư mở rộng sản xuất. Mục tiêu là sản phẩm gạo Kê Lau không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh, thành khác.

 

 NGỌC SANG
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.