Nặng lòng với văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một thì ông Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro) vẫn ngày ngày miệt mài tìm cách gìn giữ. Năm 2017, ông là một trong 4 nghệ nhân của huyện Kông Chro, Gia Lai được lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.  
“Tầm sư” học chỉnh chiêng  
Một buổi chiều vương nắng, chúng tôi đến nhà ông Đinh Keo. Ông lắc đầu nguầy nguậy khi tôi gọi ông là nghệ nhân. “Đã có ai công nhận đâu mà gọi là nghệ nhân chứ”-ông hóm hỉnh. Trên bức vách phòng khách, ông Đinh Keo treo những bộ cồng chiêng xem như báu vật. Trong 7 bộ cồng chiêng mà ông đang lưu giữ có những bộ từ cách đây hơn 40 năm. “Cồng chiêng muốn bền phải treo lên như thế, chứ để dưới đất nhanh hỏng lắm”-ông nói.
Ông Đinh Keo đang chỉnh lại âm thanh cho bộ chiêng bị lạc giọng. Ảnh: P.L
Ông Đinh Keo đang chỉnh lại âm thanh cho bộ chiêng bị lạc giọng. Ảnh: P.L
Sinh ra và lớn lên tại làng Pyang, tiếng cồng chiêng trong các lễ hội của làng ngấm sâu vào máu ông từ nhỏ. Không cần ai chỉ dạy, qua vài lần tập làm quen với từng chiếc ching chiêng, ông Keo đã nhanh chóng hòa cùng một nhịp với mọi người mà không hề vấp váp. Cứ thế, ông là một thành viên không thể thiếu trong đội cồng chiêng khi làng có việc quan trọng.
Tình yêu của ông dành cho cồng chiêng chưa dừng lại ở đó. Thấy mỗi lần cồng chiêng bị lạc tiếng, người làng lại phải vất vả đem sang các huyện khác tìm người chỉnh sửa, ông chợt nghĩ tại sao mình không đi học để về chỉnh giúp cho làng. Nghĩ là làm, ông khăn gói lên đường tìm đến những bậc thầy chỉnh chiêng ở Ayun Pa như: Nay Kro, Nay Jdoak. Ông kể: “Tôi đi học chỉnh chiêng tổng cộng hết 9 ngày, mỗi lần đi 3 ngày. Đợt đầu tiên, tôi chỉ ngồi quan sát các nghệ nhân chỉnh chiêng, lắng nghe âm thanh trước và sau khi chỉnh để hiểu được âm chuẩn, đúng nốt. Nếu không hiểu chỗ nào thì trực tiếp hỏi và được giải đáp đầy đủ”.
Sau đó, ông Đinh Keo về lại An Khê tìm mua một bộ cồng chiêng láng (chiêng chưa có âm) gồm có 8 chiếc về tự tập chỉnh âm. Sau khi tự tập luyện, ông Keo tiếp tục lên đường “tầm sư học đạo” thêm 2 lần nữa để hoàn thiện hơn nữa kỹ thuật chỉnh chiêng. Kể từ ngày đó, làng Pyang cũng như các làng lân cận không cần phải đi xa để chỉnh chiêng nữa.
Trong số hơn 850 bộ cồng chiêng hiện còn trên địa bàn huyện Kông Chro, ông Đinh Keo đã tận tay chỉnh âm khoảng 400 bộ. Không chỉ vậy, ông cũng đã truyền dạy lại kỹ thuật chỉnh chiêng cho nhiều người trong làng. Tuy nhiên, để chỉnh được chiêng phải là người được “trời phú” cho đôi tai thẩm âm thật tốt. Vì thế, trong số các học trò mà ông truyền dạy, chỉ có người em bà con Đinh Glich là có thể đảm nhiệm được công việc khó khăn này.
Nặng lòng với văn hóa dân tộc
  Ông Đinh Keo vẫn còn giữ nhiều bộ cồng chiêng trong nhà như một báu vật. Ảnh: P.L
Ông Đinh Keo vẫn còn giữ nhiều bộ cồng chiêng trong nhà như một báu vật. Ảnh: P.L
Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro: “Ông Đinh Keo nắm giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát cho đến hát dân ca, kể khan, góp phần không nhỏ trong việc truyền dạy cho người làng. Với những thành tích ấy, ông đã được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”, “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; là một trong 4 nghệ nhân của huyện Kông Chro được lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Đây là sự ghi nhận kịp thời những đóng góp, nguồn động viên to lớn để ông tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc”.

Không chỉ dành tình yêu đặc biệt cho cồng chiêng, nghệ nhân Đinh Keo còn hát dân ca Bahnar rất hay. Mỗi khi trong làng có lễ hội hay kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, bao giờ ông cũng là người giúp cho không khí ngày hội trở nên cuốn hút bằng những làn điệu dân ca. Rồi từ các điệu dân ca truyền thống, ông phát triển thành những bài hát có ý nghĩa tuyên truyền khác nhau. Có thể kể đến các bài như: “Ca ngợi quân dân Khu 7 anh hùng”, “Trật tự an ninh nông thôn”, “Tiếng chiêng gọi thanh-thiếu niên làm rẫy”, “Cô thức cháu dậy đuổi chim det”… Đặc biệt, ông cũng là một trong những người còn thuộc và biết kể nhiều bài khan, rất giỏi đan lát và tạc tượng. Ông đã dạy cho hơn 10 người trong làng Pyang biết tạc tượng để tham gia các hội thi văn hóa các dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức.
Am tường vốn quý văn hóa truyền thống độc đáo nên ông Đinh Keo luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ, phát huy được hết các giá trị quý giá ấy, làm thế nào để bà con dân làng không quay lưng lại với văn hóa của cha ông mình. Khi còn là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro, từ năm 2013 đến 2017, ông đã phối hợp với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Mỗi tuần 2 buổi, lớp học được duy trì thường xuyên đã giúp cho hàng trăm em học sinh dân tộc thiểu số đánh thành thạo các bài chiêng quen thuộc. Trong làng, ông cũng đã thành lập một đội cồng chiêng nhí. Cứ thế lớp lớp trẻ con lớn lên đều ít nhiều biết đánh cồng chiêng và đạt không ít giải cao tại các cuộc thi văn hóa dân tộc các cấp. Ông tâm sự: “Là cán bộ về hưu, được người làng tin tưởng, tôi sẽ cố gắng phát huy vốn văn hóa truyền thống của người Bahnar, duy trì cồng chiêng, hát dân ca và lưu trữ các lễ cúng truyền thống để những nét văn hóa ấy không bị mai một”.
Phương Linh 

Có thể bạn quan tâm

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

Kông Chro nâng cao hiệu quả kiểm kê di sản văn hóa

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể trên địa bàn. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục làm tốt công tác quản lý cũng như phát huy giá trị di sản nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.