Nặng lòng về quê ăn tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Về quê ăn tết năm nay chắc chắn là chuyện mà không cần chính quyền các địa phương “tống đạt” thư ngỏ khuyên răn đừng về thì người lao động xa quê cũng đủ nặng lòng rồi.

Dịch giã khiến cảm nhận về thân phận trở nên xót xa hơn rất nhiều. Được ôm choàng những người thân yêu ngày thương đêm nhớ là nỗi niềm của không ít lao động xa quê. Tết này con không về. Tết này ba mẹ không về. Mấy ai hiểu hết nỗi lòng của người sống trong cảnh đời một phận hai quê?

Còn phải nặng lòng với chuyện “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” nữa. Dịch giã kéo dài ròng rã hai năm trời. Bao nhiêu cơ hội công việc và thu nhập vuột khỏi tay. Giờ đủ tiền để trang trải cuộc sống thường nhật thôi đã là may mắn, lấy đâu ra tiền chục triệu về quê ăn tết, để sắm cho ông bà chút quà mừng xuân, để mua này mua nọ bù đắp cho con trẻ mong ngóng.

Rồi có ai mà không cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của bản thân, của gia đình mình, của cộng đồng khi chấp nhận lao vào hành trình tàu xe về quê ăn tết tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Nặng lòng không khi chính cha mẹ già ở quê dẫu nhớ con mòn mỏi vẫn cắn răng khuyên con thôi đừng về, thương con cảnh phải chịu cách ly này nọ, thăm quê chẳng được bao ngày mà chuốc lấy nhiều rắc rối thủ tục và rủi ro sức khỏe?

Chúng ta đã phủ 2 liều vắc xin Covid-19 cho toàn dân rồi, và một số nơi như Hà Nội, TP.HCM đang đẩy nhanh tốc độ tiêm liều 3 vắc xin cho dân. Chính phủ xác nhận Việt Nam đã đạt mục tiêu “đi sau về trước” trong tiêm chủng vắc xin toàn dân. Chúng ta có thể tự tin đưa mọi hoạt động của cuộc sống trở lại theo chiến lược “bình thường mới”.

Bình thường mới là học sinh, sinh viên phải được đến trường cùng với những biện pháp phòng dịch phù hợp. Bình thường mới là thị trường mua bán phải mở trở lại để khôi phục kinh tế, phục hồi sức dân. Bình thường mới là cho phép người dân được đi lại nhiều hơn, vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch cần thiết nhưng mạnh dạn gỡ bỏ các biện pháp quá hà khắc như cách ly tập trung.

Nhưng vẫn không khỏi khó hiểu vì sao mỗi địa phương lại áp mỗi kiểu quy định khác nhau đối với người về quê mà bất chấp tác động và hiệu quả thực tế của quy định đó. Nơi thì mở lại đường bay nội địa đón khách đón dân, nơi thì vẫn cứ chính sách cách ly tuần này tuần nọ với khách với dân. Nơi thì có vẻ tế nhị hơn, “tống đạt” thư ngỏ khuyên nhau đừng về. Đằng sau cung cách ngỏ lời ấy thực chất vẫn là không dám chấp nhận chiến lược bình thường mới.

Người dân đủ nặng lòng với lựa chọn về quê ăn tết rồi. Các địa phương cũng nên mở lòng, can đảm bước vào chiến lược bình thường mới, nỗ lực phòng dịch nhưng không nhất thiết phải duy trì những quy định khắc nghiệt.

Theo HUỲNH VĂN THÔNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.