Năm cải tiến đột phá của điện thoại thông minh trong tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điện thoại iPhone 15 mới nhất của Apple vừa ra mắt không lâu, nhưng các chuyên gia công nghệ đã bắt đầu hình dung về những mẫu điện thoại của tương lai.

Sử dụng hình ảnh trí tuệ nhân tạo (AI), trang Mobiles.co.uk đưa ra dự đoán về năm cải tiến khác nhau mà điện thoại thông minh có thể phát triển trong tương lai.

Từ điện thoại uốn dẻo đến thiết bị tự sửa chữa, một ngày nào đó chiếc iPhone của bạn có thể trông khác biệt rất nhiều. Liệu những ý tưởng này có thể thành hiện thực trong tương lai hay chúng sẽ chỉ nằm trên bản vẽ?

Bằng cách sử dụng kết hợp các công cụ AI như Midjourney, Dalle3 và Adobe Firefly, các chuyên gia đã có thể sáng tạo ra diện mạo của các mẫu điện thoại trong tương lai.

Ông Amrit Chatha, chuyên gia tại Mobiles.co.uk cho biết: 'Nhìn vào tương lai của ngành điện thoại di động, thật thú vị khi nghĩ đến việc các thiết bị cầm tay trở nên bền vững hơn. Từ khả năng sạc bằng năng lượng mặt trời đến lớp vỏ ngoài bền bỉ hơn và dễ thích ứng hơn, điện thoại thông minh có thể thay đổi mạnh mẽ trong vài năm tới để đáp ứng yêu cầu về môi trường”.

1. Vật liệu mềm dẻo

Ảnh: Mobiles.co.uk

Ảnh: Mobiles.co.uk

Một công nghệ tương lai đang trên đà phát triển là điện thoại uốn dẻo. Những chiếc điện thoại gập như Motorola Razr Plus đã sử dụng một số vật liệu linh hoạt để mở và đóng phần màn hình cảm ứng lớn. Tuy nhiên, tính linh hoạt hiện vẫn bị hạn chế ở một số phần của màn hình.

Theo AI, điện thoại trong tương lai sẽ được chế tạo hoàn toàn mềm dẻo.

Nhà tư vấn về tính bền vững Jennifer von Walderdorff tin tưởng công nghệ này sẽ sớm ra mắt. Bà Walderhorff cho biết: “Về các vật liệu linh hoạt, với việc triển khai các điốt phát sáng hữu cơ linh hoạt, công nghệ này được phổ biến rộng rãi và một số nhà sản xuất đang đầu tư sâu vào nó”.

Dự đoán của chuyên gia này về một chiếc điện thoại trong tương lai không khác xa với những gì đã được một số nhà sản xuất đề xuất.

Gần đây, Motorola đã tiết lộ ý tưởng về một chiếc điện thoại có thể gập lại và quấn quanh cổ tay bạn. Được mệnh danh là điện thoại thông minh đeo được đầu tiên trên thế giới, thiết bị này có màn hình điện thoại 6,9 inch full HD+ như thông thường, song lại có thể uốn cong thành bất kỳ hình dạng nào.

Bà Walderhorff nói rằng những chiếc điện thoại mềm dẻo như vậy sẽ cho thiết bị trở nên chắc chắn hơn và tồn tại lâu hơn.

2. Sạc bằng năng lượng mặt trời

Ảnh: Mobiles.co.uk

Ảnh: Mobiles.co.uk

Trong tương lai, chúng ta sẽ cung cấp năng lượng cho điện thoại theo cách khác.

Các chuyên gia dự đoán một ngày nào đó việc cắm sạc điện thoại sẽ trở nên lỗi thời giống như việc sử dụng điện thoại cố định có dây ngày nay.

Bà Walderdorff cho biết: 'Là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời hầu như vô hạn và chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều sự đổi mới, với những món đồ có thể bỏ vừa túi của bạn”.

Những người đi bộ đường dài và du lịch bụi chắc hẳn đã khá quen thuộc với nhiều loại bộ sạc năng lượng mặt trời di động có thể hỗ trợ các thiết bị không cần ổ cắm trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ đợi thêm để có thể tích hợp các tấm pin mặt trời vào điện thoại như các chuyên gia và AI tưởng tượng.

Năm 2016, nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản Kyocera công bố họ đã phát triển một chiếc điện thoại có thể sạc dưới ánh sáng mặt trời.

Thiết bị này hoạt động bằng cách cài đặt một lớp quang điện trong màn hình, được cho là có thể nhận được một phút cuộc gọi sau mỗi ba phút nằm dưới ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, vì hầu hết mọi người có xu hướng để điện thoại trong túi nên thiết kế này chưa bao giờ được ưa chuộng.

Những cải tiến về pin và tấm pin mặt trời có thể giúp công nghệ này trở nên khả thi nếu chúng có thể sạc đủ nhanh trong thời gian ngắn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, bà Walderdorff tin tưởng rằng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời.

3. Công nghệ tự sửa chữa

Ảnh: Mobiles.co.uk

Ảnh: Mobiles.co.uk

Chúng ta đều thấu hiểu “nỗi đau” khi đánh rơi điện thoại và nhìn thấy màn hình bị vỡ nứt như mạng nhện.

Làm vỡ điện thoại không chỉ gây khó chịu mà còn tốn kém cho cả bạn và môi trường.

Thay vì bỏ tiền ra mua linh kiện thay thế hoặc thậm chí là một chiếc điện thoại mới, các chuyên gia cho rằng điện thoại trong tương lai có thể tự sửa chữa các lỗi hỏng hóc.

Nhà tư vấn về tính bền vững Jennifer von Walderdorff lưu ý việc sản xuất các thiết bị mới và linh kiện thay thế cần sử dụng nhiều năng lượng và nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, điện thoại tự sửa chữa sẽ là một bước tiến lớn về tính bền vững của điện thoại thông minh.

Mặc dù ý tưởng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, song công nghệ này có thể không quá xa vời như bạn nghĩ.

Năm nay, các nhà khoa học từ Đại học Stanford đã phát triển một loại da tổng hợp có thể gắn kết lại với nhau bằng nhiệt và nam châm.

Loại da tổng hợp đó được làm bằng vật liệu silicon và polypropylene glycol co giãn như da người mà không bị rách, đồng thời sở hữu từ tính cho phép da tự điều chỉnh.

Với loại kỹ thuật này, một ngày nào đó các nhà khoa học có thể tạo ra vật liệu có khả năng tự sửa chữa theo thời gian.

4. Vật liệu bền vững

Ảnh: Mobiles.co.uk

Ảnh: Mobiles.co.uk

Nếu việc chờ đợi điện thoại tự phục hồi có vẻ quá xa vời, thì giải pháp tốt nhất tiếp theo là cải tiến những chiếc điện thoại mà chúng ta có.

Khi chúng ta nỗ lực hướng tới một tương lai thân thiện với khí hậu hơn, các chuyên gia cho rằng điện thoại của chúng ta sẽ bắt đầu sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững hơn.

Điện thoại thông minh có tác động lớn đến tài nguyên thế giới vì chúng sử dụng một lượng lớn khoáng sản quý hiếm như coban để sản xuất.

Hơn 70% coban của thế giới được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi phổ biến vấn nạn lao động trẻ em và các điều kiện làm việc tồi tệ.

Bà Walderdorff cho biết: 'Việc phát triển các vật liệu mới với hiệu quả môi trường được cải thiện có thể làm giảm sự phụ thuộc hiện tại của ngành này vào các nguồn tài nguyên không tái tạo.

Tuy nhiên, bà cũng nói rằng sự phát triển bền vững của ngành điện tử đang gặp khó khăn do nhu cầu về vật liệu hiệu suất cao.

Ngay cả khi chúng ta chưa sản xuất điện thoại từ da nấm hoặc các vật liệu tự nhiên khác, vẫn có nhiều cách khác để làm cho chúng bền vững hơn.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng việc tăng tuổi thọ của điện thoại thông minh ở châu Âu chỉ thêm một năm sẽ giúp tiết kiệm lượng khí thải carbon tương đương với việc loại bỏ hai triệu ô tô khỏi hoạt động trên đường mỗi năm.

Một cách dễ dàng để đạt được điều này là làm cho điện thoại dễ sửa chữa hơn.

Trong khi Apple và các nhà sản xuất lớn khác từ lâu đã bị chỉ trích vì khiến việc sửa chữa thiết bị trở nên phức tạp thì các nhà đổi mới khác đang đẩy mạnh phát triển những mẫu thiết kế dễ sửa chữa.

Điện thoại có thiết kế mô-đun như Fairphone cho phép dễ dàng thay thế các bộ phận khi bị hỏng, giảm lãng phí và kéo dài tuổi thọ của điện thoại.

Với vật liệu tốt hơn và thiết kế cải tiến, điện thoại trong tương lai có thể còn tốt hơn cho môi trường.

5. Cải thiện độ bám

Ảnh: Mobiles.co.uk

Ảnh: Mobiles.co.uk

Cuối cùng, mặc dù không phải là cải tiến thú vị nhất nhưng thay đổi này có thể giải quyết một trong những vấn đề khó chịu nhất của điện thoại hiện đại.

Thay vì làm cho điện thoại bền hơn, tự sửa chữa hoặc dễ sửa chữa hơn, các chuyên gia cho rằng điện thoại trong tương lai chỉ cần ít bị rơi hơn.

Với sự trợ giúp của AI, các chuyên gia hình dung một ngày nào đó điện thoại có thể có màn hình sần tự như da rắn để có độ bám và độ bền tốt hơn.

Cốt lõi của bước thay đổi này rất đơn giản: điện thoại ít trơn trượt hơn có nghĩa là ít bị rơi hơn, do đó, ít bị hỏng và cần sửa chữa hơn.

Điều này không chỉ tốt cho môi trường mà còn giúp ích rất nhiều cho những người khuyết tật vốn khó cầm nắm.

Có thể bạn quan tâm