Mỹ tái bố trí hệ thống phòng không Typhon trên đảo Luzon của Philippines

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Reuters ngày 23/1 đưa tin, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của quân đội Mỹ "tái bố trí (các hệ thống phòng không Typhon) trong lòng lãnh thổ Philippines".

khau-doi-typhon-o-san-bay-laoag-philippines-hoi-thang-9-2024-anh-reuters.jpg
Khẩu đội Typhon ở sân bay Laoag, Philippines hồi tháng 9/2024. Ảnh: Reuters

Tư lệnh INDOPACOM Matthew Comer cho biết việc tái bố trí hệ thống Typhon không đồng nghĩa việc Washington để chúng hiện diện thường trực tại Philippines.

Chính quyền Manila cũng xác nhận về việc cơ động các hệ thống Typhon nói trên. Cả Mỹ và Philippines chỉ cho biết địa điểm bố trí mới nằm trên đảo Luzon, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.

Động thái này nhằm đảm bảo việc bảo vệ các hệ thống Typhon trong trường hợp xung đột nổ ra.

Typhon tương đối dễ sản xuất, dựa trên thiết kế đã có từ cách đây cả thập kỷ. Hệ thống này có thể giúp Mỹ và các đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc chạy đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước.

Vũ khí chính của hệ thống Typhon là tên lửa hành trình Tomahawk, cho phép Mỹ tấn công mục tiêu ở cả Trung Quốc và Nga từ trong lãnh thổ Philippines. Ngoài ra, Typhon còn có thể bắn tên lửa SM-6 chuyên tấn công các mục tiêu trên biển với cự ly trên 200km.

Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, khẳng định các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều hệ thống Typhon và trang bị đi kèm đã được chuyển lên một máy bay vận tải C-17 ở sân bay quốc tế Laoag trong vài tuần qua.

Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về việc di chuyển các hệ thống phòng không trên.

Cũng trong ngày 23/1, tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã điện đàm với người đồng cấp Philippines để thảo luận về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh cam kết phòng thủ "vững chắc" của Washington với Manila.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cũng đã gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz tại Nhà Trắng để tái khẳng định liên minh lâu dài giữa hai nước.

Quân đội Mỹ từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng các tài liệu của chính phủ cho thấy nước này dự kiến mua hơn 800 tên lửa SM-6 trong 5 năm tới. Các tài liệu cũng cho thấy Mỹ đang có sẵn vài nghìn tên lửa Tomahawk trong kho.

Có thể bạn quan tâm