Mưu sinh bãi ngang: Khí chất làng biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lao động cật lực, đánh bắt đủ nghề nhưng vì sao ngư dân làng biển bãi ngang mãi nghèo khó đến như vậy? Câu hỏi cứ ám ảnh tôi trong những ngày rong ruổi cùng ngư dân dọc dài miệt biển Quảng Bình.
 
Một góc bờ biển bãi ngang Hải Ninh. ẢNH: T.Q.N
Trắng đêm trên xuồng
Hết thời hạn cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19, tôi về xã biển bãi ngang Hải Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) để làm... ngư dân một đêm. Được anh Trương Văn Hoành gật đầu cho đi theo xuồng vào chiều tối, tôi mừng như vớ được vàng dù nhiều chướng ngại đang trước mặt như: xuồng nhỏ, không có mái che, trời lại đang bấc, sóng cấp 3 - 5 và biển có thể nổi sóng bất cứ lúc nào.
Nói không sợ thì không phải, nhưng nghiệp rồi, không đi không được, từ khi mười mấy tuổi chúng tôi đã lên thuyền đánh bắt

Anh Trương Văn Hoành

Hơn 16 giờ chiều, vợ và con trai của anh Hoành gánh lương thảo, dầu đèn xuống chất lên xuồng rồi cùng xoay xuồng từ bờ xuống nước. Anh Hoành quay máy nổ bành bạch, giữ bánh lái, mắt ngước nhìn phía trước để tìm lối ra bởi nước đang xuống cạn. 
Chiếc xuồng lắc lư, chao đảo vượt qua từng đợt sóng vỗ vào bờ trắng xóa. Tôi ngồi đầu mũi nên bị sóng hất tung người lên rồi thả xuống liên tục. Nước văng lên trùm ướt cả mui thuyền. Xuồng theo hướng nam thẳng tiến. Chạy một lúc trời bỗng nổi gió, sóng to cỡ cấp 4 - 5 nên thuyền cứ bị dồi dập liên hồi.
Chạy gần 1 tiếng đồng hồ, anh Hoành giảm ga, sửa soạn giạ (một loại lưới) thả xuống biển bắt đầu đánh. Tôi giúp anh giữ đe cho cân bằng. Thả giạ xong, anh chỉnh ga cho xuồng chạy với tốc độ khoảng 2 - 3 hải lý/giờ. Cứ thế, xuồng chầm chậm chạy dọc theo lọn nước ven bờ.
Biển đêm, 2 người ngồi cạnh đủ thấy nhau mờ mờ. Tôi hỏi: “Anh đi một mình cả đêm trên biển vậy không sợ ư?”, anh Hoành bảo: “Nói không sợ thì không phải, nhưng nghiệp rồi, không đi không được, từ khi mười mấy tuổi chúng tôi đã lên thuyền đánh bắt. Ngày trước hay bị lật xuồng do dự báo thời tiết bị chênh, khi lật nếu có ai thấy cứu thì may mắn, còn không phải tự bơi vào bờ”... Câu chuyện của chúng tôi bị đứt đoạn bởi tiếng máy xuồng nổ đinh tai và mùi dầu nồng nặc từ ống khói của máy phả thẳng vào mặt.
 
Anh Hoành kéo lưới trong đêm tối
23 giờ 30 phút, anh Hoành tắt máy, kéo giạ lên đầy ghẹ mặt trăng, tôm. Sau khi thả giạ xuống lại biển, chúng tôi tiến hành phân loại ghẹ, tôm lớn, tôm nhỏ và cá, mực để ra từng rá riêng; sứa thì vứt lại xuống biển. Làm một lúc, tay tôi đã ngứa khó chịu vì ghẹ, tôm chích và sứa.
Đêm, anh Hoành cứ chong mắt về phía trước, lúc đảo sang hai bên quan sát để tránh va chạm xuồng khác và khỏi quấn giạ lẫn nhau. Chúng tôi kéo mẻ giạ thứ hai lúc 4 giờ hơn của ngày hôm sau.
Xuồng cập bờ lúc 4 giờ 30 phút. Trên bờ, vợ con của anh đợi sẵn để đón xuồng, phân loại tôm ghẹ rồi mang đi chợ bán. Thời điểm này, bờ biển tấp nập tàu xuồng vào. Trải qua một đêm với hơn 30 hải lý, chúng tôi chia tay nhau bằng 4 con mắt lờ đờ; anh Hoành ngủ lấy sức để chiều tiếp tục hành trình kiếm cơm trên biển.
Lời nguyện cầu trước biển
Cũng như anh Hoành, ngư dân bãi ngang Hải Ninh ai nấy quần quật đánh bắt. Trời tờ mờ sáng, tôi gặp ngư dân trẻ Nguyễn Văn Phong vội vàng chuyển đồ xuống bờ rồi thay bình ắc quy của xuồng do vợ Trương Thị Hoàn mang xuống để kịp quay ngược ra lại biển xúc ruốc. Xuồng chồng rời đi, chị Hoàn mới yên tâm quay lên. Chị đặt bình ắc quy một đầu, tôm cá một đầu rồi gánh về nhà. Dáng chị gầy nhom, tưởng như oằn cong trên cát.
Tầm giữa buổi sáng, khi tôi đến nhà thì Phong đã trở về và đang nằm ngủ lấy sức; chị Hoàn cũng bán xong mớ tôm, ghẹ về. Gia đình Phong đang tá túc tạm bợ trong “ngôi lều” xây bằng bờ lô rộng chừng 25 m2 trên vườn nhà của bố mẹ. Cát trắng ngoài vườn hắt vào ngay mép cửa.
Lấy nhau mấy năm trời, sinh được 2 người con nhưng nay vợ chồng Phong vẫn chưa làm nổi ngôi nhà để ở. “Biển nhìn vậy chứ không ai biết trong lòng có gì. Đánh bắt ngày có ngày về không”, chị Hoàn vừa đong đưa cái võng kẽo kẹt vừa thở dài. Khốn khó khiến vợ chồng Phong già nua hơn tuổi rất nhiều.
Nghe chị Hoàn nói, tôi nhớ đến hình ảnh 3 khuôn mặt buồn xo đi trên xuồng của anh Trương Văn Phu trở về trắng lưới; hay như xuồng của ông Nguyễn Văn Lương vỏn vẹn có 1,5 kg mực cơm. Biển khi có khi không, nhưng tiền sắm xuồng, ngư lưới cụ, dầu đèn, thực phẩm thì cố định phải chi. Và hiếu hỷ, liên hoan cũng tiêu tốn không ít tiền bởi người Hải Ninh nhiều anh em bà con, hàng xóm và luôn sống tình cảm, đoàn kết; có gia đình mất cả chục triệu đồng một tháng. Vậy nên ngư dân Hải Ninh mãi loay hoay trong vòng xoáy tiền bạc.
 
Cuộc sống của ngư dân bãi ngang luôn gắn với biển
Khó khăn đấy nhưng ngư dân bãi ngang chẳng ai có suy nghĩ bỏ nghề. Đó là khí chất người làng biển. Trẻ con bãi ngang chập chững bước đi đã được theo mẹ ra biển đón cha; đến khi lên 5 lên 10 đã lên xuồng theo cha ra khơi. Lớp cha đi trước, lớp con theo sau; thế hệ này nối tiếp thế hệ kia bám biển. Đàn ông kẻ biển lên thuyền mang theo lo lắng, hy vọng, chờ đợi của vợ con ở nhà.
Được mất, no đói cả gia đình phụ thuộc vào chuyến biển. Vì vậy, khi biển có thì ngư dân cật lực làm. Như vợ chồng ông Mai Văn Cọi và Ngô Thị Bền ở thôn Tân Hải. 4 giờ sáng ông Cọi dậy đi giạ ruốc; khi đầy xuồng, ông mang vào bờ cho bà Bền gánh về phơi khô rồi ông quay xuồng đi tiếp chuyến nữa đến xế trưa mới vào.
Như ông Hoàng Văn Tản, đã 74 tuổi rồi mà vẫn chịu khó ra biển xúc ruốc mấy tiếng đồng hồ. Gặp tôi, ông hồ hởi khoe thành tích vừa xúc được 3 yến và bán ngay tại xuồng với giá 180.000 đồng. “Chừng đó đủ thân già này sống rồi chú à, mong chi hơn nữa”, ông Tản nói rồi cười sảng khoái.
Rời những miền biển bãi ngang, tôi nguyện cầu những nơi ấy sẽ thay đổi; công sức trên biển sẽ được nâng niu, trân trọng hơn chứ không phải như con dã tràng xe cát biển Đông luôn hòa không khi sóng vỗ. Và biển luôn trù phú để cuộc sống ngư dân ngày một khấm khá hơn, để không còn những hình ảnh như chị Hoàn gánh cá lên bờ lay lắt mong manh trước gió và cát.

Theo báo cáo tổng kết khai thác cá vụ bắc năm 2019 - 2020 của Sở NN-PTNT Quảng Bình thì nguồn lợi vùng biển ven bờ bị suy giảm. Thời gian tới sẽ điều tra trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng, làm cơ sở xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng để cấp phép cho tàu cá; ban hành quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước ven bờ và vùng nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.