Không phải là chỗ 'dựa' hấp dẫn từ nguồn tài nguyên đến chi phí (đầu tư) thấp như đã tồn tại lâu nay, đã đến lúc cần chỉ rõ điểm đến của các nhà đầu tư khi chọn Việt Nam phải là chất lượng của môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tham quan nhà máy của một doanh nghiệp ở Long An ngày 9-1 - Ảnh: MAI TRẦN |
Không chỉ "trăm năm có một" để khôi phục phát triển sản xuất sau dịch COVID-19 khi làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia ngày một tăng dần, đây cũng là thời cơ thuận lợi nhất để sàng lọc chất lượng dự án lẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhằm đưa Việt Nam trở thành nhà cung ứng mới trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thật sự trong tương lai.
Không phải đến bây giờ làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc mới xuất hiện. Trước khi COVID-19 bùng phát, thương chiến Mỹ - Trung đã như một phép thử hiệu nghiệm để các quốc gia vốn phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc nhận ra sự tác động trực tiếp, ảnh hưởng ngay tức thì khi các mức thuế "trừng phạt" do chính quyền Donald Trump đưa ra.
Việc Nhật công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỉ USD khuyến khích các doanh nghiệp Nhật chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc Ấn Độ liên hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp để đề nghị các gói hỗ trợ hấp dẫn nếu rời khỏi Trung Quốc... đã cho thấy sự quyết tâm "dứt áo" khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này sau dịch bệnh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội "đón sóng" thu hút hàng loạt dự án vốn FDI, Việt Nam cũng phải hoàn thiện nhiều chính sách, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động và chuẩn bị sẵn nguồn hạ tầng sạch nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho nhà đầu tư.
Đây là thách thức rất lớn đối với các địa phương vốn xem việc thu hút đầu tư như một giải pháp giải quyết việc làm, đóng góp nguồn thu ngân sách chính.
Nhưng điều này không có nghĩa việc lựa chọn những doanh nghiệp, dự án phù hợp để hợp tác về mặt khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài lại bị các nơi bỏ qua.
Nhiệm vụ sàng lọc, khắc phục các rủi ro, thậm chí kiểm soát để dần hoàn thiện pháp luật về thu hút đầu tư FDI ở những dòng vốn chỉ chăm chăm đổ vào các lĩnh vực mà trong nước đang dư thừa công suất do chiến tranh thương mại, hoặc những dự án được "thẩm lậu" công nghệ từ nước khác đổ vào cần được nhiều bộ ngành bật chế độ cảnh báo ở mức cao nhất.
Thậm chí cần loại bỏ tư duy thu hút đầu tư nước ngoài dựa vào yếu tố giảm chi phí của nền kinh tế, cũng như có cơ chế thẩm định "chất lượng" các nhà đầu tư thích sử dụng vốn ảo hay núp bóng, mạo danh người Việt để mua cổ phần trước khi cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc dựng lên vùng cấm với những dự án ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng...
Nguồn vốn đầu tư mới có "vươn tầm quốc tế" như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tại hội nghị mới đây hay không phụ thuộc không nhỏ vào sự chủ động lẫn năng lực quản lý chất lượng các dự án "đổ" vào từng địa phương trong thời gian tới.
Đã đến lúc cần chỉ rõ điểm đến của các nhà đầu tư khi chọn Việt Nam phải là chất lượng của môi trường kinh doanh, chứ không phải là chỗ "dựa" hấp dẫn từ nguồn tài nguyên đến chi phí (đầu tư) thấp như đã tồn tại lâu nay.
Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)